Nhiều mẹ inbox cho mình hỏi: Chị ơi, chị có dạy cho Nam biết đọc viết sớm không? Câu hỏi này mình rất thích, nó gợi cho mình nhớ về khoảng thời gian ấu thơ của Nam.
Hồi đó, Nam thích sách vô cùng. Lúc nào ngồi chơi đồ chơi cũng có kèm theo mấy quyển sách, hễ ngừng chơi là bê sách đến nhờ mẹ đọc hộ.
Nam cũng hiểu biết khá nhiều, những vấn đề có vẻ rất “vĩ mô” như: vũ trụ, tàu chiến, khủng long, các thế hệ ô tô… Nam có thể huyên thuyên hàng giờ về những chủ đề này, không bao giờ biết chán.
Nhưng mà Nam chưa biết đọc và cũng chưa hề biết viết.
Gia đình của thần đồng Đỗ Nhật NamMuốn nghe truyện thì lại ôm sách đi nhờ người đọc, thậm chí nhờ cả bác bán chè thuê nhà bên cạnh. Buồn cười đến nỗi các bác làm cùng khoa của mình khi gặp toàn trêu: Sao cái gì cũng biết mà lại chưa biết đọc, cứ tưởng Nam học hết tiểu học rồi chứ!
Sau rồi thấy việc đi nhờ người đọc mãi cũng chán, Nam nhờ bố mua cho bảng chữ cái, tự hỏi bố mẹ , tự ghép rồi tự đọc. Khi đó Nam khoảng 4 tuổi.
Tại sao mình lại không dạy Nam đọc và viết sớm? Là bởi, mình nghĩ, do đặc trưng của tiếng Việt, nên khá dễ dàng để học đọc. Mình muốn giữ “bí mật” của việc học đọc và học viết cho trường học.
Để Nam cảm thấy rằng, trường học, cô giáo có những “phép màu” giúp Nam hiểu và yêu thêm nhiều điều mới lạ. Và như thế, việc học, việc đến trường của Nam sẽ thú vị, hấp dẫn hơn.
Mình chỉ dạy cho Nam những kĩ năng học đường như: cách ngồi học đúng tư thế, cách sắp xếp, thu dọn đồ đạc cá nhân, cách chơi cùng các bạn, cách ứng xử với cô giáo, các nguyên tắc cần phải thực hiện trong lớp học, tập tô màu, tập vẽ cho tay dẻo dai, khéo léo, dạy kể chuyện, đọc thơ, dạy cách quan sát… Dạy từng ngày, từng ngày. Và Nam háo hức chờ đón trường học mới.
Bé Nhật Nam nổi tiếng thông minh khiến nhiều người ngưỡng mộMình chấp nhận những ngày đầu đi học, Nam bỡ ngỡ, Nam không viết đẹp như các bạn, điểm của Nam thấp hơn. Có sao đâu, có nhiều niềm vui khác ở trường học, ngoài việc học chữ kia mà.
Dù có học trước hay chưa học, hết học kì I, tất cả các bạn trong lớp sẽ ngang nhau, mình nghĩ là như vậy.
Mình yêu thích và áp dụng giáo dục sớm nhưng giáo dục sớm không đồng nghĩa với “tiểu học hóa” sớm.
Vậy nên, đừng lo lắng.
Niềm vui đến trường của trẻ, cảm xúc hồi hộp, thiêng liêng khi ngày đầu con được đến trường, cách nuôi dưỡng đam mê và tìm hiểu những điều mới lạ ở trường học, theo mình, đó mới là điều quan trọng.
Để mẹ được bước vào những mùa thu cùng con!