Những câu chuyện rất thực, rất đời cứ thế đan cài vào nhau, được miêu tả trong tác phẩm “Tháng ngày ê a” của chị bằng một phong vị rất riêng, mộc mạc mà quyến rũ, giản dị nhưng không kém phần tinh tế.
Nếu như trong “Thương thế ngày xưa” tác giả đưa người đọc dạo quanh Hà Nội, vừa đi vừa thưởng thức món quà vặt với đủ loại như: phở, xôi, bún, chè… thì trong tập tản văn mới nhất “Tháng ngày ê a” nhà văn Lê Minh Hà lại dành một khoảng trời riêng để nói về đám học trò Hà thành. Đám trẻ thành phố ấy lớn lên đã bị bao vây bởi chốn đô thị nhưng chúng vẫn có những nét đáng yêu riêng, không ngờ nghệch như nhiều người vẫn nghĩ.
Nhà văn Lê Minh Hà chia sẻ: “Trong cuốn sách này tôi rất muốn độc giả cùng với tôi nghĩ về một điều mà hôm nay người ta nói rất nhiều, đó là: Làm cách nào để cho tuổi thơ thực sự là tuổi thơ – không phải là sướng hay là khổ, mà là đứa trẻ có được sống như nó muốn hay không; và nếu như nó phải sống không như nó muốn, thì nó có thể vượt qua bằng cách nào”.
Hà Nội trong trang viết của Lê Minh Hà là Hà Nội của nhiều năm về trước. Một Hà Nội đang xa dần, sắp mất hẳn và đến một lúc nào đó chỉ còn trong kí ức của lớp người muôn năm cũ. Một Hà Nội đầy hoài cổ và khắc khoải. Cứ để tâm tư trôi trong miên man kí ức mà viết về Hà Nội không phải vì tác giả đã xa Hà Nội quá lâu hay chị không hiểu về mảnh đất này của thời hiện tại… Đơn giản, đó là Hà Nội mà Lê Minh Hà thấy yêu nhất. Một Hà Nội mà nhà văn luôn muốn giữ gìn, dẫu chỉ trong kí ức.