Thái Nguyên: Cô trò chung tay thiết kế bảng học ghép vần chữ Braille

GD&TĐ - Trường THPT Sông Công (Thái Nguyên) vừa thực hiện thành công đề tài nghiên cứu thiết kế bảng học ghép vần chữ Braille, giúp cho trẻ khiếm thị bước đầu học có thể tự ghép vần.

Cô và trò Trường THPT Sông Công (Thái Nguyên).
Cô và trò Trường THPT Sông Công (Thái Nguyên).

Được thực hiện bởi 2 học sinh Lưu Hải Hà, Hoàng Ngọc Anh, với sự hướng dẫn của cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết, đề tài vừa được trao giải Nhì trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thái Nguyên, năm 2021.

Sản phẩm được thiết kế với quy trình sử dụng tiện lợi: Trẻ khiếm thị dùng tay sờ và cảm nhận các ký tự Braille được thiết kế trên sản phẩm theo chiều từ trái qua phải; Ấn nút tương ứng với hàng ký tự Braille vừa cảm nhận; Sản phẩm sẽ phát ra âm thanh ghép vần mà trẻ vừa cảm nhận được. Sau khi sử dụng sản phẩm, trẻ khiếm thị sẽ biết được cách ghép của các ký tự thành vần. Qua đó, trẻ cũng cảm nhận được các ký tự chữ nổi Braille một cách trực quan nhất.

Bảng học ghép vần chữ Braille cho trẻ khiếm thị
Bảng học ghép vần chữ Braille cho trẻ khiếm thị

“Chúng em thực hiện đề tài này với mong muốn giúp các bạn nhỏ khiếm thị ghép vần tuân thủ theo đúng quy tắc ghép vần của bảng mã Braille tiêu chuẩn, sớm thành thạo trong việc ghép vần chữ Braille và có thể học một cách nhanh chóng. Đề tài còn phù hợp cho những trẻ khiếm thị có thể tự học và ôn tập cách ghép vần chữ Braille tại nhà khi không có người hướng dẫn” - Lưu Hải Hà, đại diện nhóm tác giả đề tài chia sẻ.

Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 100.000 trẻ khiếm thị (tương đương 70%) chưa được đi học. Người khiếm thị gặp khó khăn rất lớn trong việc tiếp thu kiến thức, tham gia các hoạt động học tập, đặc biệt là trong giai đoạn mới bắt đầu học chữ. Quan tâm động viên học sinh tìm tòi, nghiên cứu các đề tài hướng tới phục vụ những nhóm đối tượng yếm thế thiệt thòi trong xã hội là việc làm mang ý nghĩa giáo dục nhân văn, cần được các nhà trường chú trọng phát huy.

Các tác giả trong quá trình thực nghiệm sản phẩm.
Các tác giả trong quá trình thực nghiệm sản phẩm.

Trong 2 năm học gần nhất, Trường THPT Sông Công (Thái Nguyên) có 13/16 đề tài của học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đạt giải. Bên cạnh việc khuyến khích giáo viên và học sinh tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật nói riêng, nhà trường cũng có nhiều cách khích lệ học sinh học tập rèn luyện, với những suất học bổng của Trường, của Hiệu trưởng dành cho những học sinh tiến bộ, đạt kết quả cao trong các kì thi tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh Đại học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.