Thái Lan: Tỷ lệ học sinh bỏ học tăng vọt

GD&TĐ - Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em Thái Lan bỏ học, hậu quả của nền kinh tế suy thoái, trường học đóng cửa thời gian dài. Chính phủ quốc gia này vẫn đang tìm cách dập tắt làn sóng trên.

Phumeakkawut phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình.
Phumeakkawut phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình.

Một năm đại dịch Covid-19 vừa qua đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cậu bé Phumeakkawut, 10 tuổi. Trước đại dịch, mẹ em làm việc trong lĩnh vực du lịch nên thu nhập tương đối dư dả.

Tuy nhiên, khi đại dịch khiến ngành du lịch đình trệ, mẹ của Phumeakkawut mất việc làm. Hai mẹ con không còn tiền thuê nhà tại thủ đô Bangkok, phải dọn ra đường sống.

Trong khi bạn bè đồng trang lứa học trực tuyến vì trường học tạm đóng cửa, Phumeakkawut ngồi nép mình ở một ngã tư. Với một cây bút chì cùng vài cuốn vở, nam sinh chăm chú tự học, mặc kệ khói bụi ồn ào của thành phố. Trong tương lai, cậu bé chưa chắc có thể quay lại trường học.

Waraporn Chanchiaw, mẹ của Phumeakkawut, bày tỏ: “Tôi đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Ngay cả một mái nhà che đầu tôi cũng không thể mua được. Con trai tôi đành phải nghỉ học. Vì không chỉ vấn đề học phí, đó còn là tiền đồng phục, sách vở, phương tiện đi lại. Tôi rất đau lòng khi nhìn thấy con trai chịu cảnh như này”.

Câu chuyện của mẹ con Phumeakkawut được lan truyền khắp trên đất nước. Nhiều người bày tỏ đồng cảm với hoàn cảnh của họ bởi tại các khu vực phụ thuộc vào du lịch, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng vọt.

Hiệp hội Khách sạn Thái Lan ước tính 80% doanh nghiệp du lịch vẫn phải đóng cửa. Đối với lực lượng lao động trong ngành này, cuộc đời của họ đang đảo lộn. Nhiều người không thể tiếp tục trả học phí cho con cái.

Các trường học tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, phải đóng cửa gần 4 tháng khi quốc gia này đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 3, cũng là làn sóng tồi tệ nhất trong năm qua. Song hành cùng làn sóng Covid-19, các chuyên gia giáo dục ghi nhận một cuộc khủng hoảng bỏ học lớn tại các trường phổ thông.

Giáo sư Sompong Jitradub, Giám đốc Xã hội tại Quỹ Giáo dục Bình đẳng (EEF) cho biết: “Thái Lan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng. Hậu quả của đại dịch, đói nghèo và bất bình đẳng đã nâng lên một tầm cao mới. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ và các nhà hảo tâm, tỷ lệ bỏ học có thể tăng từ 10 - 15%”.

Tại Thái Lan, học sinh được miễn học phí đến năm lớp 9. Tuy nhiên, Giáo sư Sompong cho biết phụ huynh vẫn phải chi trả những khoản tiền khác như chi phí đi lại, chi phí ăn uống, dao động từ 2.000 - 6.000 baht/tháng (từ 1,4 - 4,6 triệu đồng). Những gia đình gặp khó khăn tài chính phải cho con nghỉ học vì không thể trả những khoản phí này.

Đến cuối tháng 6, tỷ lệ học sinh bỏ học là 10% và con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự kiến, đến cuối năm 2021, khoảng 65.000 học sinh sẽ dừng đến trường. Tỷ lệ bỏ học ở bậc tiểu học là 4%, ở bậc THCS là 19 - 20% trong khi bậc THPT là trên 48%.

EEF ước tính rằng nếu có thể ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, GDP của Thái Lan có thể tăng lên 3%. Ngoài những lợi ích kinh tế, có rất nhiều lý do để giữ trẻ em ở lại trường học.

Bà Tongpul Bousri là người đứng đầu Dự án Giáo viên Đường phố, nhận xét: “Khi trẻ bỏ học, tỷ lệ các em quay lại trường là rất thấp. Các em có thể bị cuốn vào những vấn nạn nguy hiểm như buôn người, mại dâm hay bị bóc lột lao động”.

Các chuyên gia giáo dục đang kêu gọi chính phủ ưu tiên tiêm chủng vắc-xin cho giáo viên để giữ trường học mở cửa và phân bổ những nguồn hỗ trợ cho trường học nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính với phụ huynh và các cơ sở giáo dục.

Theo Bangkok Post, CGTN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ