Thái Nguyên tăng tốc trong chuyển đổi số

GD&TĐ - Là một trong những tỉnh tiên phong về chuyển đổi số, Thái Nguyên đang tiếp tục tăng tốc nhằm tận dụng, phát huy hiệu quả của công nghệ trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và đại biểu ấn nút khai trương ứng dụng ThaiNguyen ID, tháng 12/2021
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và đại biểu ấn nút khai trương ứng dụng ThaiNguyen ID, tháng 12/2021

Đảm bảo nền tảng hạ tầng kỹ thuật

Xác định việc đảm bảo điều kiện nền tảng là vấn đề quan trọng trước nhất trong phục vụ chuyển đổi số, thời gian qua Thái Nguyên đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Về hạ tầng viễn thông, hiện Thái Nguyên có khoảng 2.500 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, với 100% các tuyến sử dụng phương thức truyền dẫn cáp quang. Tuyến cáp quang từ tỉnh đến trung tâm các huyện, thành phố, thị xã cũng như đến cấp xã đều sử dụng công nghệ SDH với tốc độ truyền dẫn cao.

Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế của tỉnh đã được kết nối Internet băng rộng cố định; 99% khu vực dân cư sinh sống, làm việc được kết nối internet băng rộng (cáp quang và 3G, 4G); 60% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cố định (cáp quang).

Thống kê cho thấy, hiện Thái Nguyên có số thuê bao điện thoại di động đạt 95 thuê bao/100 dân, trong đó 79% là thuê bao internet băng rộng di động (thuê bao 3G/4G). Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông di động có điện thoại thông minh đạt 83%.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã của Thái Nguyên đã kết nối mạng LAN, Internet và mạng diện rộng của tỉnh đến Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, đáp ứng cơ bản việc triển khai các ứng dụng dùng chung.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp, bổ sung thiết bị lưu trữ, đáp ứng triển khai kết nối, liên kết tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Về hạ tầng bưu chính, chuyển phát, đến nay Thái Nguyên có trên 70% số doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đã tham gia cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và logistics.

Các dịch vụ liên quan đến thương mại số như dịch vụ liên quan đến chính phủ điện tử, thương mại điện tử và logistic, viễn thông - công nghệ thông tin, chuyển tiền nhanh (Paypost…), dịch vụ thu hộ - chi hộ (thu tiền điện, nước, điện thoại, mua hàng qua mạng…) đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn trong thời đại số.

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Thái Nguyên được đưa vào hoạt động từ năm 2021
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Thái Nguyên được đưa vào hoạt động từ năm 2021

Phát triển kênh kết nối số

Nhằm tạo kênh kết nối trên nền tảng số giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp, nền tảng xã hội số - ứng dụng ThaiNguyen ID đã được đưa vào vận hành và phát huy hiệu quả.

ThaiNguyen ID là ứng dụng định danh được người sử dụng bằng công nghệ Ekyc tiên tiến, hiện đại. Lấy người lao động làm trung tâm, kênh kết nối số này cung cấp các dịch vụ thiết yếu như: hành chính công, việc làm, bảo hiểm, khám chữa bệnh, hồ sơ việc làm, thuê nhà, rao vặt, khuyến mại giảm giá, đặt xe, nhắn tin, quét mã QR…

Đáng chú ý, ứng dụng này kết nối với các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhằm hình thành kênh thông tin chính thức để doanh nghiệp cung cấp và tiếp nhận thông tin thiết thực đến người lao động liên quan đến việc làm, nhà ở…

Với công nghệ AI và Bigdata, nền tảng xã hội số ThaiNguyen ID đã tạo ra các không gian số với khả năng kết nối và tương tác hiệu quả. Hệ sinh thái trên môi trường số hiện đại đã giúp Thái Nguyên cung cấp đến người dân, doanh nghiệp những tiện ích số hữu hiệu nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn hiện nay.

Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển thương mại điện tử, đưa hàng hóa nông sản của nông dân lên sàn thương mại, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn.

Đáng chú ý, tỉnh cũng sẽ xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số; sẵn sàng tiếp nhận thí điểm các giải pháp pháp công nghệ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. 

Ngành Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho tỉnh, xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số; người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ