Thảm kịch núi lửa phun trào ở New Zealand: Điều tra có thể kéo dài một năm

GD&TĐ - Ngày 16/12, người dân New Zealand đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ phun trào núi lửa hồi tuần trước. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, các cuộc điều tra về thảm họa này có thể sẽ kéo dài tới một năm.

Thủ tướng New Zealand và các nhà lãnh đạo tưởng niệm nạn nhân trong thảm kịch.
Thủ tướng New Zealand và các nhà lãnh đạo tưởng niệm nạn nhân trong thảm kịch.

Thảm kịch

Số người thiệt mạng trong vụ phun trào núi lửa trên Đảo White, còn được biết đến với cái tên Whakaari, dừng lại ở con số 16. Hai nạn nhân được cho là rơi xuống vùng biển quanh đảo vẫn được đưa vào danh sách mất tích. Bên cạnh đó, 26 du khách đang được điều trị tại các bệnh viện ở khắp New Zealand và Australia. Không ít người trong số đó đang rơi vào tình trạng nguy kịch do bị bỏng nặng.

Một tuần sau thảm họa gây chấn động này, các văn phòng và cửa hàng tại New Zealand đều chìm vào im lặng, khi người dân nước này dành thời gian tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng.

Bên trong Tòa nhà quốc hội tại Wellington, Thủ tướng Jacinda Ardern phát biểu: “Dù bạn ở New Zealand hay bất cứ nơi nào trên thế giới, đây là thời khắc mà chúng ta cần sát cánh bên những người đã mất đi người thân trong thảm kịch này”.

Nữ Thủ tướng New Zealand cũng bày tỏ sự thương tiếc thông qua một bài đăng trên trang Instagram cá nhân: “Những người đã qua đời giờ đây sẽ mãi mãi gắn kết với New Zealand và chúng ta sẽ ở thật gần họ”.

Đại sứ quán Mỹ tại Wellington đã đăng một bức ảnh lên Twitter, cho thấy mọi người đều đang cúi đầu tưởng nhớ các nạn nhân. Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết, người dân tại đất nước ông cũng đang tôn vinh những người thiệt mạng, bị thương và cả người thân của họ.

Trong khi đó, Thị trưởng Whakatane của New Zeland, bà Judy Turner cho biết, chính quyền đã đưa các gia đình trong khu vực xảy ra thảm kịch đến một nơi có khoảng cách an toàn với núi lửa.

Trước đó vào ngày 13/12, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 6 thi thể trên hòn đảo. Giám đốc cảnh sát New Zealand, ông Mike Bush cho biết, một cuộc tìm kiếm từ trên cao khác sẽ sớm được tiến hành, nhằm giúp Đơn vị lặn hải quân lên kế hoạch tìm kiếm dưới nước.

“Chúng tôi đã làm việc với tất cả các chuyên gia, bao gồm cả thuyền trưởng, người hiểu rõ về vùng biển đó hơn bất kỳ ai, để cố gắng dự đoán vị trí của những người gặp nạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch, miễn là có cơ hội tìm được những thi thể đó”, ông Bush khẳng định khi phát biểu với Đài phát thanh New Zealand.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bush, việc tìm kiếm này có thể sẽ kéo dài nhiều ngày, hoặc thậm chí là nhiều tuần; đồng thời cho biết, tất cả thi thể nạn nhân đang được giám định bởi chuyên gia pháp y. “Quá trình này đang tiến triển rất tốt. Điều quan trọng là chúng tôi đã thực hiện đúng và tiến hành nhanh hết mức có thể”, ông Bush nhấn mạnh.

Núi lửa tại đảoWhite được coi là một trong những điểm đến hút khách du lịch tới New Zealand. Sau thảm kịch xảy ra vào ngày 9/12, trong số 47 người trên đảo khi đó có 24 công dân Australia, 4 người cư trú và nhiều nạn nhân khác đến từ các nước như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Anh và Malaysia.

Đưa nạn nhân sống sót về nước

Trong số các nạn nhân có quốc tịch Australia, không ít người khởi hành từ Sydney tới đảo White trong chuyến thăm quan một ngày được tổ chức bởi Công ty Tàu biển Hoàng gia Caribbean.

Hôm 16/12, chiếc thuyền Ovation of the Seas 16 chở theo những nạn nhân còn sống sót đã cập cảng trở lại Sydney. Ngay khi trở về nước, các hành khách đã rơi nước mắt khi được đoàn tụ với các thành viên trong gia đình.

“Thật hạnh phúc khi được trở về nhà. Nhiều người đã thiệt mạng trong chuyến du lịch. Thật là khủng khiếp”, nữ du khách người Australia Jo Anne Anderson chia sẻ.

Nhiều nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, bà Marise Payne cũng có chuyến thăm New Zealand và gặp Thủ tướng Jacinda Ardern, nhằm bày tỏ sự cảm kích trước công tác cứu hộ khẩn cấp và dịch vụ y tế.

Trước đó, các chuyên gia pháp lý cho biết, nhiều khả năng các hành khách bị thương và thân nhân những người vừa thiệt mạng sẽ đệ đơn kiện lên tòa án. Thảm kịch gây chấn động này đã làm dấy lên những chỉ trích rằng, tại sao khách du lịch lại được phép đến hòn đảo, trong khi phải đối mặt với rủi ro cao từ núi lửa đang hoạt động.

Trước bối cảnh này, phát ngôn viên của Công ty Tàu biển Hoàng gia Caribbean đã từ chối bình luận về những lời chỉ trích này và cách đền bù hành khách sau hậu quả của thảm kịch.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho các nạn nhân và gia đình của họ trong khoảng thời gian khó khăn này”, người phát ngôn của Caribbean cho biết trong một tuyên bố qua email.

Điều tra kéo dài

Cũng trong bài phát biểu hôm 16/12, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, các cuộc điều tra chính thức về vụ phun trào núi lửa gây chết người này có thể sẽ mất tới một năm; đồng thời khẳng định, những cá nhân hay tổ chức phạm tội sẽ phải chịu hình phạt lên tới 5 năm tù.

Bên cạnh đó, bà Ardern cũng công bố quỹ 5 triệu đô la New Zealand (3,2 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi thảm kịch, sau khi người dân nước này dành thời gian tưởng niệm, tôn vinh các nạn nhân.

Song song với đó, WorkSafe, cơ quan quản lý an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc của New Zealand, đã mở một cuộc điều tra về sức khỏe và an toàn, trong khi các nhà chức trách đang tiến hành một cuộc điều tra riêng.

Thủ tướng Ardern cho hay, Worksafe có thể truy tố các cá nhân và công ty vi phạm luật về sức khỏe và an toàn, cùng với các hình phạt bao gồm phạt tiền lên tới 3 triệu đô la New Zealand và phạt tù tới 5 năm.

Quỹ hỗ trợ trị giá 5 triệu đô la New Zealand dự kiến được phân phối tới các doanh nghiệp ở Whakatane. Trả lời câu hỏi về việc, liệu các nhà điều hành tour du lịch đến đảo sẽ nằm trong số những người thụ hưởng, bà Ardern khẳng định, chi tiết cụ thể vẫn chưa được xác định.

Vụ phun trào trên Đảo White (đảo Trắng) diễn ra vào lúc 14 giờ chiều ngày 9/12, tạo ra một cột khói bụi trắng khổng lồ cao tới 3,6km trên bầu trời. Đảo Trắng nằm cách bờ biển phía Đông Đảo Bắc khoảng 50km. Những người trong đất liền có thể nhìn thấy cột khói bốc lên từ xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.