Thách thức khi đưa môn nghệ thuật vào trường học

GD&TĐ - Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với cấp THPT nhưng việc triển khai các môn nghệ thuật vẫn còn nhiều thách thức.

Tiết học Mỹ thuật của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) năm học 2022 - 2023.
Tiết học Mỹ thuật của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) năm học 2022 - 2023.

Mặc dù vậy, một số trường ở TPHCM đã nỗ lực khắc phục khó khăn về nhân sự, cơ sở vật chất để đưa Âm nhạc và Mỹ thuật vào giảng dạy, đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Đáp ứng nguyện vọng của học sinh

Dù gặp phải khó khăn về giáo viên giảng dạy các môn nghệ thuật, nhưng từ năm học 2022 - 2023, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) vẫn duy trì 3 lớp Âm nhạc và 2 lớp Mỹ thuật.

“Khi ký hợp đồng, chúng tôi chọn thầy cô đạt chuẩn để giảng dạy Chương trình GDPT 2018. Chẳng hạn, môn Mỹ thuật sẽ hợp đồng với giáo viên THCS có bằng đại học, còn môn Âm nhạc nhà trường mời thầy cô tốt nghiệp ở nhạc viện hệ đại học”, thầy Khoa cho hay.

Theo chia sẻ của thầy Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học này nhà trường vẫn duy trì số lớp như năm trước nhằm tạo điều kiện cho các em phát triển năng khiếu. Đối với nhân sự giảng dạy các môn này, nhà trường đã đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng với Sở GD&ĐT TPHCM, tuy nhiên trong trường hợp không tuyển được, trường sẽ hợp đồng thỉnh giảng.

Tương tự, đây cũng là năm thứ 2, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) tổ chức dạy các môn nghệ thuật. Thầy Phó Hiệu trưởng Võ Nu cho biết, năm học này số lượng học sinh khối 10 lựa chọn học Âm nhạc, Mỹ thuật là hơn 200 em, cao gấp đôi năm học trước. Cũng tương tự như Trường THPT Gia Định, để có nhân sự đứng lớp, đơn vị này đã ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên dạy tại các trường THCS trong khu vực còn trống tiết.

Còn tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Quận 1), với lợi thế có 2 cấp học, biên chế giáo viên môn Âm nhạc ở bậc THCS nên năm học 2023 - 2024, đơn vị tổ chức dạy môn học lựa chọn Âm nhạc theo Chương trình GDPT 2018.

Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Hà Hữu Thạch, có 43 học sinh đăng ký học môn Âm nhạc nên trường mở một lớp. Giáo viên dạy môn này thuộc biên chế của trường. “Nhiều học sinh thích thú khi được học môn này theo chương trình mới. Riêng môn Mỹ thuật, năm ngoái trường mở một lớp nhưng năm nay lượng học sinh đăng ký khá ít nên không thể tổ chức”, thầy Thạch chia sẻ.

Mở rộng nguồn tuyển giáo viên

Chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT TPHCM cũng như các quận, huyện, TP Thủ Đức đang khẩn trương tuyển dụng gần 4.500 giáo viên. Riêng với cấp THPT, năm học này, sở có nhu cầu tuyển dụng 305 viên chức tại các đơn vị trực thuộc, gồm 251 viên chức vị trí giáo viên và 54 viên chức vị trí nhân viên. Năm nay, Sở GD&ĐT TPHCM dự kiến tổ chức tuyển dụng viên chức thành hai đợt. Với những trường THPT chưa tuyển dụng được đợt 1 sẽ thống kê để tuyển trong đợt 2.

Ứng viên tham gia thi tuyển viên chức do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức đợt tháng 7/2023.

Ứng viên tham gia thi tuyển viên chức do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức đợt tháng 7/2023.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, số hồ sơ đủ điều kiện tham gia tuyển dụng là 838 người. Trong đó, các môn định hướng Khoa học tự nhiên, ứng cử viên dự tuyển gấp nhiều lần so với chỉ tiêu. Ngược lại, môn nghệ thuật dù nhu cầu tuyển dụng của các trường THPT rất lớn nhưng số người dự tuyển lại quá ít. Cụ thể, môn Toán học cần tuyển 26 giáo viên nhưng số người dự tuyển lên đến 245; môn Hóa học tuyển 3 giáo viên nhưng có đến 77 hồ sơ ứng tuyển; môn Vật lý chỉ tuyển 5 giáo viên nhưng có 86 người ứng tuyển.

Trái ngược hoàn toàn, các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, số người tham gia dự tuyển rất thấp, cung không đủ cầu. Môn Âm nhạc cần tuyển 12 giáo viên nhưng chỉ 2 ứng cử viên nộp hồ sơ. Tương tự, môn Mỹ thuật có nhu cầu tuyển 8 giáo viên nhưng chỉ 5 người tham gia thi tuyển…

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho hay, từ năm học 2023 - 2024, sở triển khai tuyển dụng giáo viên bằng nhiều hình thức để mở rộng nguồn tuyển. Theo đó, ngoài thi tuyển viên chức như các năm học trước, ngành Giáo dục sẽ ưu tiên xét tuyển sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở các trường đại học. Đồng thời tiếp nhận vào làm viên chức đối với trường hợp có ít nhất 5 năm công tác, trình độ đào tạo từ đại học trở lên phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.

“Ngoài ra, để tăng nguồn tuyển giáo viên 2 môn học mới của Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT là Âm nhạc và Mỹ thuật, bên cạnh “đặt hàng” các trường sư phạm tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên, TPHCM sẽ huy động giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS hoặc tiểu học có trình độ đại học trở lên, năng lực phù hợp để bố trí dạy học ở cấp THPT.

Nếu vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ phối hợp Sở Nội vụ xin ý kiến UBND TPHCM xem xét yêu cầu về trình độ đào tạo đối với trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng không thuộc chuyên ngành đào tạo giáo viên”, ông Quốc cho biết.

Cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3), cho biết: “Trường không có giáo viên dạy 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật, hơn nữa, phòng học chưa đáp ứng cho việc giảng dạy. Bởi tất cả phòng học hiện nay đều tận dụng cho việc dạy 2 buổi/ngày. Mặt khác, khi triển khai dạy Chương trình GDPT 2018, giáo viên thừa thiếu cục bộ nên trường phải cân đối nên chưa có kế hoạch tuyển dụng. Dù không dạy các môn nghệ thuật nhưng nhà trường vẫn tổ chức 2 câu lạc bộ Văn nghệ và Nghệ thuật giấy để học sinh đăng ký theo nhu cầu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ