Thành công của phiên chất vấn là yếu tố bảo đảm thành công của kỳ họp thứ hai

GD&TĐ - Sáng 10/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế.

Thành công của phiên chất vấn là yếu tố bảo đảm thành công của kỳ họp thứ hai

Phát biểu mở đầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian qua luôn được đổi mới để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi chung của việc đổi mới, nâng cao chất lượng của Quốc hội tại các kỳ họp; làm cho hoạt động chất vấn không chỉ đơn thuần là hình thức giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu mà còn là dịp để tương tác, bổ trợ cho hoạt động giám sát khác, thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội.

Thành công của phiên chất vấn là yếu tố bảo đảm thành công của kỳ họp thứ 2…là tiền đề để rút kinh nghiệm cho các kỳ họp sau được tốt hơn. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn lần này thuộc các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư.

Các Bộ trưởng Bộ Y tế; Lao động – Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam cùng một số bộ, ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Dự kiến sáng 12/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Về cách thức chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết mỗi vị đại biểu nêu câu hỏi trong phạm vi 1 phút; Bộ trưởng trả lời mỗi vấn đề trong phạm vi 3 phút.

Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị đại biểu Quốc hội lựa chọn 1-2 vấn đề trọng tâm, rõ ràng để chất vấn Bộ trưởng. Qúa trình trả lời chất vấn các Phó Thủ tướng và thành viên khác của Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho các thành viên Chính phủ liên quan đến lĩnh vực chất vấn.

Đối với việc tranh luận, người chất vấn và đại biểu khác có thể giơ biển số tranh luận lại với Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đại biểu không dùng quyền tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn; không tranh luận giữa các đại biểu với nhau.

Do phạm vi chất vấn rộng, do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phân công các thành viên khác của Chính phủ tham gia để nắm bắt các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm. Sau khi kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết chung về nội dung này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ