Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), thời gian vừa qua, tình trạng các tàu khai thác cát trên sông Hồng khu vực gần cầu Thái Hà diễn ra rất công khai, rầm rộ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây.
Một số người dân địa phương cho biết, sông Hồng đoạn giáp ranh giữa 3 tỉnh Thái Bình - Hà Nam - Hưng Yên lâu nay vốn là “điểm nóng” về tình trạng tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm. “Các tàu cát họ cứ chạy rà rà dọc trên sông thăm dò, sau đó thả ống hút xuống sông để khai thác cát”, một người dân cho biết.
Đứng trên cầu Thái Hà phóng tầm mắt ra xa có thể dễ dàng nhận thấy các loại sà lan, tàu thuyền chở cát qua lại tấp nập. Còn dọc hai bên bờ sông nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình là vô số bãi tập kết cát sỏi chất cao như những quả đồi.
Có mặt tại bãi bồi thuộc địa bàn xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cách chân cầu Thái Hà chưa đầy cây số, Báo GD&TĐ ghi nhận hàng trăm chiếc thuyền, sà lan chở đầy cát ngược xuôi. Ngay tại khu vực giữa sông là những chiếc tàu đang quần thảo, tiếng máy móc gầm rú, ầm ào như muốn xé nát mặt sông Hồng.
Chỉ tay vào vết đất đang lở xuống sông ngay sát ruộng ngô, lắc đầu ngao ngán, ông Nguyễn Văn T. (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cho biết, khu bãi ven sông nhiều năm nay người dân địa phương thường xuyên sử dụng để trồng các loại hoa màu như ngô khoai, chuối... nhưng thời gian gần đây tình trạng sạt lở đất diễn ra thường xuyên nên nhiều gia đình rất bất an, lo lắng.
“Chúng tôi không biết người ta cho hút cát, khai thác cát kiểu gì nhưng tàu cát họ cứ dùng ống hút dài cả trăm mét, to như bắp đùi thả xuống hút cát cả ngày lẫn đêm. Cứ làm thế thì bờ bãi sạt lở hết xuống sông thôi. Nếu để sạt lở mãi thế này thì đến lúc dân chúng tôi làm gì còn đất bãi mà trồng trọt, canh tác?” - ông T. bức xúc.
Xe quá khổ, quá tải vận chuyển cát ra khỏi các bãi tập kết, băm nát đê tả sông Hồng |
Một số người dân địa phương cho biết, đất ở khu vực bãi ven sông rất màu mỡ nên các loại hoa màu trồng cấy tại đây cho năng suất khá cao nhưng do tình trạng sạt lở diễn ra thường xuyên nên bà con rất bất an, lo lắng một ngày không xa ruộng bãi nhà mình sẽ “biến mất” dưới lòng sông.
“Tàu cát họ cứ hút thế này làm rỗng hết chân rồi thì làm gì chả sạt lở hết cả bãi. Có chỗ cứ vài hôm lại xuất hiện vết nứt, vết lở nên chúng tôi cũng lo lắm mà chưa biết phải làm thế nào cả” - một người dân bày tỏ.
Trao đổi với Báo GD&TĐ về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) xác nhận, trên địa bàn xã có nhiều tàu khai thác cát và một số bãi tập kết của những doanh nghiệp được cấp phép đang hoạt động.
Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương về việc quản lý hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản trên địa bàn, ông Phạm Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Đức - cho rằng, nếu nhận được thông tin có tình trạng khai thác cát trái phép sẽ giao cho lực lượng công an xã phối hợp với đơn vị chức năng của UBND tỉnh Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà tuần tra, ngăn chặn và xử lý(!)