Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tại trường
Phát triển kỹ năng nghề nghiệp tại trường là một mô hình đào tạo truyền thống. Trong đó, người học được hướng dẫn và trực tiếp thao tác trên các trang thiết bị đào tạo nghề theo chương trình đào tạo. Quá trình phát triển kỹ năng theo từng bước và từng mức độ khác nhau, và qua đó người học có được kỹ năng nghề nghiệp thực tế.
Chất lượng của quá trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong mô hình này phụ thuộc nhiều vào trình độ kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tế của người dạy. Bên cạnh đó là mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị và các yếu tố bảo đảm chất lượng đào tạo sẵn có của các cơ sở đào tạo.
Phương pháp và phương thức đào tạo sẽ thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Phương tiện kỹ thuật số cung cấp các hình thức học tập từ xa linh hoạt và số lượng các tài liệu giáo dục và đào tạo hiện có trên mạng ngày càng tăng.
Học tập, giảng dạy sẽ không còn phụ thuộc vào thời gian và vị trí mà có thể diễn ra tại bất kỳ thời điểm nào và ở bất cứ đâu. Điều này tạo điều kiện cho việc phát triển các phương pháp sư phạm mới. Việc sử dụng phương tiện truyền thông một cách đa dạng và sự sẵn có của các lựa chọn kỹ thuật sáng tạo tạo ra những cơ hội mới để cải tiến và cá nhân hóa việc thiết kế quá trình học tập.
Mô hình đào tạo nhà trường kết hợp với doanh nghiệp
Trong bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển liên tục, việc cập nhật thiết bị, công nghệ tại các cơ sở đào tạo sẽ không thể nhanh và đầy đủ như doanh nghiệp. Do vậy, phương thức đào tạo tại nhà trường kết hợp đào tạo tại doanh nghiệp sẽ là một giải pháp hiệu quả và khả thi.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên tục bám sát, cập nhật thực tiễn, chủ động hợp tác với doanh nghiệp để người học tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, theo kịp sự thay đổi của công nghệ sản xuất. Trong quá trình đào tạo, việc tạo điều kiện để tự học tập, rèn luyện, tự làm ra các sản phẩm của bản thân trong quá trình đào tạo trở nên rất quan trọng. Nhờ sự chủ động trau dồi, tìm hiểu thông tin từ các phương tiện, công nghệ khác nhau mà người học sẽ tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập.
Mô hình này được đánh giá rất hiệu quả. Khi thực hiện mô hình này, người học được cập nhật công nghệ tương đối kịp thời, trang bị kỹ năng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và vị trí việc làm của doanh nghiệp.
Khi ra trường người học đã được trải nghiệm một phần chương trình học tập thực tế tại doanh nghiệp. Họ còn tiếp thu được kỹ năng mềm và biết được thực trạng chỗ làm việc tại doanh nghiệp.
Người học phần lớn được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí còn được nhận vào làm việc tại doanh nghiệp ngay năm cuối của khóa đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Tỉ lệ có việc làm cao, làm đúng nghề đào tạo cao. Chi phí đào tạo cho một khóa học cũng giảm, hiệu quả lại cao.
Tuy nhiên, việc đào tạo cho thanh niên theo mô hình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc tham gia vào quá trình đào tạo, chưa chấp nhận việc doanh nghiệp phải chia sẻ nguồn lực với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước để nhận lao động qua đào tạo vào làm việc. Doanh nghiệp quen với việc nhu cầu tuyển dụng ít, nhu cầu xin việc nhiều nên doanh nghiệp không cần phải trả bất kỳ một khoản chi phí nào cũng có lao động qua đào tạo tuyển vào làm việc.
Các chương trình ngoài giờ và ngoài trường học
Mô hình đào tạo này là một chiến lược phát triển lực lượng lao động và tăng cường cơ hội phát triển kỹ năng cho thanh, thiếu niên mà nhiều quốc gia đang áp dụng. Mô hình này được triển khai thực hiện thông qua việc phát triển, chuyển đổi các chương trình đào tạo mới, đào tạo, đào tạo lại cập nhật những kiến thức, những kỹ năng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, có thể:
Đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo tại các làng nghề nhằm cung cấp cho lao động một kỹ năng nào đó, hoặc một số kỹ năng nào đó trong một thời gian ngắn, có thể là 1 ngày, có thể đến 1 tuần hoặc cả tháng. Khi đó, người lao động có thể là lao động phổ thông, lao động đã qua đào tạo nhưng cần đào tạo mới, đào tạo lại cập nhật những kiến thức, kỹ năng phù hợp với doanh nghiệp, những kỹ năng mới để đáp ứng với tình hình mới, kỹ năng công nghệ thông tin để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những kỹ năng mềm, kỹ năng an toàn lao động...
Đào tạo tại các cơ sở khác được cung cấp ngoài giờ tại các địa điểm song song với giáo dục truyền thống. Các chương trình ngoài giờ học thường nhắm vào những thanh, thiếu niên dễ bị tổn thương và mất kết nối nhất, đồng thời cung cấp cho họ khả năng tiếp cận với việc học tập và phát triển theo trải nghiệm.
Trong nhiều trường hợp, các chương trình này cũng cung cấp các dịch vụ giáo dục xã hội và cảm xúc, phát triển thanh niên tích cực, các hoạt động tiếp xúc nghề nghiệp, học tập thực hành, trải nghiệm thực tế và cố vấn để hỗ trợ phát triển kỹ năng. Sự thành công của các chương trình ngoài giờ này phần lớn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận và sự tham gia bền vững, chương trình chất lượng, đội ngũ nhân viên, dịch vụ trọn gói và sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tác học tập, bao gồm trường học, gia đình và các cơ sở cộng đồng.
Ngoài ra còn có mô hình học việc, đào tạo nghề kép. Mô hình này có hai địa điểm học tập, các cơ sở đào tạo và các công ty nơi người học được đào tạo tại chỗ. Thông thường, người học dành một phần thời gian đào tạo để học lý thuyết tại các cơ sở đào tạo nghề và một phần khác để thực hành, thực tập tại một công ty đào tạo. Ở cấp độ quốc gia, mô hình đào tạo nghề kép được kì vọng sẽ nâng cao tỉ lệ có việc làm và các lợi ích xã hội khác. Trên thực tế, theo quan sát, ở các quốc gia áp dụng mô hình đào tạo nghề kép, tỉ lệ có việc làm của thanh niên thường ở mức cao (Đức, Na Uy, Hàn Quốc...).