Năm 1947, trong lúc chính quyền xóa bỏ khí công vì cho rằng đây là hủ tục thì Bí thư huyện Nam Cung, Liu Guizhen (1902 - 1983) lại lâm bệnh nặng không thể chữa trị. Sau khi chuyển về quê, ông lén lút tập luyện môn võ cổ truyền này và bất ngờ khỏe mạnh trở lại.
Ông tổ khí công hiện đại
Guizhen quê Hà Bắc. Thập niên 1940, ông làm việc trong cơ quan chính quyền địa phương huyện Nam Cung. Vào năm 1947, Guizhen bị chẩn đoán mắc bệnh viêm loét dạ dày, lao phổi và suy nhược thần kinh trầm trọng.
Ông đã chạy chữa ở nhiều bệnh viện, nhưng tình hình sức khỏe không hề khá lên. Bước đường cùng, ông chỉ còn cách xin nghỉ việc, về quê dưỡng bệnh. Vợ ông không đành lòng nhìn chồng đầu hàng bệnh tật, cố gắng khuyên nhủ thử tập khí công cổ truyền.
Tại Trung Quốc, khí công là bộ môn võ thuật dưỡng thể có từ thời cổ đại. Theo phát hiện lịch sử, niên đại của nó tối thiểu cũng 4.000 năm. Y học cổ truyền đặc biệt trọng dụng khí công, xem như phương pháp tập luyện cách thở và vận động có lợi nhất cho phục hồi, trị liệu và duy trì sức khỏe.
Suốt chiều dài lịch sử, người Trung Quốc rèn luyện khí công. Họ phân chia nó thành 3 loại, khí công trị bệnh, khí công võ thuật, khí công tu luyện và đề ra các hình thức tập luyện tương ứng. Nửa đầu thế kỷ XX, Trung Quốc chiến tranh liên miên, bao gồm cả nội chiến lẫn ngoại xâm. Dưới tác động của khoa học và nhiều tư tưởng mới, khí công bị xem nhẹ.
Vì lớn lên trong “thời mạt” của khí công, Guizhen cũng không đặt kỳ vọng vào giải pháp chữa bệnh “thiếu tính khoa học” này. Tuy nhiên, dưới sự khích lệ của vợ và tận tình của chú họ, người biết khí công, ông đã thử tập.
Không ngờ, chỉ sau 3 tháng, Guizhen đã từ người bệnh ốm nhom, nặng chưa đầy 35kg tăng lên 50kg và cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Ông quay trở lại cơ quan, sẵn sàng làm việc trước sự kinh ngạc của các cán bộ cùng địa phương.
Thăng và trầm
Liu Guizhen (bên phải), ông tổ của liệu pháp khí công hiện đại. Ảnh: Ancient-origins. |
Tiếng lành đồn xa, người Trung Quốc bắt đầu quan tâm trở lại với khí công. Trong vai trò người dẫn đầu, Guizhen tích cực phổ biến tác dụng của nó. Ông thành công thu hút sự chú ý của chính quyền và y tế huyện Nam Cung, thậm chí khiến cả sở y tế cấp tỉnh – Hà Bắc để mắt tới.
Năm 1953, Hà Bắc phê duyệt khí công làm phương pháp trị liệu phục hồi. Thuận đà, năm 1954, Guizhen mở Viện khí công Đường Sơn, ra mắt phòng tập khí công đầu tiên trong thời hiện đại.
Từ Hà Bắc, liệu pháp khí công mở rộng ra Bắc Kinh, Thiên Tân và nhiều thành phố khác. Cứ 2 năm một lần, Guizhen đại diện y tế Hà Bắc, tới Bắc Kinh báo cáo thành tích khí công.
Cũng trong năm 1954, Guizhen mời các bác sĩ phương Tây đến Viện khí công Đường Sơn sát thực, đề xuất “Tây y nên học hỏi Đông y”. Nửa sau thập niên 1950, khí công hiện đại lan ra toàn Trung Quốc. Nghiên cứu, khám phá mới về khí công tràn đầy các mặt báo. Phòng khám chữa bệnh, rèn luyện khí công nhan nhản như sao.
Tháng 3/1959, tạp chí Khí công ra mắt độc giả, quảng bá kiến thức về khí công trên toàn quốc. Liệu pháp khí công chính thức được vinh danh là “di sản y học sống”, được cả Đông lẫn Tây y tích cực tìm hiểu sâu.
Bước sang thập niên 1960, khí công đột ngột bị giáng thành mê tín dị đoan, liệt vào danh sách các tập tục cổ hủ, quyết tâm “diệt tận gốc”. Suốt thời Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976), khí công bị “nhổ cỏ” trên toàn quốc. Guizhen cũng bị truy tố tội “phục hồi và lây lan cỏ độc khí công”, phạt 11 năm tù giam.
Phục hồi và lan tỏa
Trong tù, Guizhen vẫn dạy khí công cho các tù nhân. Mặc dù nhiều lần bị phát hiện và trách phạt, ông không từ bỏ. Năm 1985, 2 năm sau khi ông qua đời, khí công lần nữa rơi vào hiểm cảnh.
Tổ chức Khoa học và Nghiên cứu Khí công phải ra mặt, điều chỉnh các trường phái và cứu nguy. Năm 1999, Trung Quốc phát lệnh đóng cửa phòng khám, bệnh viện khí công, áp chế các phong trào rèn luyện khí công trong quần chúng.
Ngày nay, khí công có mặt trên toàn cầu. Ảnh: Ancient-oỏigins. |
Bất chấp các đợt càn quét, khí công không chết. Số lượng người âm thầm tập lớn dần lên tới khoảng 200 triệu. Thế kỷ XXI, Trung Quốc bất ngờ công nhận khí công như một hình thức rèn luyện thân thể, cho phép mở phòng tập, trường lớp huấn luyện với điều kiện người hướng dẫn phải trải qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề.
Bây giờ, khí công Trung Quốc tập trung vào khía cạnh y học. Năm 2010, Hiệp hội Khí công Y tế chính thức giới thiệu 5 loại hình khí công có lợi cho sức khỏe, nêu rõ mục đích rèn luyện là nâng cao thể chất.
Từ Trung Quốc, khí công theo di cư, du lịch, điện ảnh… lan rộng ra toàn cầu. Ngày nay, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có người hứng thú tập khí công. Tuy không rõ người thực hành có thật sự “vận khí” được không, nhưng xác thực khí công giúp rèn luyện sức khỏe và tu tâm dưỡng tính.