Vùng cao gian nan dò sóng
Văn Lăng là địa bàn vùng cao, điểm lõm về kết nối Internet, việc dạy và học trực tuyến vẫn còn nhiều hạn chế. Có thiết bị, không có kết nối Internet hoặc tín hiệu chập chờn, giáo viên phải đến các cụm khu dân cư và từng gia đình để “cùng học” với trò.
Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng có 383 học sinh, trong đó, 90% là người dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Nùng... và gần 90% các em thuộc các gia đình nghèo, cận nghèo.
Nhà trường có 2 điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa, cách điểm trường trung tâm từ 8-10km đường rừng là Liên Phương và Bản Tèn, học sinh ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông.
Mỗi điểm trường có trên 120 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5. Điều đáng nói, trên 3% phụ huynh học sinh ở khu vực này không biết chữ, hoặc chỉ ở mức độ nhận biết được mặt chữ chứ không thể viết. Chính vì vậy, khi học trực tuyến, phụ huynh học sinh không hỗ trợ được nhiều cho con.
Bên cạnh đó, do địa hình núi đá hiểm trở, giao thông khó khăn, nên sóng điện thoại, kết nối Internet cũng không thể bao phủ đến toàn bộ các hộ dân.
“Thời gian vừa qua chỉ có gần 30% học sinh học được theo hình thức trực tuyến. Mặc dù nhà trường đã tiếp nhận hỗ trợ thiết bị theo chương trình Sóng và máy tính cho em được 20 điện thoại thông minh, nhưng ở các khu vực kết nối Internet yếu thì những thiết bị này phát huy hiệu quả chưa cao” - cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng cho biết.
Những trở ngại này là thử thách lớn với cả thầy và trò khi vừa phải phục thuộc điều kiện thực tế, vừa phải thích ứng để đảm bảo triển khai kế hoạch chương trình năm học.
Cô và trò “cùng học”
Để tìm cách khắc phục, các thầy cô giáo phải phân chia theo cụm dân cư để đến tận nơi giao bài, hướng dẫn thêm tại chỗ cho học trò. Cũng có nơi, do thiếu thiết bị, nhóm các em ở gần nhau sẽ sử dụng chung điện thoại để duy trì việc học.
Tín hiệu kém nên một số học sinh phải mang điện thoại ra đồi, đỉnh núi... để dò sóng và học chung theo hình thức học sinh lớn hướng dẫn các em lớp dưới, nhận và làm bài tập theo yêu cầu của giáo viên.
Giáo viên cũng phải tận dụng các điểm có kết nối Internet ổn định, phối hợp từ 3 đến 4 cô dạy cùng dạy các lớp 1-2-3 để hướng dẫn học sinh làm bài tập.
Cũng vì khó khăn trong tổ chức dạy học trực tuyến nên mỗi giáo viên có thời điểm phải dạy cùng lúc 2-3 lớp.
Để khắc phục khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến, hàng tuần, các giáo viên Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng chia tổ công tác đến các xóm bản, khu dân cư giao bài trực tiếp cho học sinh, hoặc đến các cụm dân cư mở điện thoại của mình kết nối Internet cho các em học với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn.
Không chỉ dặn dò và nhắc nhở học sinh việc “vào lớp” trực tuyến, các thầy cô cũng rất kĩ lưỡng trong việc trao đổi để có sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các phụ huynh.
Nhà trường đã tính toán để phân phối đều 20 chiếc điện thoại được tặng từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” đến các khu vực, để các em cùng nhau sử dụng học trực tuyến theo nhóm. Từng nhóm nhỏ học sinh ở các khu vực tìm đến các điểm thuận lợi để dò sóng học bài. Với sự đồng hành tận tình sát sao của thầy cô, các bạn nhỏ ở đây đã may mắn không bị lỡ nhịp học tập.
Nhà trường đã chuẩn bị phương án tập trung toàn bộ giáo viên ở lại trường vừa dạy học trực tuyến, vừa quay video bài giảng chuyển đến học sinh trong điều kiện phải tiếp tục dừng đến trường và không thể đến các cụm dân cư tổ chức dạy học.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực của cả cô và trò, học kỳ I vừa qua, trường Tiểu học số 2 Văn Lăng vẫn bảo đảm duy trì được gần 90% học sinh hoàn thành chương trình theo kế hoạch.
Có được thành quả này, ngoài sự nỗ lực từ phía học trò, cần phải nói có công sức rất lớn từ các thầy cô giáo - những người đã thực sự sáng tạo, tâm huyết, không quản ngại, làm mọi cách có thể để đồng hành cùng các em.