(GD&TĐ) - Chúng tôi đến huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh khi tà dương đã ngả về tây. Vừa trải qua chặng đường gần 400 km từ Hà Nội, nhưng dường như không ai thấy mệt mỏi, càng không có người nói đến chuyện nghỉ ngơi. Ai cũng muốn lập tức được vào thăm Tượng đài Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, được thắp nén tâm nhang tưởng nhớ 10 nữ liệt sĩ Thanh niên Xung phong đã anh dũng ngã xuống trên vùng đất lửa này hơn 40 năm trước.
Không nói ra lời, nhưng tôi biết lòng ai cũng đang dưng dưng khi nhớ về những người anh hùng ấy, những chị Xuân, chị Nhỏ, chị Xanh... Ngày ấy, các chị chỉ mới 18 đôi mươi, lứa tuổi đang tròn căng sức sống với bao hoài bão, khát vọng về một tương lai của đời người... Thế nhưng, trong chiến tranh có ai nghĩ đến sự hy sinh? Khi nước nhà lâm nguy còn ai tiếc tuổi thanh xuân của mình. Thế hệ cha anh chúng ta ngày ấy cầm súng lên đường, trong lòng chỉ có một khát vọng là sự độc lập, tự do của dân tộc...
Đài tưởng niệm di tích Ngã Ba Đồng Lộc |
Những thế hệ ấy, những khẩu súng trường nhấp nhô trên vai người nông dân cày ruộng, những chàng trai rời nhà trường lên đường tòng quân, những đứa trẻ đội mũ rơm đến lớp học trong những căn hầm dưới lòng đất mà không biết rằng có thể ngày mai, thầy giáo của mình cũng sẽ lên đường nhập ngũ...
Đứng dưới chân Tượng đài Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, đọc thầm bài "Minh chuông" 28 câu 4 đoạn viết theo thể Đường phú tưởng niệm Mười cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc của Anh hùng Lao động - Giáo sư Vũ Khiêu khắc trên 4 mặt quả chuông đặt giữa khu di tích, với những câu khắc khoải:
...
Chiến tranh dội xuống cả hai miền
ác liệt dồn về riêng một góc
Ngã ba lịch sử, suốt ngày đêm dồn dập đạn bom
Nhi nữ kiên cường, trải năm tháng vững vàng gan óc
Đắp đường mở lối, binh lương không ùn lại đằng sau
Lội suối bắc cầu, xe pháo vẫn ào lên phía trước
Long trời lở đất, cùng quân thù quyết tử bao phen
Vì nước quên thân, cả đồng đội hy sinh trong một lúc...
Đâu đây, trong gió chiều
…
Bên dãy Trường Sơn, tôi nghe như có tiếng chuông nguyện vọng về, khoan thai từng nhịp, lại như có cả những tiếng cười đùa, tiếng thúc giục của các chị Cúc, chị Hà giữa tiếng cuốc xẻng hối hả lấp hố bom cho đoàn xe chóng thông đường ra mặt trận... Chúng tôi lặng lẽ đứng bên nhau, ngước nhìn lên tượng đài cao vút dưới ánh hoàng hôn tím ngát. Mọi lời nói lúc này đều là vô nghĩa. Những câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu đã nói hộ tất cả những tâm tư của chúng tôi khi ấy:
…
Một tượng đài cao vút hướng thanh thiên
Mười ngôi mộ sáng trưng như bạch ngọc
Tiếng chuông rung khí phách Trường Sơn
Tiếng chuông dội tinh thần Đồng Lộc
Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người
Muôn dặm bừng soi gương vị nước.
Những giọt nước mắt bên dòng Thạch Hãn
…
Hơn 5h sáng, chúng tôi rời Hà Tĩnh vào Quảng Trị, non trưa đã có mặt tại Nghĩa trang Trường Sơn. Giữa ngút ngàn Trường Sơn hùng vĩ là hơn 10.000 chiến sĩ đang yên nghỉ trong đất mẹ vĩnh hằng.
Đài tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị |
Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, nhưng nghĩa trang nổi tiếng nhất, được nhiều người tới thăm viếng nhất là Nghĩa trang Trường Sơn nằm trên khu đồi Bến Tắt. Có lẽ cũng vì quy mô hoành tráng và uy nghiêm nơi đây... Nhưng, cũng có thể, phần đông mọi người, như chúng tôi lúc này, đều cảm thấy đây là ’’ngôi nhà’’ chung của các anh hùng liệt sĩ. Một phần máu xương và nỗi đau của dân tộc Việt Nam hội lại nơi này. Một chốn linh thiêng, chốn linh thiêng giữa Trường Sơn đại ngàn...
Cha tôi, vốn là một người lính đã vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến thần kỳ hơn 30 năm trước, đã kể cho tôi nghe trước chuyến đi này: "Nghĩa trang Trường Sơn gắn chặt với Binh đoàn 559 và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Suốt 16 năm gian nan ác liệt, hàng triệu tấn bom, hàng vạn tấn chất độc hoá học và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của Mỹ đã đổ xuống đây hòng ngăn chặn bước tiến của các đoàn quân chi viện cho mặt trận phía Nam...”. 16 năm, gần 20 ngàn chiến sỹ đã nằm lại với núi rừng Trường Sơn để hôm nay họ lại quần tụ về đây cũng trên con đường năm xưa. Núi rừng Trường Sơn từng chứng kiến máu xương của người lính thắm đỏ trong màu xanh của đại ngàn nay lại che chở cho linh hồn các anh. Giữa Trường Sơn mênh mông, từng vong linh thanh xuân cứ dội về và thiêng liêng đến bất tận...
Chúng tôi lặng lẽ chia nhau thắp nén hương lên các ngôi mộ nhỏ, lòng không khỏi dưng dưng khi đọc những bia mộ ghi trên đó: khi các anh hy sinh, không có nhiều người được bước qua tuổi đôi mươi. Cái nắng chói giữa trưa tháng 7 của miền Trung cũng không xua đi được cảm giác gai lạnh trước từng hàng mộ chí quần tụ trên 11 quả đồi lớn nhỏ. Thế nhưng, ở đây các anh còn có được những ngôi mộ ghi tên mình... Nói thế nào cho hết cảm giác se lạnh, đau đớn của từng người trong chúng tôi khi đứng trước đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. 81 ngày đên khói lửa, hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất có lượng bom đạn đổ xuống có lẽ nhiều nhất trên thế giới này. Triết lý cát bụi lại về với cát bụi chính là đây chăng? Hàng ngàn chiến sĩ hy sinh trong 81 ngày đêm Thành cổ đỏ lửa, không ai có được một nấm mồ. Hàng ngàn tử sĩ của phía bên kia, cũng vùi tan vào cát bụi. Nhìn ai cũng dưng dưng nước mắt…
Khu liệt sĩ Hà Nội trong tổng thể nghĩa trang Trường Sơn |
Trời chiều tháng 7 của Quảng Trị không lạnh như thế, nhưng trong lòng, có ấm lên được không khi nhớ về những người chiến sĩ đã hy sinh để cho đất nước có được ngày hôm nay? Gió chiều thổi vào từ dòng Thạch Hãn làm không gian càng thêm se lạnh. Dòng Thạch Hãn, cùng với Thành cổ, là nơi có biết bao chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại, trong đó riêng gia đình tôi, có một người chú ruột mà tôi không bao giờ biết mặt... Đứng dưới đài tưởng niệm bên cầu Thạch Hãn, câu thơ nao lòng đọc được ở đâu lại dội về, khắc khoải:
Đò qua Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Gom góp máu xương thành sóng biếc
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
Gió ơi, hãy xoa nhẹ thôi nhé, trên dòng sông lịch sử miền Trung, để sóng nước được gợn nhẹ ngàn năm bên linh thiêng Thành cổ anh hùng.
Trường Sơn