42 năm trước, Song Tử Tây là mục tiêu giải phóng đầu tiên trong chiến dịch giải phóng Trường Sa. Những ngày tháng tư này, Song Tử Tây cũng là điểm dừng chân đầu tiên của Tàu Cảnh sát biển CSB 8004 trong chuyến đi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển của Việt Nam hồi tháng Tư vừa qua.
Lớp học của thầy giáo Lê Văn Hạnh, trường tiểu học Song Tử Tây không quá đông học trò, không cùng độ tuổi, có cháu còn quá nhỏ. Thầy giáo vừa dạy học, vừa là người trông trẻ. Lớp học đặc biệt này có lẽ chỉ có ở những nơi đặc biệt như Song Tử Tây. Tốt nghiệp Đại học sư phạm Quy Nhơn 5 năm trước, dù biết rõ ra đảo là thiệt thòi, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng thầy giáo Lê Văn Hạnh vẫn quyết tâm về Song Tử Tây công tác, mang từng con chữ đến với những đứa trẻ sống giữa trùng khơi.
Thầy giáo Lê Văn Hạnh chia sẻ, vì tình yêu quê hương biển đảo nên thầy giáo Lê Văn Hạnh tình nguyện ra Trường Sa công tác với mong muốn đem con chữ, kiến thức truyền cho các cháu. Do các cháu trong lớp học ở nhiều lứa tuổi, cả mầm non, tiểu học, nên việc học tập của các cháu ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng cũng đã dần đi vào nền nếp. Tình cảm thầy trò gắn bó với nhau như anh em một nhà.
Song Tử Tây như một làng quê trù phú giữa biển khơi. Cách bán đảo Cam Ranh 308 hải lý, đảo có hình bầu dục với diện tích khoảng 0,17 km2. Nhìn từ xa, đảo như một khu rừng thu nhỏ, mọc lên giữa đại dương mênh mông. Trên đảo có nhiều giếng nước lợ có thể tắm giặt và tưới cây. Môi trường sinh thái ở đây khá thuận lợi cho nên người dân trên đảo nuôi được bò, lợn, gà, trồng được nhiều rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa. Đặc sản của đảo có cây sâm đất, bộ đội ta vẫn dùng làm nước uống bổ dưỡng sau những giờ huấn luyện, sản xuất đẫm mồ hôi.
Vợ chồng anh Kiệt, chị Thoản mời phóng viên đến thăm gia đình trên đảo Song Tử Tây (Ảnh: Mạnh Thường) |
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Tuấn Kiệt và chị Nguyễn Thị Thanh Thoản, cùng quê ở Cam Hải Đông- Cam Lâm- Khánh Hòa. Ngôi nhà của anh chị hướng về phía biển, sau nhà là Trường tiểu học Song Tử Tây. Chị Thoảng tâm sự, chị có 2 cháu, đứa lớn vừa phải gửi về đất liền để theo học lớp 6 (vì ở đảo không có trường cấp 2). Dù rất thương nhớ con nhưng anh chị vẫn quyết tâm bám trụ trên đảo cùng nhau chăm sóc cháu nhỏ.
Hoàn cảnh gia đình chị Thoản cũng giống như bao gia đình ở Song Tử Tây. Khi có con đến tuổi học cấp 2 đều phải gửi con vào đất liền, nhờ người thân chăm sóc để các cháu được học hành. Trong từng nỗ lực của người dân trên đảo để xây dựng cuộc sống, để khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước, có sự hy sinh thầm lặng mà rất đỗi tự hào của những người cha, người mẹ, của những người con xa cha mẹ.
Thăm các gia đình trên đảo, quà của cán bộ, chiến sĩ tàu cảnh sát biển CSB 8004 chỉ có chút kẹo cho các cháu, mấy mớ rau xanh mang hương vị đất liền, một ít thuốc chữa bệnh, những lá cờ Tổ quốc, áo phao đi biển cùng vài thùng hạt giống. Thế nhưng, với người dân trên đảo, những món quà này, nhất là số hạt giống do chính tay Đại tá Trần Văn Thơ - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 trao tặng là món quà mang giá trị đặc biệt. Những hạt giống nhỏ bé hôm nay sẽ là mầm sống, giúp người dân trên đảo vơi bớt khó khăn.
Anh Trần Kim Châu, một gia đình có 3 thành viên đã ra đảo sinh sống từ nhiều năm nay xúc động bày tỏ: “Được đoàn đến thăm đảo, nhân dân trên đảo rất vui mừng. Mừng hơn nữa là đoàn mang quà cho các gia đình và các cháu nhỏ. Trân trọng cảm ơn đoàn Cảnh sát biển đến thăm đảo và thăm nhân dân chúng tôi”.
Song Tử Tây hiện đã xây dựng xong âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn. Đây là bến đậu, là địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải khai thác hải sản. Hệ thống trụ sở UBND xã, nhà ở của nhân dân và bộ đội trên đảo được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Quân và dân trên đảo đã đầu tư hàng chục ngàn ngày công để tu sửa, san lấp mặt bằng, trồng cây xây dựng cảnh quan môi trường. Chuyến thăm Song Tử Tây - hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, diễn ra trong thời gian ngắn ngủi, nhưng đã để lại trong lòng mỗi thành viên trong đoàn công tác thật nhiều cảm xúc. Có lẽ, nhớ nhất là những ánh mắt trong veo, tiếng trẻ ê a học bài giữa muôn trùng sóng gió khơi xa.