Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024:

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.
Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Đất thiêng lập mộ Thủy tổ

Từ cầu Hồ men theo con đê nhỏ ven dòng sông Đuống vài cây số sẽ thấy một gò đất cao um tùm cây cối. Truyền rằng, đó là gò đất rồng gắn với vận số nước Nam, bởi mạch khí ấy hòa linh cốt Nam bang Thủy tổ.

TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh rất ấn tượng với ngôi đền thờ và lăng mộ của Thủy tổ Kinh Dương Vương. Ông Nga dẫn theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rõ về thời kỳ này: Vua Đế Minh là cháu ba đời của Vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp một nàng tiên, cảm duyên lấy nhau. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, tự xưng là Kinh Dương Vương.

Kinh Dương Vương làm vua năm Nhâm Tuất (2879 trước CN), lập nước lấy quốc hiệu là Xích Quỷ, đóng đô ở Ngũ Lĩnh (Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh ngày nay). Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân (còn có tên là Thần Long) là Long Nữ, đẻ ra Sùng Lãm.

Sau này Sùng Lãm kế vị, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Vợ chồng từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền biển, phong cho con trưởng là Hùng Vương, nối ngôi vua.

Cổng nghi môn lăng Kinh Dương Vương.

Cổng nghi môn lăng Kinh Dương Vương.

Cứ theo truyền thuyết ấy thì Vua Hùng là cháu nội Kinh Dương Vương. Sinh thời, Kinh Dương Vương đi kinh lý khắp núi cao, rừng sâu, biển xa nước Việt, lấy đức mà cảm hóa dân. Trên đường kinh lý, qua đất Phúc Khang (làng Á Lữ) phát hiện thế đất quý, tứ linh, có sông núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục. Ngài đã đem những cư dân Việt cổ quy tụ về lập xóm làng.

Khi Vua Kinh Dương Vương qua đời, thi hài được táng tại gò đất thiêng ven dòng sông Đuống. Người dân lập miếu thờ để con cháu đời đời ghi nhớ. Bởi thế ngôi đền Kinh Dương Vương tại Á Lữ thờ cả tam vị Thánh tổ. Ông Nga cho biết, hiện giới sử gia chưa xác định được ngôi đền có từ bao giờ, chỉ biết được trùng tu vào thời Lê - Trịnh. Sau đó, đến thời vua Gia Long tôn tạo lại đền. Năm 1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai bức đại tự.

Đại diện Ban Quản lý di tích đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương cho biết, đến nay các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định lăng và đền thờ Kinh Dương Vương phải có từ rất lâu đời dựa vào những dấu tích như những sắc phong, thần phả, câu đối, đồ thờ từ các triều đại. Hiện xã Đại Đồng còn lưu giữ 18 sắc phong, trong đó có hai sắc phong đời Trần và 16 sắc phong triều Nguyễn. Ngoài ra, còn có một số đồ vật được các đời vua dâng lên, như bát đời vua Lê cùng mâm đồng cổ.

Lối vào lăng mộ Thủy tổ Kinh Dương Vương.

Lối vào lăng mộ Thủy tổ Kinh Dương Vương.

Cận cảnh lăng mộ Kinh Dương Vương với hai chữ “bất vong”.
Cận cảnh lăng mộ Kinh Dương Vương với hai chữ “bất vong”.
Khoảng năm 1949, khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương bị thực dân Pháp phá huỷ, đến năm 1971 mới được phục dựng lại.

Khoảng năm 1949, khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương bị thực dân Pháp phá huỷ, đến năm 1971 mới được phục dựng lại.

Nghìn năm Tổ miếu bất vong

Theo TS Lê Viết Nga, vùng đất Thuận Thành chính là vùng đất hiếm của Việt Nam có ba Thủy tổ. Thứ nhất là vua Thủy tổ Kinh Dương Vương, thứ hai là Thủy tổ sự học Sĩ Nhiếp, thứ ba là Tổ chùa Phật giáo Việt Nam. Mỗi vị Thủy tổ đều có những tích truyện ly kỳ nhưng có lẽ, những câu chuyện ở đền và lăng Thủy tổ Kinh Dương Vương là thú vị và đậm đặc bản sắc hơn cả.

Trong đó có tục rước nước ở sông Đuống về thờ. Phong tục này duy trì xuân thu nhị kỳ, tức là hai lần ở hai mùa Xuân - Thu. Tuy cũng là rước nước nhưng không giống ở những nơi khác. Ngoài nghi thức, quan niệm thì tục rước nước ở Đại Đồng còn có giai thoại.

Rằng xưa kia, khi Lạc Long Quân đem 49 người con xuống biển, còn người con cả ở lại phong vua xưng họ Hùng lập nhà nước Văn Lang. Khi các con Lạc Long Quân làm nghề chài lưới, gặp sóng lớn và thuyền bị đánh đắm, Lạc Long Quân đã hóa phép xuống Thủy phủ giúp các con siêu thoát. Cha Lạc Long Quân dặn lại: Nếu ta không về, các con trên trần cần gì thì đóng bè chuối ra khơi gọi cha về, cha sẽ cứu các con. Truyền thuyết đó có để lại một câu thần chú. Vì thế, khi ra khơi xin nước, người chủ lễ sẽ phải đọc “Bô hô! bô hô!”, nghĩa là: Bố ơi, bố ơi, bố về cứu chúng con.

Từ xưa, người Việt chỉ biết đến đất Tổ Vua Hùng ở Phú Thọ với ngày giỗ mùng 10/3. Rất ít người biết đến nơi chôn cất và thờ tự vua Thủy tổ Kinh Dương Vương, nhiều khách đến đền còn không biết Kinh Dương Vương là ai. Bởi vậy, từ năm 2012 tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ hội 3 ngày trong tháng Giêng. Đó cũng là cách để người dân hiểu cặn kẽ hơn về lịch sử nước nhà.

Toàn cảnh lăng Kinh Dương Vương trên gò đất cao ven dòng sông Đuống.

Toàn cảnh lăng Kinh Dương Vương trên gò đất cao ven dòng sông Đuống.

Trong bài Văn tế Hùng Vương ngày 7 tháng Giêng, có đoạn: Cung duy Thánh vương!/ Hồng Bàng lưu tích, Hùng Thị truyền ban/ Lược thuật hoàng gia/ Kinh Dương Vương kiến quốc/ Lạc Long Quân kế tục/ Hùng Thị thập bát thế tương truyền/ Quốc hiệu Văn Lang/ Đô ư Phong Châu cựu thổ.

Hiện nay, lăng mộ Kinh Dương Vương tọa trên một diện tích đất khá rộng. Theo người dân địa phương, khoảng năm 1949 khu lăng mộ và đền thờ bị thực dân Pháp phá huỷ, mãi đến năm 1971 mới được phục dựng lại. Hiện nay tại đây vẫn còn lưu giữ được tấm bia đá, phía trên bia trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh trang trí hoa dây cách điệu, phía dưới là hình sóng nước.

Trong lòng bia được khắc chìm 19 chữ, chính giữa là bốn chữ “Kinh Dương Vương lăng”, bia có niên đại năm Minh Mệnh 21 (1840). Phía trên mái lăng còn 2 chữ Hán viết lối khải thư “Bất Vong”, tức không bao giờ mất. Người trông coi lăng mộ Thủy tổ là người họ Biện, và dòng họ Biện ở địa phương cứ truyền từ đời này qua đời khác trông coi lăng mộ cũng như đền thờ Thủy tổ.

Còn ở khu đền thờ, ngoài thờ Kinh Dương Vương còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”. Trải qua hàng nghìn năm, vùng gò đất cao ven dòng sông Đuống vẫn không bị bào mòn, đúng như hai chữ “Bất Vong” khắc trên lăng mộ.

Bắc Ninh chọn tên Thủy tổ Kinh Dương Vương để đặt tên cho cây cầu có vòm thép cao nhất Việt Nam.

Bắc Ninh chọn tên Thủy tổ Kinh Dương Vương để đặt tên cho cây cầu có vòm thép cao nhất Việt Nam.

Dẫu huyền thoại hóa nhưng thời Hùng Vương là có thật

Theo tài liệu của cố GS Phan Huy Lê, lịch sử nước nào cũng bắt đầu từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết. Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, Âu Cơ đều là nhân vật huyền thoại. Việc ghi nhớ những nhân vật ấy là sự tưởng niệm nguồn gốc tổ tiên, cội nguồn. Việc tìm thấy những khu lăng mộ cũng đều là chứng tích của những huyền thoại được các thế hệ lịch sử hóa. Ví dụ như cột đá thề trên đền Thượng của Đền Hùng được nhân dân gắn với truyền thuyết Thục Phán thề nguyền khi được Vua Hùng nhường ngôi.

Huyền thoại được lịch sử hóa là chuyện bình thường, nằm trong quy luật lưu truyền và phát triển của văn hóa dân gian. Sử học mới chỉ chứng minh được thời kỳ Hùng Vương là có thật theo ý nghĩa là thời kỳ hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử, dù còn sơ khai. Trong lịch sử của bất cứ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới thời cổ đại, đều có hai mốc lịch sử quan trọng. Thứ nhất là sự xuất hiện của con người trên lãnh thổ, thứ hai là sự hình thành nhà nước đầu tiên.

Theo các tài liệu lịch sử, khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều di tích thời đại đồ đá và đồ đồng cách nay hàng vạn năm. Trên lãnh thổ nước ta đã tồn tại và phát triển cuộc sống con người thời tiền nhà nước, đó là thời tiền sử theo cách gọi của khảo cổ học và sử học. Những huyền thoại, truyền thuyết thời trước Hùng Vương phản ánh lịch sử thời tiền sử, trong đó có sự xuất hiện của con người và nguồn gốc của tổ tiên. Truyền thuyết về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân - Âu Cơ chính là huyền thoại phản ánh cội nguồn dân tộc.

Tại lăng Kinh Dương Vương ghi rằng: Thần Nông sinh ra Viêm Đế. Viêm Đế sinh ra Đế Minh. Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh đi tuần phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy bà Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục là bậc thánh trí thông minh, sức khỏe phi thường, tài đức hơn người. Đế Minh lập Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua cai quản phương Nam xưng là Kinh Dương Vương năm Nhâm Tuất (2879, trước CN - tức gần 5.000 năm tới giờ) lập nên nước Xích Quỷ.

Xích Quỷ: Phía Bắc giáp Động Đình Hồ, phía Nam giáp Hồ Tôn (Quảng Nam), phía Đông giáp bể Nam Hải, phía Tây giáp Ba Thục. Vua định đô ở Ngàn Hống (Hà Tĩnh) sau đóng lỵ sở ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân (hiện thờ ở đền Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ) sinh ra Sùng Lãm nối ngôi (tức Lạc Long Quân). Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra 100 người con. Con cả là Hùng Quốc Vương. Kinh Dương Vương tạ thế ngày mười tám tháng Giêng, tại trang Phúc Khang, bộ tộc Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Đa số sách sử và truyền thuyết đều có điểm chung khi nói về nguồn gốc Kinh Dương Vương: Vua Đế Minh là cháu ba đời của Vua Thần Nông. Đế Minh truyền ngôi cho 2 con trai là Đế Nghi và Lộc Tục. Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi và xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và đẻ ra một trăm người con. Lạc Long Quân phong con trai cả làm vua và đóng đô ở đất Phong Châu (Phú Thọ), lấy hiệu là Hùng Vương. Như vậy, xét về mặt thứ bậc, Kinh Dương Vương là ông nội của Vua Hùng, là Thủy tổ của nước Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ