Chuyển đổi số: Thay đổi cốt lõi giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số sẽ tác động thay đổi cốt lõi hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Chuyển đổi số sẽ tác động thay đổi cốt lõi hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa
Chuyển đổi số sẽ tác động thay đổi cốt lõi hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa

Sản sinh ra thị trường mới tiềm năng

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, quá trình chuyển đổi số sẽ tác động đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đó là tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước. Gần đây, nhiều đơn vị hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn.

Đồng thời tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động GDNN, thay đổi cách quản lý hoạt động GDNN, cách dạy của giáo viên. Bên cạnh đó là cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN từ môi trường truyền thống lên môi trường số.

Ngoài ra, quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động GDNN.

Cũng theo ông Bình, nhiều giáo viên nghĩ rằng các bài giảng của mình là chuyển đổi số trong GDNN. Thậm chí nhiều thầy cô cho rằng việc sử dụng các bài giảng dạy trực tiếp qua các hệ thống được gọi là đào tạo trực tuyến là chưa đúng. Đào tạo trực tuyến phải là một hệ thống thống nhất đồng bộ từ quản lý nội dung, quản lý học tập, kiểm tra đánh giá kết quả học tập.

“Hiện, mỗi trường có một hạ tầng, nền tảng số. Chẳng trường nào kết nối trường nào. Tính ưu việt nhất của chuyển đổi số là chia sẻ thì không được thể hiện, kể cả sự tận dụng nguồn lực, cách tiếp cận trong hệ thống giáo dục cũng không có”, TS Phạm Vũ Quốc Bình nói.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo còn áp dụng phương pháp cũ. Nhà giáo thiếu, thậm chí không có các kỹ năng liên quan đến phát triển chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chuyển đổi số... Đặc biệt thiếu kỹ năng liên quan đến phương pháp giảng dạy mới.

Trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, nhiều giáo viên đã sử dụng Internet để giảng bài, giao bài từ xa. Tuy nhiên phương pháp truyền đạt vẫn như khi giảng bài trực tiếp trên lớp và chưa có thay đổi nào đáng kể về mặt sư phạm cho phù hợp với điều kiện mới.

“Tôi muốn nhấn mạnh, đào tạo trực tuyến trong GDNN không có nghĩa là nghề nào, nội dung nào, môn học nào cũng có thể đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, việc sử dụng đào tạo trực tuyến sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc đào tạo trực tiếp. Đặc biệt là những môn học về lý thuyết, các nguyên lý, cấu tạo… cung cấp kiến thức cho người học”, ông Bình nói.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cũng cho biết thêm, vấn đề hạ tầng, nền tảng và học liệu số hiện nay là một vấn đề rất lớn. Điều này được đưa thành một giải pháp trong chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, thời gian vừa qua chỉ “mạnh ai, nấy làm”, chưa có định hướng hoạt động cụ thể.

Hiện, với các giải pháp trong đề án, các cơ sở GDNN sẽ được sử dụng nền tảng dùng chung của GDNN và có thể bổ sung các học liệu trong quá trình đào tạo, giảng dạy. Ngoài ra, còn có sự vào cuộc, hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ số trong lĩnh vực này. 

Cần nhận thức đồng bộ về chuyển đổi số

Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Tuy nhiên giải pháp gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp sẽ được quan tâm hơn cả.

Các cơ sở kết nối với doanh nghiệp trong việc đào tạo sẽ giúp người học được tiếp xúc với công việc thực tế ngay khi còn đang đi học. Như vậy sẽ giúp người học hiểu biết rõ hơn về công việc thực tế. Điều này giúp người học tập trung vào các nội dung học quan trọng để nâng cao năng lực của chính mình, phục vụ tốt công việc trong tương lai.

TS Phạm Vũ Quốc Bình thông tin, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực (Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp) cũng đã tiến hành khảo sát đối với 997 cán bộ quản lý các cấp, 2.108 nhà giáo, 16.671 học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN và 138 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN với các nội dung chuyển đổi số trong GDNN. Kết quả cho thấy, hệ thống đã thực hiện việc chuyển đổi số nhưng nhận thức không đồng bộ.

Cụ thể, các cơ sở GDNN đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong việc dạy. Đặc biệt là các khối ngành kỹ thuật, có một số ngành như cơ điện, ô tô... ứng dụng các chương trình mô phỏng, và học liệu điện tử của các hãng lớn hoặc được tài trợ vào dạy học. Tuy nhiên số lượng này còn ít. Xét trên yếu tố tương tác qua lại giữa người dạy và người học, phần lớn các công nghệ sử dụng chỉ mang tích chất một chiều. Đó là thầy cô sử dụng công nghệ và học liệu để trình chiếu cho học viên xem.

Theo kết quả khảo sát online của giáo viên, có 87,8% giáo viên áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông và giờ dạy lý thuyết, 70,7% vào giờ dạy thực hành. Tuy nhiên, có đến 80% giải pháp đưa ra là sử dụng thiết bị và phần mềm trình chiếu, demo video, hình ảnh...

Nhiều cơ sở GDNN đã bắt đầu số hóa học liệu, một số trường đã hợp tác với các tổ chức bên ngoài để sử dụng thư viện số, ví dụ Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội, Trường CĐ Cồng động Kon Tum... Tuy nhiên, phần lớn học liệu cũng mới chỉ được số hóa dưới dạng các bản PDF, Microsoft Word... và không có tính tương tác.

Vì vậy, GDNN cần đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số. Tăng cường vận động sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của nguồn nhân lực có kỹ năng số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để người dân hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số với cuộc sống trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.