Sinh viên Mỹ thay đổi kế hoạch sau tốt nghiệp vì Covid-19

GD&TĐ - Qua những tháng dài phong tỏa và cách ly xã hội, đại dịch Covid-19 đã thay đổi thế giới.

Lilly Umana, sinh viên năm cuối tại Đại học Syracuse.
Lilly Umana, sinh viên năm cuối tại Đại học Syracuse.

Đối với sinh viên đại học, đây là khoảng thời gian đầy bất ổn và lo lắng. Nhiều người đã thay đổi chuyên ngành học, số khác kinh doanh để tự nắm bắt cơ hội việc làm.

Hiện nay, thị trường việc làm Mỹ được đánh giá là một trong những thị trường khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ. Bộ Lao động Mỹ ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, từ 16 đến 24 tuổi, là 11,5%, gần gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp chung, là 6,7%.

Tình hình trên đã khiến nhiều sinh viên cân nhắc liệu chuyên ngành đang theo học có mang lại cơ hội việc làm hậu đại dịch hay không. Hay liệu họ có nên thay đổi quan điểm về “công việc mơ ước” sau khi tốt nghiệp hay không.

Jackson England, 20 tuổi, là tân sinh viên tại Đại học Columbia. Nam sinh đang theo học dự bị ngành Y khoa, có kế hoạch trở thành bác sĩ giải phẫu thần kinh. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát, England muốn chuyển sang học tâm lý học và tập trung vào giáo dục.

England cho biết: “Khi nCoV xuất hiện, các phương tiện truyền thông đề cập nhiều tới vấn đề bình đẳng và những khó khăn mọi người phải trải qua. Đó là lúc tôi nhận ra tôi muốn đấu tranh vì công bằng xã hội và tôi bắt đầu từ giáo dục”.

Sau một năm biến động, kế hoạch tốt nghiệp của England rất khác. Anh dự định sẽ theo đuổi ngành Luật, làm việc liên quan đến chính sách giáo dục hoặc vận động chính sách.

Vì đại dịch Covid-19, nhiều công ty tạo điều kiện để nhân viên làm việc tại nhà. Nghiên cứu của Đại học Stanford ước tính khoảng 42% lực lượng lao động Mỹ đang làm việc từ xa. Điều này khiến nhiều sinh viên không còn muốn di chuyển đến các khu đô thị lớn như thành phố New York để tìm việc làm.

Lilly Umana, 21 tuổi, là sinh viên năm cuối chuyên ngành Khoa học chính trị, Quyền công dân và Hoạt động của công dân tại Đại học Syracuse. Năm nhất đại học, Lilly tưởng tượng sẽ là chính trị gia cấp cao làm việc ở Washington. Tuy nhiên, tại Đại học Syracuse, Lilly được thử sức trong kênh truyền hình của trường và nhận ra bản thân muốn làm nhà báo. Và kế hoạch sau tốt nghiệp của Lilly cũng thay đổi.

Trước Covid-19, nữ sinh dự định chuyển đến thành phố New York và ứng tuyển vào một công ty truyền thống lớn. Nhưng hiện tại, Lilly đã thu hẹp kỳ vọng về công việc đầu tiên. Lilly đánh giá những công ty truyền thông lớn sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn vì hầu hết các vị trí việc làm đều có thể làm từ xa.

Trong khi đó, nhiều sinh viên như Laura Vasco quyết định tự tạo công việc cho bản thân. Laura hiện là sinh viên năm cuối ngành Kinh doanh và Tài chính tại Đại học bang Montclair. Khi mới vào đại học, Laura muốn làm việc cho một công ty cổ phần tư nhân tại phố Wall. Nhưng đại dịch làm thay đổi suy nghĩ của cô.

Laura cho biết: “Cuộc khủng hoảng toàn cầu này khiến tôi nhận ra cách duy nhất để có công việc ổn định là tự xây dựng kinh doanh cá nhân, gác lại những mơ mộng về tìm việc làm hoàn hảo trong lĩnh vực tài chính”.

Vài tháng trước, Laura bắt đầu kinh doanh thảm yoga. Dù thừa nhận kinh doanh trong giai đoạn hiện nay là khó khăn, Laura hy vọng sẽ sớm gặt hái thành công trong tương lai.

Johayra Diaz, cố vấn học tập tại Đại học bang Montclair, cho biết, nhiều sinh viên đang phân vân có nên hoãn việc học hay chuyển ngành để tìm cơ hội việc làm tốt. Diaz và các đồng nghiệp làm nhiệm vụ kết nối doanh nghiệp với sinh viên để cung cấp nhiều cơ hội thực tập nhất có thể. Qua đó, sinh viên có thể trải nghiệm công việc tương lai và đưa ra quyết định của mình.

Diaz khuyến khích sinh viên muốn thay đổi chuyên ngành học xem xét lại chương trình giảng dạy và đánh giá xem họ còn quan tâm đến lĩnh vực này hay không. Sinh viên có thể tham khảo lời khuyên của cố vấn học tập  khi thay đổi quyết định. Sinh viên cần cân nhắc việc thay đổi chuyên ngành ảnh hưởng như thế nào đến hỗ trợ tài chính hoặc học bổng.

Theo CNBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.