Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn: "Gọi tên" nhiều vấn đề nóng

GD&TĐ - Sáng 6/11, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Ngay từ rất sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch để các cơ quan chức năng chủ động triển khai thực hiện. Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tích cực chuẩn bị và gửi đến các đại biểu Quốc hội 20 báo cáo về các lĩnh vực, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, đánh giá cụ thể về các nội dung đã thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra về những nội dung này.

Qua các báo cáo cho thấy, về tổng thể đã nổi lên nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như từng thành viên Chính phủ và các trưởng ngành trong việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân và xã hội.

Phiên chất vấn này là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của Quốc hội khóa XIV. Mục đích đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội, làm rõ nguyên nhân, đề ra các yêu cầu cần tiếp tục thực hiện để xây dựng Nghị quyết chuyển giao cho Quốc hội khóa sau giám sát, theo dõi.

Trước khi thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Tiếp đó, Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 2,5 ngày (từ ngày 6/11 đến hết sáng 10/11). Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề, lĩnh vực mà vấn đề thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó có trách nhiệm trực tiếp trả lời. Riêng đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ KH&CN, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế, do đã thay đổi nhiệm vụ mới và đang được Quốc hội tiến hành các thủ tục phê chuẩn nên chất vấn của các đại biểu Quốc hội sẽ được trả lời bằng văn bản.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH vào cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp.

Toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.