Tham mưu xây dựng chính sách, chế độ giáo viên tư vấn tâm lý

GD&TĐ - Tham mưu xây dựng vị trí việc làm; các chính sách, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông là một trong các nhiệm vụ trọng tâm triển khai công tác tư vấn tâm lý Bộ GD&ĐT giao Vụ Công tác học sinh, sinh viên triển khai, thực hiện.

Tham mưu xây dựng chính sách, chế độ giáo viên tư vấn tâm lý

Nhân rộng mô hình tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông

Vụ Công tác học sinh, sinh viên cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn cho cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý;

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức xây dựng các tài liệu tập huấn liên quan phục vụ công tác tư vấn tâm lý trên cơ sở các tài liệu hiện có, tham khảo kinh nghiệm các chuyên gia trong nước và quốc tế;

Chuẩn bị điều kiện để tổ chức Hội thảo nhân rộng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học phối hợp với Vụ Công tác học sinh, sinh viên trong việc xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai công tác tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Đồng thời, tập hợp sổ tay các tình huống ứng xử cho giáo viên trung học để tham khảo, biên soạn các tài liệu bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên làm tư vấn tâm lý.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham mưu xây dựng vị trí việc làm; các chính sách, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông;

Phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu đề xuất chương trình bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho các giáo viên tham gia công tác tư vấn tâm lý của các nhà trường.

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam được giao tổ chức nghiên cứu các mô hình, nội dung, phương pháp tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông;

Phối hợp với Vụ Công tác học sinh, sinh viên để xây dựng mô hình hoạt động, tài liệu liên quan triển khai công tác tư vấn tâm lý cho HS trong thời gian tới.

Các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thành lập phòng/ bộ phận tư vấn tâm lý cho HS phù hợp với điều kiện, bộ máy của mỗi nhà trường, tiến tới tất cả các trường THCS và THPT đều có phòng tư vấn tâm lý:

Về đội ngũ: Tiếp tục duy trì đội ngũ cán bộ, giáo viên tư vấn, có thể bố trí các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn TN, nhà giáo có năng lực, tâm huyết tham gia công tác tư vấn tâm lý.

Nghiên cứu, tham mưu với địa phương về chế độ chính sách liên quan để hỗ trợ, động viên các cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Nội dung hoạt động: Có thể lồng ghép với việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền giáo dục sức khỏe giới tính, hướng nghiệp phân luồng cho HS... với tổ chức tư vấn tâm lý cho HS.

Phát huy vai trò của các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các bộ môn trong việc tiếp nhận các tâm tư, nguyện vọng của HS để kịp thời phối hợp với gia đình HS, bộ phận tư vấn tâm lý của nhà trường xử lý tốt đối với các trường hợp HS cần được giúp đỡ, tư vấn.

Căn cứ các điều kiện thực tế, các nhà trường thành lập phòng tư vấn tâm lý, cần lưu ý: Phòng tư vấn tâm lý cần được bố trí ở một nơi thích hợp, trong khuôn viên nhà trường, đảm bảo tính độc lập, tránh sự e ngại cho HS khi đến chia sẻ.

Phòng tư vấn tâm lý nên có một cán bộ chuyên trách được đào tạo cơ bản về tâm lý học đường. Trong trường hợp không có cán bộ chuyên trách được đào tạo cơ bản, cần bố trí giáo viên kiêm nhiệm phụ trách phòng, đội ngũ giáo viên này phải được bồi dưỡng, tập huấn về tâm lý học đường qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cơ bản và thường xuyên.

Tổ chức các hoạt động phòng ngừa: tham vấn nhóm, giáo dục các kỹ năng, phát huy tính chủ động, tự chủ của HS; tổ chức các hoạt động trợ giúp giáo viên chủ nhiệm, phổ biến kiến thức giáo dục cho cha mẹ HS; thực hiện các công việc tham vấn, tư vấn với các đối tượng hợp tác hoặc cần trợ giúp như HS, giáo viên, cha mẹ HS. Xem xét kết hợp công tác giáo dục chuyên đề cần thiết, công tác hướng nghiệp HS.

Phòng Tư vấn tâm lý cần được bổ sung các tài liệu, các sách tham khảo cơ bản sử dụng trong phòng ngừa, tham vấn và tư vấn.

Nhiều hình thức tư vấn tâm lý phong phú trong trường học

Công tác tư vấn tâm lý cho HS trong thời gian qua có chuyển biến tốt, đạt được những kết quả bước đầu, đáp ứng phần nào nhu cầu của HS và giúp các em tăng cường khả năng đề kháng, khả năng tự giải quyết các vấn đề trước những tác động tiêu cực của xã hội, góp phần hỗ trợ HS vượt qua những khó khăn trong học tập, rèn luyện và trong cuộc sống.

Đó là nội dung tại kết quả hội thảo về công tác tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT vừa thông báo

Đánh giá về kết quả triển khai công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, hội thảo cho biết, nhiều trường học đã nhận thức đúng đắn vai trò của công tác tư vấn tâm lý trong việc giáo dục toàn diện, giúp HS có đời sống tinh thần lành mạnh để học tập và rèn luyện tốt đã được nhiều trường học nhận thức đúng đắn.

Một số trường THPT, THCS đã thành lập phòng tư vấn tâm lý và đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả bước đầu. Các nhà trường đã chủ động vận động nguồn lực từ nguồn xã hội hóa để đầu tư các trang thiết bị, hỗ trợ hoạt động của phòng tư vấn tâm lý.

Công tác tư vấn tâm lý cho HS đã được các trường học triển khai dưới nhiều hình thức như: Tư vấn trực tiếp, tư vấn thông qua gia đình, giáo viên, bạn bè, tư vấn qua điện thoại, email hoặc qua các diễn đàn, các trang mạng xã hội, tư vấn thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề...

Một số sở GD&ĐT đã tích cực triển khai công tác tư vấn tâm lý, bố trí được đội ngũ cán bộ phụ trách công tác tư vấn tâm lý: Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu và được UBND Thành phố bố trí biên chế giáo viên tư vấn cho hầu hết các trường phổ thông. Hàng năm, đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý được tập huấn, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn;

Sở GD&ĐT Hà Nội đang triển khai Dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” do tổ chức Plan International Việt Nam tài trợ áp dụng trong phạm vi 20 trường học trên địa bàn Hà Nội...

Một số nhà trường đã thành lập, đưa vào hoạt động các câu lạc bộ truyền thông với đội ngũ cộng tác viên là các em HS tập huấn-tuyên truyền về giáo dục giới tính và giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên cho các lớp HS.

Tuy nhiên, về hạn chế, công tác tư vấn tâm lý chưa được triển khai sâu rộng tại các cơ sở giáo dục, nhất là ở các trường THCS và THPT do chưa có phòng tư vấn tâm lý, văn bản chỉ đạo, chế độ chính sách liên quan.

Hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa được bố trí biên chế cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý; thiếu kinh phí hoạt động. Đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý đa số là các giáo viên kiêm nhiệm, các chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm, quy định cụ thể; chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, chưa được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nên chất lượng tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Công tác tư vấn tâm lý trong trường học vẫn chưa thực sự hấp dẫn, nhiều HS có tâm lý ngại đến phòng tư vấn, các em thường vào các diễn đàn trên mạng, chia sẻ với bạn bè thân thiết nên việc nắm bắt tâm lý trong HS còn gặp nhiều khó khăn.

Việc tổ chức lồng ghép hoạt động tư vấn tâm lý với giáo dục các nội dung tư vấn sức khỏe giới tính, kỹ năng sống, hướng nghiệp chưa thu hút được nhiều HS tham gia do các em còn có tâm lý e ngại, thiếu tính chủ động.

Điều kiện cơ sở vật chất, các tài liệu phục vụ quá trình tổ chức tư vấn còn thiếu thốn, nội dung tư vấn tâm lý chưa được nghiên cứu, chỉ đạo đầy đủ, bài bản.

Công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục HS chưa được quan tâm, nhất là chưa phát huy được vai trò của cha mẹ HS trong việc phát hiện sớm và phối hợp xử lý, can thiệp kịp thời đối với các HS có những biểu hiện khác thường, cần được giúp đỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa: Nguyễn Lâm

Nỗi sợ của người thầy!

GD&TĐ - Bao giờ các bậc thầy cô giáo mới được quyền giáo dục con trẻ như chính cha mẹ giáo dục con cái “thương cho roi cho vọt”...