Đồi A1- nơi gìn giữ ký ức hào hùng
Tháng 7 đến, người người muôn phương lại chọn mảnh đất Điện Biên Phủ để tìm đến, vừa tham quan du lịch lịch sử, vừa để tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Buổi sáng tháng 7 ở mảnh đất anh hùng Điện Biên, thời tiết như chiều lòng các du khách thập phương tới đây.
Tôi hòa cùng không khí sôi động của đoàn du khách từ TP Hà Nội lên, vào nhà tưởng niệm đồi A1, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Phần đông trong số họ là cựu chiến binh, chất lính hiện rõ trên gương mặt, trong những bộ quân phục bạc màu.
Ai cũng chăm chú lắng nghe cô hướng dẫn viên nói về trận đánh đồi A1.
Nơi từng là điểm cao trực tiếp che chở cho Sở Chỉ huy quân Pháp và được ví như chìa khóa của cả tập đoàn cứ điểm (cùng với đồi C1, C2, D và E) tại Điện Biên Phủ.
Gần 70 năm về trước, tại đây địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố vững chắc.
Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
39 ngày đêm chiến đấu, hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Cuối cùng, quân và dân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm đồi A1 vào 4h30 ngày 7/5/1954, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngày nay, cứ điểm đồi A1 nói riêng và quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ nói chung, dẫu không còn nguyên vẹn nhưng những dấu tích như: Hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên, lô cốt cây đa cụt, đường hào, khối bộc phá ngàn cân, ngôi mộ tập thể, chiếc xe tăng… vẫn còn đây, trường tồn cùng non sông đất nước.
Tới đây dường như ai cùng đi nhẹ hơn, nói khẽ hơn, bởi nơi đây 2.500 cán bộ chiến sĩ đã nằm xuống.
Mấy bác lớn tuổi tuổi sức yếu không leo lên trên, ở lại, tíu tít đưa máy lên chụp những cánh hoa, cảnh vật để lưu giữ lại kỷ niệm. Họ tỏ vẻ nuối tiếc vì không đủ sức để theo cùng đoàn, nhưng nét mặt vẫn mãn nguyện.
Đoàn cựu chiến binh thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên nói về trận đánh đồi A1. |
Ấn tượng với tôi là bác cựu chiến binh năm nay đã gần 70 tuổi, đeo trên mình chiếc huy chương đã cũ cùng bộ quân phục bạc màu.
Bác tên là Nguyễn Văn Dũng, trước từng công tác tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 4, quân đoàn 9, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam, nay là cựu chiến binh của thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội cùng đoàn lên thăm Điện Biên.
“Đã nhiều lần tôi lên thăm mảnh đất Điện Biên, lần nào tới tôi cũng ghé thăm các di tích chiến trường như đồi A1, Hầm Đờ Cát, Cầu Mường Thanh… đặc biệt là đến thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập, Nghĩa trang A1.
Mỗi lần đến Điện Biên là mỗi lần cảm xúc khác nhau.
Nhớ lại quãng thời gian chiến đấu gần 5 năm trên chiến trường Tây Nam, tôi luôn xúc động và tự hào.
Là một người chiến sĩ, tôi luôn ghi nhớ và nhắc nhở con cháu về những hy sinh, mất mát to lớn của thế hệ cha anh, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân", bác Dũng chia sẻ.
Tưởng nhớ, tri ân
Những ngày này, Nghĩa trang A1 tấp nập những đoàn người đến thắp hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Không chỉ là các đoàn công tác, khách du lịch mà nhiều người dân trên địa bàn TP Điện Biên Phủ, vẫn tranh thủ thời gian để đến thắp nhang lên phần mộ các anh hùng liệt sĩ.
Những nén nhang được thắp lên thay lời tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, để quê hương, đất nước có được tự do, tươi đẹp như ngày nay.
Bà Vũ Thị Ánh, một người dân phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ cho biết, dù đã thành thông lệ, song mỗi lần thắp nén nhang thơm lên từng phần mộ các anh hùng liệt sỹ, trong bà lại dâng trào nhiều cảm xúc.
Các cựu chiến binh cùng thiếu nhi thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ A1. |
“Năm nào vào dịp này tôi cũng đến nghĩa trang viếng các phần mộ liệt sỹ và đều cảm thấy rất xúc động, biết ơn các anh đã có công lớn để có một Điện Biên như ngày hôm nay.
Mỗi lần đến viếng nghĩa trang liệt sĩ, tôi thấy nhiều liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Mong muốn một ngày nào đó, các liệt sỹ có thể quay trở về với quê hương, tên tuổi của mình”, bà Ánh xúc động nói.
Chị Hoàng Thị Thảo, du khách tỉnh Thái Bình đến thăm Điện Biên cùng gia đình chia sẻ, trong dịp hè này, gia đình chọn mảnh đất Điện Biên để cho 2 con đi du lịch, thăm người nhà và cũng mong muốn đi thăm quan khu di tích lịch sử để các con hiểu hơn về lịch sử dân tộc, đặc biệt là giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Khắp khu vực lòng chảo Điện Biên, đâu đâu cũng thấy những chứng tích lịch sử ghi lại chiến thắng của quân và dân ta.
Đó là những giao thông hào, hố bom, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng, các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, các đồi A1, C1, D1, E1, Hầm Đờ Cát, đèo Pha Đin… tất cả như đã được hóa thân vào sắc xanh của cỏ cây hoa lá, khiến cho bất cứ ai từng đặt chân đến nơi đây dù chỉ một lần cũng trào dâng xúc cảm.
Trong tâm khảm của những người trẻ được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, luôn tự hào về những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc qua lời kể của cha ông và sử sách.
Điện Biên vẫn luôn là “địa chỉ đỏ” để du khách thập phương chọn làm điểm dừng chân vào mỗi dịp hè về!