Thận trọng nới “rào”

GD&TĐ - Ngày 7/6, Ấn Độ ghi nhận 100.636 ca nhiễm Covid-19 và 2.427 người tử vong, giảm đáng kể so với mức tăng kỷ lục 414.188 ca ngày 7/5.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khi số ca nhiễm Covid-19 theo ngày xuống mức thấp nhất sau 2 tháng, chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế tại một số khu vực.

Các thành phố lớn như Delhi, Mumbai cho phép một số cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại. Nhiều trạm kiểm soát của cảnh sát được dỡ bỏ đưa giao thông quốc gia trở lại vẻ náo nhiệt.

Tại Delhi, các cửa hàng trong trung tâm mua sắm, chợ được phép mở cửa thay phiên theo ngày chẵn, lẻ. Tàu điện ngầm, công ty tư nhân hoạt động lại với khoảng 50% công suất.

Trong khi trung tâm tài chính Mumbai cho phép nhà hàng, chợ mở lại nhưng trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim vẫn bị đóng cửa.

Trước đó, từ tháng 4, chính phủ Ấn Độ đã áp lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiểm soát làn sóng Covid-19 thứ 2, kéo dài đến tháng 5. Đợt lây nhiễm này đã làm sụp đổ hệ thống y tế đất nước, cướp đi sinh mạng của hơn 28 triệu người dân.

Các chuyên gia y tế lo ngại việc nới lỏng hạn chế vào thời điểm hiện nay là quá sớm trong khi virus vẫn âm thầm lây lan tại các vùng nông thôn hay khu vực nghèo đói.

Nếu lơ là, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ ba với sức tàn phá khủng khiếp do quốc gia này vẫn chưa hồi phục sau đợt dịch vừa qua. Lo lắng dựa trên cơ sở phần lớn người dân Ấn Độ chưa được tiêm phòng.

Đáng chú ý, chỉ hơn 230 triệu người dân Ấn Độ được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng Covid-19. Chưa đến 5% dân số được tiêm đủ 2 mũi. Với tổng dân số khoảng 1,34 tỷ người, tốc độ tiêm chủng toàn quốc phải đẩy nhanh hơn nữa.

Hôm 7/6, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Mori tuyên bố chính phủ sẽ tiêm vắc-xin miễn phí cho tất cả người trưởng thành từ cuối tháng này. Trong khi trước đó, chỉ người dân trên 44 tuổi và nhân viên tuyến đầu chống dịch được tiêm chủng miễn phí.

Chính phủ sẽ tiếp quản kế hoạch tiêm chủng quốc gia từ chính quyền địa phương nhằm kiểm soát tình hình, vốn bị chậm trễ và thiếu hụt vắc-xin.

Những thay đổi này đang đảo ngược chính sách do chính phủ ban bố vào tháng 4, trong đó giao nhiệm vụ cho các bang, cơ sở tư nhân. Chính quyền bang sẽ mua 75% vắc-xin trực tiếp từ các nhà sản xuất trong khi các công ty tư nhân nắm giữ 25% còn lại.

Cơ sở liên bang sẽ tiêm miễn phí cho người trên 45 tuổi và nhân viên tuyến đầu chống dịch trong khi các bang, bệnh viện, cơ sở tư nhân tiêm tính phí cho những người từ 18 - 44 tuổi.

Điều này đẩy giá thành vắc-xin cho cơ sở tư nhân lên cao hơn, gây ra cuộc chiến tranh giành nguồn cung giữa các khu vực trên đất nước.

Quyết định của Thủ tướng Mori là rất đáng hoan nghênh nhưng liệu quốc gia này có thể tiêm vắc-xin cho tỷ người hay không? Gánh nặng này đặt trên vai các nhà sản xuất vắc-xin lớn của đất nước song công suất hiện nay khó có thể đáp ứng tham vọng của chính phủ.

Kể từ tháng 6, Công ty dược phẩm SII báo cáo sẽ sản xuất khoảng 100 triệu liều vắc-xin mỗi tháng. Trong khi Công ty Bharat Biotech dự kiến nâng mức sản xuất lên 80 triệu từ tháng 8. Những con số này vẫn thấp hơn mức ước tính 2 tỷ liều vắc-xin cho toàn bộ dân số quốc gia.

Như vậy, với tốc độ hiện nay, Ấn Độ có thể phải mất hơn 1,5 năm để hoàn thành kế hoạch. Trong thời gian này, bất kỳ biện pháp nới lỏng hạn chế nào cũng yêu cầu sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng từ chính phủ và chính quyền các địa phương nhằm đưa quốc gia sớm thoát khỏi làn sóng Covid-19 thứ 2 nhưng không rơi vào đợt dịch mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đoàn Thanh niên, sinh viên tình nguyện Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tân sinh viên. Ảnh: NTCC

Đồng hành với tân sinh viên

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục đại học có nhiều chương trình, hoạt động, giúp tân sinh viên hòa nhập với môi trường học tập mới.

Microsoft Excel có thể ứng dụng thực tế vào nhiều ngành nghề khác nhau. Ảnh: ITN

Tiện nghi là số một!

GD&TĐ - Thân gửi bạn Microsoft Excel! Bạn là một phần mềm máy tính để xử lí dữ liệu một cách cực kì nhạy bén.