Thái Nguyên: Giáo dục học trò trân trọng giá trị văn hóa - lịch sử quê hương

GD&TĐ - Nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh, nhiều trường học trên địa bàn Thái Nguyên đã chú trọng việc phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của quê hương.

Một chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh Trường Tiểu học Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên).
Một chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh Trường Tiểu học Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên).

Tự hào về tên gọi, truyền thống ngôi trường

Giúp học sinh hiểu được tên gọi, lịch sử hình thành phát triển của ngôi trường mình đang học, từ đó trân trọng những giá trị truyền thống - là một trong những vấn đề được nhiều cơ sở giáo dục hết sức chú trọng.

Ngôi trường nằm trên mảnh đất thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên) chính thức mang tên gọi Trường Tiểu học Đồng Doãn Khuê từ tháng 7/2015, sau khi chuyển từ tên cũ là Trường Tiểu học Hùng Sơn 2. Việc được mang tên vị Tiến sĩ khoa bảng Đồng Doãn Khuê (danh nhân nổi tiếng thế kỷ 18, người con của quê hương Đại Từ, Thái Nguyên) là niềm tự hào cũng như động lực để thầy và trò nhà trường nỗ lực trong dạy và học.

Học sinh Trường Tiểu học Đồng Doãn Khuê (Đại Từ, Thái Nguyên) chăm sóc vườn rau nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học Đồng Doãn Khuê (Đại Từ, Thái Nguyên) chăm sóc vườn rau nhà trường.

Các thầy cô giáo ở đây luôn xác định, công tác giáo dục truyền thống nhà trường cho các thế hệ học sinh là  nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Để các em hiểu rõ ý nghĩa tên gọi nhà trường, giáo viên đã thường xuyên lồng ghép vào nội dung môn học, đặc biệt là phần giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa.

Những nội dung về lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương được các thầy cô triển khai linh hoạt thành hoạt động trải nghiệm đa dạng. Học sinh được đến chăm sóc các khu di tích lịch trên địa bàn, đặc biệt là Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 cũng như tri ân người có công với cách mạng. Các hình thức giáo dục truyền thống được đa dạng hóa để gây ấn tượng với học sinh như: Giờ sinh hoạt truyền thống dưới cờ; Lễ trưởng thành cho học sinh lớp 5; Học tập tham quan và báo công tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - nơi có bia khắc tôn vinh Tiến sĩ khoa bảng Đồng Doãn Khuê…

“Với quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm và phát huy tính sáng tạo, chủ động trong học tập, mỗi môn học hàng tuần đều có chuyên đề học tập trải nghiệm, đưa kiến thức thực tế cuộc sống vào bài giảng và tăng cường tương tác, phản biện theo từng cấp độ nhận thức của học sinh. Đồng thời qua đó, học sinh cũng thấu hiểu, biết trân trọng hơn về truyền thống ngôi trường mình theo học” - cô Hà Thị Mười, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Đa dạng hóa hình thức giáo dục

Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh thực sự đi vào chiều sâu, việc đa dạng hóa hình thức để các hoạt động trở nên sinh động hấp dẫn là rất cần thiết.

Niềm vui trong của học trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ (Thái Nguyên) khi được các thầy cô giáo tận tình quan tâm.
Niềm vui trong của học trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ (Thái Nguyên) khi được các thầy cô giáo tận tình quan tâm.

Đối với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ, đơn vị đã xây dựng một bộ quy tắc ứng xử, với các tiêu chí rèn luyện phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó đề cao yếu tố thân thiện, gắn kết, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều hình thức giáo dục đã phát huy hiệu quả tốt, như: Kể chuyện đạo đức ứng xử đầu giờ; Giúp đỡ học sinh lớp 6 mới xa nhà nhanh chóng ổn định và hòa nhập…

“Học tập và sinh hoạt ở trường, các em được thầy cô rèn luyện tác phong tự giác, tự lập, thân thiện, biết yêu thương chia sẻ. Nhờ đó, giữa học trò với giáo viên, giữa học trò với nhau, tất cả đều giữ một mối quan hệ thân thiết, gắn bó” - cô Chu Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.

Tại Trường Tiểu học Cù Vân, để tuyên truyền lan tỏa rộng khắp trong toàn trường thông điệp giáo dục “Lễ phép, Thân thiện, Trung thực và Trách nhiệm” cho học sinh, Liên đội có nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú vừa trực tiếp vừa trực tuyến như thông qua video, loa phát thanh nội bộ, xây dựng chuyên mục trên website của nhà trường…

Đón nhận và hưởng ứng những nội dung giáo dục của nhà trường, giáo viên các lớp đã hướng dẫn, đồng hành cùng học sinh xây dựng nhiều hình thức hoạt động như tổ chức đóng kịch, nhập vai, tạo tình huống để các em giải quyết… Nhờ đó, tinh thần học tập rèn luyện, không khí các phong trào hoạt động đã lan tỏa tích cực đến từng lớp, từng học trò.

“Nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Đạo đức, Giáo dục công dân… theo hướng tiếp cận tự nhiên, tránh giáo điều, cứng nhắc, phòng đã hướng dẫn các trường tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đa dạng hóa hình thức giáo dục cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, kết hợp với vui chơi, thực hành như hoạt động tập thể, lao động, vệ sinh trường lớp, hoạt động xã hội”.
Bà Vũ Thị Lan Oanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Từ, Thái Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ