Thành công của VNEN – kinh nghiệm từ thực tiễn

GD&TĐ - Từ việc triển khai thực hiện thành công Mô hình VNEN ở địa phương, Sở GD&ĐT Lào Cai đã rút ra được nhiều bài kinh nghiệm. Cô Trần Thị Minh Thu – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai) - chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại về những kinh nghiệm có được từ trong thực tiễn.

VNEN giúp các trường tiểu học có sự thay đổi rõ rệt. Ảnh: Cô và trò Trường tiểu học Trung chải - một trường VNEN của huySapa (Lào Cai)
VNEN giúp các trường tiểu học có sự thay đổi rõ rệt. Ảnh: Cô và trò Trường tiểu học Trung chải - một trường VNEN của huySapa (Lào Cai)

Triển khai Mô hình VNEN với nhiều nội dung

Theo cô Trần Thị Minh Thu, ở Lào Cai triển khai Mô hình VNEN tại trường tiểu học với các nội dung như: Tổ chức, quản lý lớp học; phương pháp dạy; phương pháp học; đánh giá học sinh; phối hợp nhà trường, cộng đồng, gia đình trong giáo dục học sinh.

Cô Trần Thị Minh Thu – phân tích: Về đổi mới tổ chức lớp học, học sinh được ngồi học theo nhóm rất thuận lợi trong quá trình trao đổi ý kiến, học sinh được tương tác trực tiếp với nhau và tương tác với thầy cô giáo.

Hội đồng tự quản được thành lập gồm tất cả các học sinh trong lớp, các em tự nguyện tham gia và tham gia thuyết trình, tranh cử, các em được chủ động tự quản các hoạt động của Hội đồng tự quản lớp, các Ban (Ban học tập, Ban văn nghệ, Ban đối ngoại…) giúp học sinh mạnh dạn, nhanh nhẹn, tự tin thể hiện chính mình.

Về đổi mới trường, lớp học: Các trường tham gia thực hiện dự án VNEN tạo được những chuyển biến rõ rệt, quang cảnh trường, lớp sạch, đẹp, thân thiện.

Đặc biệt là các góc học tập, thư viện lớp học được thể hiện theo chủ đề, chủ điểm giúp học sinh thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, nghiên cứu trải nghiệm, học sinh được thể hiện chính bản thân mình trong các hoạt động tìm tòi, khám phá chủ động lĩnh hội kiến thức trong nội dung bài học.

Về đổi mới phương pháp dạy: Thầy cô giáo không giảng bài truyền thụ tri thức cho học sinh, mà hướng dẫn học sinh làm việc với Hướng dẫn học tập, cá nhân học sinh tự nghiên cứu, cùng nhau thảo luận nhóm kết hợp vận dụng các đồ dùng học tập liên quan để tự mình lĩnh hội kiến thức.

Về đổi mới phương pháp học: học theo mô hình trường học VNEN là học sinh cùng nhau làm việc để học những tri thức liên quan mật thiết đến cuộc sống của các em.

Học sinh phải chủ động làm việc độc lập, làm việc cùng bạn trong nhóm, cả lớp. Thầy cô giáo quan sát, hỗ trợ các em khi cần thiết đảm bảo tất cả học sinh hoàn thành từng hoạt động học, từng bài học.

Về đổi mới kiểm tra đánh giá: Mỗi tiết học, bài học đều có sự đánh giá của thầy cô giáo, bằng lời nhận xét trực tiếp, hay viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh. Học sinh được đánh giá thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình học tập giúp học sinh ngày càng tiến bộ hơn.

Về phối hợp nhà trường, gia đình, cộng đồng trong giáo dục học sinh: Các trường duy trì tốt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng thông qua các hình thức thảo luận, trao đổi trực tiếp, hòm thư góp ý, hòm thư điện tử.

Tổ chức các ngày hội như: Ngày hội cha mẹ cùng con đến trường, mời cha mẹ học sinh tham gia vào học tập cùng con em mình, mời các nghệ nhân đến trường dạy các em thêu thùa thổ cẩm, viết chữ nho, thổi sáo, múa khèn và làm sân chơi cho các em.

Thành lập các Ban cha mẹ học sinh theo năng lực, sở trường như: Ban kinh tế, ban tuyên truyền, ban văn nghệ, ban cơ sở vật chất, nhằm huy động tối đa sự tham gia của cha mẹ, cộng đồng vào giáo dục học sinh.

Kiên định với mục tiêu đổi mới

Cũng theo cô Trần Thị Minh Thu, để VNEN thực sự hiệu quả cần xác định rõ quan điểm chỉ đạo đó là: Hiểu sâu sắc bản chất và thực hiện nghiêm túc, sáng tạo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời kiên định với mục tiêu đổi mới. Qua thực tiễn làm sáng tỏ những vấn đề mới, phát hiện, ủng hộ và nhân rộng điển hình mới. Không nêu khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế, địa lý, học sinh dân tộc thiểu số (chỉ nêu biện pháp khắc phục).

Chỉ đạo thống nhất đồng bộ từ Sở GD&ĐT đến Phòng GD&Đ& và các trường nhằm làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống. Chỉ đạo liên thông giữa các cấp học tiểu học và THCS.

Ngoài ra, cần tạo được sự đồng thuận từ cấp ủy chính quyền địa phương, từ Sở GD&ĐT đến Phòng GĐ&ĐT các huyện/thành phố, các trường tiểu học tham gia mô hình; tạo động lực giúp nhà trường quyết tâm thực hiện tốt mô hình VNEN.

Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trong nhân dân, chính quyền địa phương. Thực hiện tốt nhiệm vụ “Dân vận khéo” tới phụ huynh học sinh, cộng đồng về mô hình trường tiểu học mới Việt Nam.

Mặt khác, cần đề cao vai trò của giáo viên. Trong đó, vai trò quan trọng là người thầy, người dạy cách học. Trong mô hình VNEN, Thay đổi cách dạy- cách học từ giảng giải là chính sang hướng dẫn học, quan sát, giúp đỡ, tư vấn cho học sinh.

Từ chỗ học sinh thụ động nghe – nhìn - chép sang nghe hoặc đọc - tìm hiểu (phát hiện) - trao đổi (Phát biểu). Cho phép giáo viên hoàn toàn chủ động và linh hoạt thay đổi ngữ liệu, điều chỉnh lô gô với mục tiêu bám sát đối tượng học sinh vì sự tiến bộ của học sinh.

Bên cạnh đó, tổ chức hội thảo, chuyên đề hướng dẫn chuyên môn cụ thể để các huyện, các trường tổ chức chuyên đề về “tổ chức các hoạt động trong trường VNEN”; Thành lập đội ngũ cốt cán cấp tỉnh kiểm tra và hướng dẫn phương pháp dạy và học theo mô hình VNEN.

Cô Trần Thị Minh Thu - trao đổi thêm: Các trường, các địa phương cần tạo sân chơi bổ ích, lồng ghép tích hợp nội dung kiến thức môn học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Ngoài ra, có thể tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao năng lực cho CBQL, giáo viên.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu, tiếp thu, nghiên cứu những mô hình hay mà các cơ sở giáo dục đã thực hiện thành công. Lựa chọn, sàng lọc những nội dung phù hợp để áp dụng thực hiện tại đơn vị mình đạt hiệu quả.

“Một việc không thể thiếu đó là, các địa phương, các trường nên tổ chức sơ kết, tổng kết theo từng thời điểm nhằm động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời các đơn vị, các cá nhân có thành tích nổi bật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ” – cô Trần Thị Minh Thu chia sẻ.

Giáo dục Lào Cai tiếp tục có được sự đồng thuận ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền, nhân dân. Các trường tiểu học có sự thay đổi rõ rệt: HS đã tự tổ chức được hoạt động, không khí môi trường nhà trường sôi nổi, tự nhiên không gò bó. Đội ngũ CBQL, GV tiểu học hiểu rõ hơn về VNEN sau mỗi lần tập huấn được nâng cao năng lực: Tự tin hơn, tự chủ hơn, sáng tạo hơn. Nhiều CBQL, GV say VNEN tự nghiên cứu, luôn đổi mới đã đánh dấu bước thành công trong sự nghiệp của bản thân và sự nghiệp GD của ngành.

Kết quả rõ nét nhất là học sinh: Từ chỗ phụ thuộc vào cô giáo nay các em đã tự chủ hơn. Nhờ việc học theo nhịp độ, các cô giáo có thời gian quan tâm nhiều hơn đến HS yếu giúp giảm tỷ lệ học sinh yếu. Đối với học sinh người DTTS được tham gia nhiều hoạt động, được giao tiếp (Nghe và nói) nhiều với bạn, với cô trong các hoạt động học bằng tiếng Việt, kết quả học tiếng Việt của các em tiến bộ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ