Thằng Chuột Nhắt

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, vào mùng Bốn Tết quê tôi lại mở trường gà. Cần nói rõ là trường gà hoạt động được sự cho phép của chính quyền vì không mang tính đỏ đen.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dân tứ xứ đổ về, họ đến bằng đủ loại phương tiện, ôm những con gà trống chiến với đủ màu lông sặc sỡ. Trông cách ôm chắc người ta nghĩ với họ không có gì quí hơn con vật. Rồi họ thách thức, so kè, bắt độ, đôi khi còn khích bác, văng tục với nhau. Nói chung là ông đấm tôi một đấm tôi còn chịu được chứ ông chê con trống của tôi là một sự xúc phạm không nín nhịn được.

Không nói nhiều cứ thả ra đấu trường sẽ biết... Cuối cùng gà cũng ra trường đấu... Trong khi hai con vật đang gò kè nhau, lựa thế tung ra những chiêu thức sở trường thì hai chủ gà và người xem cũng hồi hộp, căng thẳng, vỡ òa phấn khích không kém.

Có giây phút cả trường gà im phăng phắc, lại vỡ òa tiếng reo, tiếng la cổ vũ khi đấu sĩ tung một đòn hiểm... Khi tàn cuộc giao tranh sẽ có những đấu sĩ vô nồi làm hưng phấn thêm cho cuộc nhậu của chủ thua độ, có đấu sĩ được trả giá gấp mười, vài mươi, thậm chí gấp trăm lần giá trị bằng tiền so với gà thường.

Thắng hay thua, dù gì đi nữa thì người ta cũng có một ngày vui. Tết mà, niềm vui không tự đến thì phải biết tạo ra chứ! Chỉ tội cho những chú gà, sau cuộc so cựa không chết tại trận thì cũng đầu cổ sưng bầm, lông lá te tua khiến ai đó động lòng trắc ẩn. Nhưng biết sao, vì bản năng của gà trống là thích đá nhau mà!

Với người lớn là vậy, còn bọn nhóc chúng tôi cũng hồ hởi không kém. Chúng tôi không chơi gà nòi mà chơi gà tre, loại gà óc tiêu chỉ bảy tám lạng một con. Mỗi thằng nhóc đều gầy cho mình một chú gà. Mùng Bốn Tết cũng ôm đến trường gà nhưng không phải để đấu mà để... khoe.

Cũng so kè, cũng khích bác, cũng văng tục, đôi khi đến đỉnh điểm cũng giao tranh nhưng không phải hai đấu sĩ gà mà là hai đấu nhóc để chưa kịp phân định thắng thua đã bị người lớn xách tai kéo giãn ra.

Trong bọn nhóc chúng tôi hồi đó có một thằng nhóc rất đặc biệt. Do nó nhỏ thó, lanh lẹ, lại tên Tý nên bọn tôi gọi nó là Chuột Nhắt. Chuột Nhắt có trí nhớ rất tốt và có tài kể chuyện. Khi trường gà hoạt động nó có mặt ở đó suốt ngày, để những hôm sau nó kể lại vanh vách con nào thắng, con nào thua, chủ là ai rất chi tiết.

- Tụi mày không biết đâu. Xem gà đá nhau phải biết ngón nghề. Tao chỉ cần liếc xem chân, xem vảy là biết con đó sẽ thắng hoặc thua, lì đòn ăn ngược hay nửa chừng rót chạy. Nhưng quan trọng nhất là phải biết gà cha, gà mẹ của nó ra sao.

- Thì cha nòi mẹ nòi chứ còn sao nữa.

- Xí! Mày ngu quá. Con gà ô năm ngoái vang danh là con gà lai!

- Lai gì? Lai tàu hay lai tây?

- Lai tàu hay lai tây thì chỉ có con người. Nó là con gà lai rắn!

Bọn nhóc chúng tôi ngẩn tò te nhìn thằng Chuột Nhắt đang chúm chím cười. Tôi nói:

- Mày xạo quá! Rắn sao rạp gà được?

- Mày không tin thì thôi. Tao không kể nữa. - Thằng Chuột Nhắt đứng dậy phủi đít quần thì mấy đứa kia nhao nhao như bồ chao:

- Thằng Sửu không tin nhưng tụi tao tin. Mày kể tiếp đi!

Chuột Nhắt lại ngồi xuống kể tiếp:

- Con ô đó là của ông Thanh Râu ở Đá Bàn. Trong một lần vào thăm sui gia trong miền Nam, ổng được ông sui tặng một con mái tơ của một dòng gà chiến. Ổng đem về đóng chuồng nuôi riêng để khỏi lai tạp. Một đêm tình cờ ổng thấy một con rắn hổ trườn vào chuồng gà, ổng định đội đèn đập chết con rắn.

Nhưng khi đến thì ổng thấy con rắn khoanh tròn mấy lớp quanh con gà, con gà không la hoảng mà kêu rin rít trong cuống họng như sướng lắm. Lúc đó, ổng chợt nhớ lời đồn đại trong dân gian về rắn lấy gà nên ổng thôi ý định đập chết con rắn.

Qua mấy đêm sau ổng rình cũng thấy y như vậy, ổng mừng rơn. Khi con mái đẻ ổng cho ấp nở chỉ duy nhất một con. Ổng tưng tiu nuôi lớn cho ra trường đá đâu thắng đó. Không ai biết nó mang hình vóc gà mà là con của rắn.

Mà tụi mày biết không? Khi nó rướn cổ mổ xuống đầu đối phương thì y chang con rắn hổ phùng mang mổ con mồi, đồng thời cặp cựa cong như răng nanh độc của con rắn tung ra phập vào yết hầu đối thủ lút qua bên kia.

- Mày kể y như thật. Nhưng tao hỏi không ai biết sao mày biết? Dốc tổ!

Thằng Chuột Nhắt thản nhiên:

- Thì thật chẳng thật. Còn sao tao biết là một bí mật.

Năm sau đúng hẹn lại lên, trường gà lại mở, nhưng vắng mặt thằng Chuột Nhắt. Mươi hôm sau nó xuất hiện tìm chúng tôi, nói:

- Con gà ô, con gà lai rắn tiêu rồi!

- Sao?! Nó bị gà lai mèo hay lai cọp hạ?

- Xì! Gà sao lai mèo hay lai cọp được. Nó tiêu bởi gà sinh đôi của ông Minh Béo trên Diên Khánh.

- Xạo! Hết gà lai rắn giờ lại gà sinh đôi!

- Tao nói có địa chỉ đàng hoàng. Mày không tin thì thôi. Tao không kể nữa.

Bọn tôi nhìn nhau, bán tin, bán nghi. Nhưng xem ra hấp dẫn đây. Không nghe cũng uổng. Tôi nói:

- Thật giả thế nào, Chuột Nhắt mày cứ kể bọn tao nghe.

Thằng Chuột Nhắt ngồi chồm hổm, chúm chím cười. Bọn tôi ngồi xung quanh.

- Con gà lai rắn nổi tiếng như cồn vì đá đâu thắng đó. Cái ngón sở trường đâm lủng yết hầu đối phương là độc nhất vô nhị. Nghe nói có đại gia từ trong Sài Gòn ra gạ sẽ xây cho ổng một ngôi nhà lầu hai tầng để đổi con gà nhưng ổng không chịu. Rồi ổng được nghe lời thách đấu của ông Minh Béo trên Diên Khánh. Ông này có một cặp gà sinh đôi cũng đá đâu thắng đó chưa từng thua độ nào.

Ông Thanh Râu nhận lời và giả làm dân mê gà đi tìm hiểu gà sinh đôi của ông Minh Béo. Ổng biết được sau một hồi ông Minh Béo thay con kia ra trường. Thử hỏi hai con đá một con chịu sao nổi? Đến ngày so cựa, ông Thanh Râu nói: “Hai con gà của ông giống nhau y sì sì. Nếu ông cho con này ra trường thì tôi bồng con kia và ngược lại. Ông chịu thì tôi cho gà tôi ra”.

Lẽ thường dân chơi gà quí gà hơn vàng, không ai dại đưa gà mình cho người ta ôm. Nhưng vì ông Minh Béo bị bắt trúng mạch nên quê độ gật đầu đồng ý. Phải nói con gà sinh đôi đá ác chiến nhưng chẳng nhằm nhò gì với con gà lai rắn. Ngón sở trường của gà lai rắn tuy không áp dụng được nhưng nó cũng giần con sinh đôi te tua.

Gần hết hồi thứ ba con sinh đôi xem chừng không chịu nổi định dùng chiêu thượng sách trong ba mươi sáu chước, nó định quay đầu tẩu vi thì con anh em của nó trong tay ông Thanh Râu rướn cổ kêu “ót ót”, tức thì con sinh đôi xoay một trăm tám mươi độ tung một đòn trời gầm như ngọn đà đao của Quan Công. Những tưởng con gà lai rắn dính trọn đòn thù.

Nhưng thật không hổ danh, con lai rắn tung mình lên cao tránh được cú đòn, rồi từ trên cao nó mổ xuống đầu con sinh đôi nhanh như rắn mổ... Con sinh đôi anh em trong lòng ông Thanh Râu lại rướn cổ kêu “ót ót”. Con sinh đôi ngoài trường liền rùn mình sát đất tránh cú mổ, rồi từ sát đất nó tung cú song phi, cái cựa bén ngọt của nó cắm sâu vào yết hầu con lai rắn...

Ông Thanh Râu buông rơi con sinh đôi anh em. Trân mắt nhìn con lai rắn trân mình lần cuối rồi nói với ông Minh Béo: “Gà sinh đôi của ông lợi hại quá. Con trong mách nước cho con ngoài”. Ông Minh Béo cười tủm tỉm không nói gì.

Thằng Chuột Nhắt kể xong cười tủm tỉm. Bọn tôi nhìn nhau bàn tán, khen nó kể hấp dẫn quá. Không ngờ thằng Tèo phạt ngang:

- Hấp dẫn cái con khỉ! Xạo bỏ mẹ. Gà mà cũng biết mách nước?!

Chuột Nhắt nheo mắt nhìn thằng Tèo, miệng nó vẫn cười tủm tỉm, nói:

- Biết tao nói xạo sao mày cứ vểnh tai lên nghe như thằng ngố! Ừ! Tao nói xạo đó. Nhưng tao đố tụi mày thằng nào nói xạo được như tao? Tao đố!

Bọn tôi nhìn nhau, lơ láo. Riêng tôi, bỗng dưng tôi ước gì khi cha mẹ sinh tôi ra tôi được sinh đôi để tôi được mách nước trả lời thằng Chuột Nhắt.

Quê nhà, ngày cuối Đông 21/1/2022

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.