Trong văn bản về việc tổ chức thực hiện Chương trình Sữa học đường tại cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học mới ban hành, Sở GD&ĐT Bến Tre yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông trong cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh nhằm nâng cao kiến thức về tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.
Làm rõ ý nghĩa Chương trình Sữa học đường trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học.
Sở GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh: Tổ chức để phụ huynh đăng kí cho học sinh tham gia chương trình trên cơ sở vận động, khuyến khích tự nguyện, không bắt buộc phu huynh tham gia, không đưa vào chỉ tiêu xét thi đua trường, cá nhân giáo viên.
Thực hiện công khai thông tin về loại sữa trẻ uống tại trường trong chương chương trình, tiêu chuẩn chất lượng, thông báo giá sữa và chính sách hỗ trợ cụ thể.
Khuyến cáo để phụ huynh hiểu rõ học sinh tham gia chương trình cần được uống cùng một loại sữa khi uống tại trường, định lượng phù hợp với nhu cầu năng lượng cần cho các độ tuổi.
Sở GD&ĐT cũng đề nghị các đơn vị tiến hành đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh tham gia chương trình. Hồ sơ lưu trữ đầy đủ để so sánh, đánh giá tác động sau chương trình.
Đối với các trường có tổ chức bán trú, sữa uống trong chương trình được tính vào khẩu phần dinh dưỡng tại trường của học sinh. Các trường cần cân đối kinh phí hợp lý để vừa đảm bảo thực phẩm cung cấp cho học sinh trong khẩu phần ăn, vừa uống sữa theo chương trình.
Tổ chức tốt công tác quản lý, đảm bảo học sinh được uống đúng, đủ liều lượng khẩu phần của học sinh. Theo dõi và tiếp nhận thông tin từ cha mẹ học sinh về các phản ứng (nếu có) khi học sinh uống sữa tươi theo Chương trình Sữa học đường, nhanh chóng báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh (Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo: Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT) để có hướng dẫn.