Chị L.T.H.V (nạn nhân hoại tử mũi trong vụ "Thẩm mỹ viện Phương Linh") rất bất bình trước việc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La đã sử dụng xe công vào mục đích cá nhân. Sau khi bị hoại tử mũi, chị đã tự xuống điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trong các ngày từ 16 - 18/5, bà Đinh Thị Diệu Linh (vợ của ông Quàng Hồng Phương, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La), sử dụng xe ô tô mang biển xanh số (BKS) 26A-003-xxx đến Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 thăm hỏi, "làm việc" với chị L.T.H.V.
"Trong lúc thống nhất phương án di chuyển từ Sơn La về Hà Nội, chị Linh yêu cầu tôi đi xe của "gia đình" chị ấy có BKS: 26A-003-xxx. Nhưng nhận thấy, đó là xe công vụ nên tôi không đồng ý. Khi đã không tin tưởng nữa, tôi cảm thấy không an toàn nên tôi cũng không đi. Tôi quyết định đi xe cá nhân của mình xuống Hà Nội vào ngày 16/5. Tôi cũng hẹn chị Linh là sẽ gặp nhau tại Bệnh viện 108 vào sáng 17/5", chị L.T.H.V chia sẻ.
Theo hẹn, 8 giờ ngày 17/5, bà Linh đã có mặt tại Bệnh viện 108. Đi theo bà Linh là Lù Hồng Thắm, Lò Thị Mai (nhân viên spa tại Thẩm mỹ viện Phương Linh) cùng với hai người lạ và lái xe. Do lượng khách đến bệnh viện đông, việc thăm khám không thành nên phải lui đến ngày hôm sau.
Sáng 18/5, bà Linh và 5 người đi cùng tiếp tục có mặt tại Bệnh viện 108. Họ di chuyển tới bệnh viện bằng xe ô tô có BKS: 26A-003-xxx và đã được chị L.T.H.V ghi lại hình ảnh để làm chứng.
"Đã có người đề nghị tôi rút đơn tố giác anh Phương đi. Họ sắp xếp thời gian để anh Phương và vợ là chị Linh đến để thương lượng. Họ cũng truyền lời rằng anh Phương hứa sẽ bồi thường viện phí và tổn hại. Nhưng đó không phải là mong muốn của tôi. Tôi nhận thấy bản thân tôi có thu nhập đủ để chi tiêu, sinh hoạt. Tôi chỉ muốn sự việc được xử lý theo đúng quy định của pháp luật", chị L.T.H.V chia sẻ.
Luật Phòng, chống tham nhũng do Quốc hội ban hành ngày 20/11/2018 quy định về các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện đã nêu rất rõ về các hành vi tham nhũng. Theo đó, tại điểm i, khoản 1, Điều 2 quy định hành vi: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi" là hành vi tham nhũng.
Tại điểm c, khoản 1, Điều 9, "Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước" nêu rõ:
"Phạt tiền đối với hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
Biện pháp khắc phục hậu quả cho hành vi trên là: Buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền tương ứng với số tiền thuê tài sản trong thời gian cho mượn. Việc xác định số tiền thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định này".
Giám đốc Sở Tư pháp Sơn La có "lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công"? Vấn đề này rất cần được làm sáng tỏ để rộng đường dư luận?