Thái Nguyên: Trên 50 triệu kg chất thải “bốc hơi” đi đâu?

GD&TĐ - Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên ban hành văn bản thể hiện, giai đoạn 2018 – 2019 trên địa bàn có hơn 50 triệu kg chất thải từ các nhà máy, khu công nghiệp được chuyển giao cho 14 tổ chức, cá nhân xử lý. Tuy nhiên, một số công ty môi trường cho biết không tiếp nhận khối lượng chất thải như văn bản của Sở. Vậy khối lượng chất thải khổng lồ nêu trên đã “bốc hơi” thế nào?

Danh sách 14 đơn vị tiếp nhận chất thải

Ngày 22/7/2020 Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) ra Công văn số 2157/STNMT-BVMT. Nội dung công văn thông tin về tình hình chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Công văn gửi tới Sở TNMT 7 tỉnh thành gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang.

Nội dung văn bản nêu: “Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát việc quản lý chất thải tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, một số đơn vị có hoạt động chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), thức ăn thừa cho các cơ sở ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên không có thông tin về thực trạng thu gom xử lý CTRSH, thức ăn thừa của các cơ sở đã nhận chuyển giao nêu trên. Sở TTNMT tỉnh Thái Nguyên thông báo đến các sở TNMT các tỉnh, nơi có cơ sở đã tiếp nhận CTRSH, thức ăn thừa từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đề nghị quý Sở xem xét, nắm bắt việc xử lý CTRSH, thức ăn thừa tại các cơ sở nêu trên kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của các cơ sở”.

Đi kèm công văn này là phụ lục gồm danh sách 14 tổ chức, cá nhân có thu gom, xử lý CTRSH giai đoạn 2018 – 2019. Danh sách này bao gồm: Công ty TNHH Môi trường Phú Hà, Công ty Cổ phần Môi trường An Sinh, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và Môi trường Việt Nam, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11, Công ty TNHH Môi trường Việt Tiến, Công ty TNHH Xử lý môi trường sao sáng Bắc Ninh.

Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát, Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình, Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành, Công ty Cổ phần thương mại Dịch vụ và Môi trường Đại Phát, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp 10, Công ty TNHH SX TM&DV Nhật Tân, Công ty Cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình. Tổng khối lượng chất thải sinh hoạt chuyển giao ngoài tỉnh xử lý là 50.459.254 kg.

Văn bản kèm phụ lục khối lượng chất thải do đích thân Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thế Giang ký.
Văn bản kèm phụ lục khối lượng chất thải do đích thân Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thế Giang ký.

Nhiều đơn vị khẳng định không tiếp nhận chất thải

Văn bản của Sở TNMT Thái Nguyên được cho là làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của nhiều công ty môi trường. Một số đơn vị cho rằng, khối lượng chất thải trong phụ lục đi kèm Công văn số 2157/STNMT-BVMTcủa Sở TNMT Thái Nguyên là không có cơ sở. Những đơn vị này cho rằng họ không thu gom bất kỳ kg chất thải rắn sinh hoạt nào trên địa bàn Thái Nguyên. Vậy nên, con số thu gom hàng triệu kg càng phi lý.

Ông Vũ Mạnh Tiến, đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành cho rằng, có sự nhầm lẫn trong việc tổng hợp thông tin từ phía Sở TNMT Thái Nguyên. Công ty Thuận Thành có hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp với nhiều nhà máy công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nhưng Công ty Thuận Thành không xử lý khối lượng trên 14 triệu kg chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2018 – 2019 như phụ lục văn bản của Sở TNMT Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Đình Hải, đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 cũng khẳng định, đơn vị này không vận chuyển, xử lý khối lượng chất thải sinh hoạt 102.144kg như thông tin tại phụ lục văn bản của Sở TNMT Thái Nguyên. “Không biết số liệu đó lấy từ đâu ra”, ông Nguyễn Đình Hải nói.

Một số công ty môi trường không thu gom bất kỳ mẩu CTRSH nào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thế nhưng, họ vẫn bị “bêu tên” trong danh sách cần phát hiện, chấn chỉnh, xử lý gửi 7 tỉnh thành phía Bắc. Một công ty trong danh sách cho biết, giai đoạn 2018 – 2019 đơn vị này không thực hiện vận chuyển, và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như số liệu mà Sở TNMT Thái Nguyên cung cấp. Đơn vị này chỉ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp (có danh sách khách hàng, hóa đơn đi kèm).

Ngày 21/8, trả lời Báo Giáo dục & Thời đại, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở TNMT Thái Nguyên cho biết, thông tin khối lượng chất thải tại phụ lục đi kèm Công văn số 2157/STNMT-BVMT dựa vào báo cáo của các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh.

Phản ứng của một số công ty môi trường trước số liệu báo cáo của Sở TNMT Thái Nguyên là khá bất ngờ. Phía chủ nguồn thải thông tin đã chuyển giao chất thải cho các đơn vị xử lý. Nhưng một số đơn vị trong danh sách khẳng định không tiếp nhận số chất thải này. Vậy trên 50 triệu kg chất thải từ các nhà máy công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã “bốc hơi” theo cách nào?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.