Thách thức việc làm thời “hậu Covid-19”

GD&TĐ - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính đến cuối quý II/2020, khủng hoảng Covid-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động Việt Nam. Cụ thể là do giảm lương, giờ làm hoặc mất việc.

May mặc là ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.
May mặc là ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

Đây là thách thức mới mà Việt Nam phải giải quyết, trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng.

Cú sốc suy giảm kinh tế

Báo cáo nhanh mới đây của ILO cho biết, Việt Nam đã kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế. Để đạt được kết quả này, Việt Nam đã sớm triển khai các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh với mức độ quyết liệt ngày càng tăng. Những biện pháp này đã khiến cho hoạt động kinh tế bị cắt giảm trong một giai đoạn...

Phân tích mới của ILO nhấn mạnh rằng, cú sốc kinh tế do Covid-19 gây nên đối với các lĩnh vực hoàn toàn không giống nhau. Một số lĩnh vực cụ thể bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do sự sụp đổ của hoạt động kinh tế.

Ở Việt Nam, các đơn vị kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ đã phải đối diện với sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng do biện pháp giãn cách xã hội. Dịch vụ bán hàng trực tuyến hay giao hàng tại nhà chỉ có thể bù đắp một phần việc mất đi nguồn doanh thu chính. Tiếp đến là các hoạt động không thiết yếu bị ảnh hưởng do phải tạm đóng cửa hàng loạt. Bên cạnh đó, việc hạn chế di chuyển bắt buộc đã gây nên cú sốc đối với lĩnh vực vận tải, kho bãi và truyền thông. Lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng gián tiếp do các quốc gia khác cũng nghiêm cấm việc di chuyển.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã cắt giảm 40% số chuyến bay từ giữa tháng 3 do sự lây lan của virus ở châu Âu. Sau đó là do Chính phủ bắt buộc tạm dừng khai thác tất cả các chuyến bay quốc tế. Doanh thu của hãng trong quý I năm 2020 đã giảm 6.700 tỷ đồng. Tương tự như vậy, các tác động trực tiếp kết hợp với tác động gián tiếp đã dẫn đến sự sụp đổ của hoạt động kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các luồng khách du lịch, cả nội địa và quốc tế, đã bị dừng đột ngột, kéo theo doanh thu trong lĩnh vực này. Doanh thu bán hàng trong tháng 3 giảm 26 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.

Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức bị ảnh hưởng nghiêm trọng do họ không được tiếp cận các mạng lưới bảo trợ xã hội do Nhà nước chi trả. Lao động dễ bị tổn thương đặc biệt có nguy cơ phải đối diện rủi ro về kinh tế do họ phần đông làm các công việc phi chính thức với mức lương thấp và nhiều khả năng họ không có tiền tiết kiệm. Phụ nữ chiếm số đông trong hầu hết các lĩnh vực phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các hoạt động kinh tế.

Thiết lập nền tảng tăng trưởng toàn diện

Khi ILO thực hiện báo cáo nhanh này, Việt Nam đã nới lỏng biện pháp cách ly xã hội ở một số khu vực trên toàn quốc được khoảng 1 tuần. Việc nới lỏng chưa được áp dụng đối với một số địa phương cũng như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là hai trung tâm kinh tế đô thị chính của Việt Nam và các quy tắc giãn cách xã hội vẫn chưa được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, các nước đối tác thương mại của Việt Nam vẫn đang trong tâm điểm cuộc chiến chống Covid-19. Một số đối tác xuất khẩu hàng đầu đã gia tăng mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kể từ đầu tháng 4.

Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Chang Hee Lee đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập. Ông tin rằng, gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với Covid-19.

Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng, Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động. Thời điểm khó khăn này tạo cơ hội cho Việt Nam để thiết lập nền tảng cho con đường tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi công cuộc hồi phục bắt đầu được thực hiện. 

IMF đã dự báo hơn 170 quốc gia sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020 và sẽ được khôi phục phần nào trong năm 2021. Khi cuộc khủng hoảng y tế được kiểm soát, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm sang giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế cũng theo cách quyết liệt như trên mặt trận y tế. Nhiệm vụ này mang phạm vi rất rộng, cần có sự đồng bộ về giải pháp chính sách, bao gồm các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ