Thảm kịch từ … heo

GD&TĐ - Việc giết người do mùi phân heo vừa xảy ra mới đây tại một làng quê vốn dĩ bình yên ở Quảng Nam đã làm “lộ sáng” tình trạng xem pháp luật như bỡn ở vùng nông thôn hiện nay.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nuôi con heo, con gà ở quê không phải là chuyện mới mẻ gì nhưng nuôi mà để hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng xóm thì mới xuất hiện gần đây, nhất là khi “công nghệ nuôi heo bằng cám tổng hợp” được áp dụng rộng rãi. Xưa nuôi con heo, con gà được xem như một cách “bỏ ống”, tận dụng chút rau thừa, canh cặn để chăn nuôi. Là thứ “bỏ ống” nên số lượng không nhiều, lại nuôi bằng phương pháp “thủ công”, rơm rạ và các loại lá luôn được bỏ vào chuồng để làm phân nên hầu như mùi hôi thối không nhiều. Đã vậy, dân cư ngày xưa ít, nhất là khu vực nông thôn miền Trung, vườn ai cũng rộng rãi, thoáng mát nên chuyện nuôi con heo, con gà chẳng ảnh hưởng gì mấy đến hàng xóm.

Bây giờ thì chuyện nuôi heo, nuôi gà đã khác. Nhiều hộ gia đình xem việc chăn nuôi như là một cách “làm giàu”. Có những trang trại hình thành ngay giữa khu dân cư với hàng trăm con heo nhưng các ông chủ này chỉ lo mỗi một việc là làm sao để heo chóng lớn và không bị dịch bệnh còn chuyện ô nhiễm thì… kệ.

Nuôi với số lượng lớn, lại cho ăn bằng cám tổng hợp, chả có rơm rạ gì để bỏ vào chuồng mà chỉ giội nước trên nền xi măng, mùi phân heo lan tỏa trên phạm vi hàng trăm mét, gây khó chịu cho hàng chục gia đình quanh trang trại ấy. Nhiều gia đình luôn sống trong tâm trạng ấm ức vì mùi phân heo này. Ăn, ngủ nghỉ gì cũng bị mùi phân heo “bao trùm” như thế, họa có gỗ đá mới chịu đời nổi mà thôi.

Vốn là hàng xóm của nhau, ra ngõ mỗi ngày là chạm mặt nhau nên việc “ý kiến” sao cho ông hàng xóm kia dẹp cái trang trại heo gây hôi thối nọ cũng rất khó khăn. Chính vì vậy mà hàng xóm, hoặc là cắn răng chịu trận, hai là đánh nhau để cho cái trang trại hôi thối kia dẹp đi càng sớm càng tốt. Chuyện ba cha con ở Quảng Nam bị phía chủ trại heo truy sát đến chết là nằm trong trường hợp thứ hai, nghĩa là không thể cắn răng chịu đựng mùi hôi thối từ phân heo nên phải quyết ăn thua đủ!

Có một thực tế khó hiểu là, ở nông thôn hiện nay, “chính quyền nhân dân” đã hiện hữu tận thôn cùng xóm vắng nhưng khi án mạng xảy ra thì mới… bắt tay vào giải quyết hậu quả. Theo tường thuật của các báo thì nạn nhân đã nhiều lần báo cáo chính quyền về tình trạng ô nhiễm từ trại heo, chính quyền cũng đã lập biên bản và phạt nhưng trại heo thì vẫn tồn tại. Phạt tượng trưng cho tồn tại như thế thì chẳng khác nào “nối giáo cho giặc”. Vì như thế, vô hình trung, chính quyền thừa nhận sự tồn tại của trại heo, nghĩa là trại heo “được phép gây ô nhiễm”. Nếu kiên quyết dẹp trại heo, chấp hành nghiêm luật pháp thì án mạng đã không xảy ra rồi.

Mà đâu chỉ có chuyện hôi thối từ trại heo! Chính sự du di, coi luật pháp như bỡn nên mới có chuyện hát karaoke thâu đêm suốt sáng, gây đinh tai nhức óc cho hàng xóm nhưng chẳng ai làm gì họ cả. Chỉ đến khi hàng xóm tự xử bằng dao, máu phải đổ xuống thì khi ấy “pháp luật mới vào cuộc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ