Với những trở ngại khó khăn mà nhóm đối tượng như trẻ em tật nguyền, mồ côi, người già neo đơn gặp phải, họ đang cần thêm những sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, hiện có hơn 70 đối tượng đang được bảo trợ, chăm sóc. Có những em bé vừa chào đời đã bị bỏ rơi, những trẻ nhỏ mà bố/mẹ là phạm nhân nên không có người nuôi dưỡng, những cụ già vì hoàn cảnh mà vào đây nương thân.
Cụ Vương Thị Gái năm nay đã 88 tuổi, độc thân không con cháu, đã ở Trung tâm 31 năm. Cụ trầm ngâm nói: “Vào đây được có chỗ ăn chỗ ở, lại có bạn già để nói chuyện cũng đỡ buồn. Nếu không có trung tâm thì cũng không biết sẽ thế nào”.
Theo bà Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc trung tâm, thời gian vừa qua giá cả lương thực thực phẩm có tăng, cho nên nhà bếp phải cố gắng hết sức để có thể đảm bảo duy trì bữa ăn cho mọi người, đồng thời các đơn vị doanh nghiệp cũng ủng hộ nên có tiền mua thuốc bổ để cho những người sức yếu uống tăng đề kháng.
Trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch, Trung tâm tiếp nhận 10 đối tượng, gồm những người hát rong, người làm thuê mất việc lang thang cơ nhỡ. Tất cả được bố trí ở cách ly, sau thời gian quy định được trả về, tình trạng sức khỏe đều an toàn.
Tuy nhiên, vấn đề khó giải quyết là Trung tâm chỉ có y tá và điều dưỡng, chưa có bác sỹ cũng như những trang thiết bị y tế cần thiết. Để đảm bảo cho những đối tượng bảo trợ ở đây, rất cần được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư thêm về điều kiện chăm sóc y tế.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh có hơn 168.000 đối tượng cần hỗ trợ thuộc nhóm người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo; tính đến hết ngày 04/5/2020, đã thực hiện chi tiền hỗ trợ cho hơn 10.000 người, với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng.
Việc rà soát, tổng hợp danh sách các nhóm đối tượng khác hiện vẫn đang tiếp tục được thực hiện khẩn trương để việc chi trả được kịp thời.
Cùng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19, nhóm đối tượng người lao động và các doanh nghiệp cũng đang rơi vào thế khó.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, Thái Nguyên đang có hơn 8.000 người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải cho người lao động nghỉ việc, giãn cách việc làm, nhất là các công ty lĩnh vực dệt may, mỹ phẩm... Các công ty gặp khó khi phải giải quyết bài toán vừa hỗ trợ đảm bảo đời sống công nhân vừa duy trì vốn kinh doanh sản xuất.
Tại công ty CP may xuất khẩu Sil-Han, 200 công nhân vẫn đi làm, nhưng đã 2 tháng nay doanh nghiệp chưa có nguồn tiền để trả lương người lao động. Theo bà Nguyễn Thị Muôn, Giám đốc công ty, khi có đơn hàng thì không nhập được nguyên phụ liệu, đến nay nhập được thì lại bị hủy đơn hàng xuất khẩu.
Bà tha thiết: “Chúng tôi mong muốn nhà nước có chính sách để tạo điều kiện cho vay thêm, chậm trả nợ, giảm lãi suất… Nếu không, quả thực chúng tôi đang rất khó”.
Hiểu được tình thế của doanh nghiệp, công nhân ở đây vẫn đang chờ đợi đơn vị có nguồn tiền trả lương để giải quyết nhu thiết yếu cuộc sống.
“Công việc của chúng tôi bị ảnh hưởng, xáo trộn nhiều lắm. Có lúc phải giãn việc, có lúc phải nghỉ hẳn. Đến nay đi làm lại nhưng cũng chưa nhận lương. Chỉ mong đợi nguồn hỗ trợ của nhà nước đến càng nhanh càng tốt” - chị Trần Thị Hương, công nhân của công ty giãi bày.
Trước thực trạng trên, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ cho công nhân nhiều công ty, doanh nghiệp. Liên đoàn đã chi 750 triệu cho các công đoàn cơ sở để hỗ trợ về lương thực, trang phục bảo hộ cho người lao động.
Tất nhiên, trước mức độ bị ảnh hưởng rộng lớn như hiện nay, cần thêm rất nhiều sự ủng hộ, chung tay của các nguồn lực xã hội, để người lao động và doanh nghiệp có thể tháo gỡ thế khó, phát triển trở lại.