Dùng chiêu trò dị hợm để nổi tiếng
Nhiều người được mệnh danh là giới "anh chị" từng vào tù ra tội, thường văng tục chửi bậy và khoe của trên mạng xã hội, thế nhưng tài khoản YouTube, Facebook lại có hàng triệu người theo dõi cùng lượng “fan” rất hùng hậu.
Khá Bảnh là cái tên đang nổi lên trên mạng xã hội với những video "đạo nghĩa giang hồ", "tình anh em" cùng đời tư bất hảo, lời lẽ bạo lực, văng tục. Đáng chú ý, kênh YouTube của "dân chơi" sinh năm 1993 này có gần 2 triệu người theo dõi, Facebook cá nhân có hơn 600.000 người theo dõi.
Mỗi clip của Khá Bảnh đều thu hút tới hàng trăm nghìn đến cả chục triệu lượt xem với rất nhiều lượt tương tác, bình luận. Có nhiều thông tin cho rằng nhờ lượt theo dõi khủng mà Khá “Bảnh” kiếm vài trăm triệu một tháng.
PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục nhận định: Xã hội vẫn còn những người tin vào giá trị về mặt quyền lực là tiền, càng có tiền thì càng có quyền, có vị trí xã hội. Vì vậy, những đối tượng có hành vi phá bỏ mọi quy tắc, quy định vẫn có thể tồn tại, thậm chí mang lại sức hấp dẫn lớn giống như chơi trò nguy hiểm.
“Có cả ông già, người lớn có biểu hiện thần tượng, nhưng trên thực tế nhóm chính vẫn là thanh, thiếu niên trong độ tuổi vị thành niên. Đặc điểm tâm sinh lí của giai đoạn vị thành niên là muốn bứt phá ra mọi khuôn khổ, muốn khám phá bản thân và nhu cầu thể hiện cao, thu hút sự chú ý. Nếu không có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn sớm sẽ vô cùng nguy hiểm khi định hướng giá trị cho giới trẻ”, ông Nam nhận định.
PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: HN
TS Nam phân tích, có 2 kiểu thu hút sự chú ý là tài năng thực sự hoặc làm những hành động kỳ quái, quái lạ. Cùng với sự ra đời của YouTube, Facebook, những người chẳng có tài năng gì như Lệ Rơi, Tùng Sơn... và hiện giờ là Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền đang thu hút rất nhiều sự chú ý. Chính vì thế trong xã hội đã hình thành những nhóm thanh niên có hành vi, suy nghĩ lệch chuẩn, tự gây chú ý... Đây chính là lí do của những nhóm lệch chuẩn bắt đầu phát triển, xây dựng kênh truyền thông cho mình.
“Nguy hiểm nhất cho xã hội là khi những đối tượng, hành vi cần lên án lại có một lượng “fan” hùng hậu. Ban đầu chỉ là thích thú với sự phá cách, tính giải trí nhưng lâu dần sẽ khiến những hành vi mang tính chất phản xã hội, trái luật có xu hướng coi nhẹ, nhìn mờ đi các điểm yếu..., dẫn đến xu hướng bắt chước, làm theo các hành động sai trái. Sẽ có những suy nghĩ muốn kiếm được nhiều tiền, nổi tiếng thì cần phải có chiêu trò dị hợm hơn”, ông Nam nói.
Ngăn chặn sự “lây lan”
Đại tá Phạm Trường Dân – ĐBQH khóa XIII, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng phải xác định và nhìn nhận một cách toàn diện vấn đề này. Một con người tù tội bây giờ làm việc lệch chuẩn lại nhận được sự hưởng ứng một cách thái quá của một bộ phận không nhỏ, sẽ dẫn đến cổ súy cho hành vi lệch chuẩn. Vì thế, xã hội và dư luận cần có định hướng cho đến giới trẻ.
Đại tá Phạm Trường Dân. Ảnh: XH
“Nếu như có gần 3 triệu người đang theo dõi nhân vật Khá “bảnh” thì đây là một vấn đề báo động cho cả xã hội, vấn đề không bình thường trong giới trẻ về mặt nhận thức đạo lí và pháp luật.
Cần phải có sự điều chỉnh ngay, sự vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan như cấp ủy, đoàn thanh niên, ngành giáo dục đào tạo, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan truyền thông để ngăn chặn các hành vi lệch chuẩn này lan rộng", đại tá Phạm Trường Dân cho hay.