Thách thức của quốc gia sắp đông dân nhất thế giới

GD&TĐ - Trong năm 2023, Ấn Độ dự kiến vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, tạo việc làm và tăng sản xuất vẫn là thách thức cho quốc gia này.

Giới quan sát nhận định, khi Ấn Độ “soán ngôi” Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, nước này sở hữu hơn một nửa dân số dưới 25 tuổi, là lực lượng lao động trẻ, tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là lợi thế lớn của nền kinh tế Ấn Độ so với nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số.

Xu hướng trên gọi là “lợi tức nhân khẩu học”, sẽ giúp Ấn Độ giải quyết bài toán lao động già hóa. Nhà kinh tế Shruti Rajagopalan nhận định: “Thế hệ thanh niên Ấn Độ sẽ là nguồn lao động và người tiêu dùng lớn nhất trong nền kinh tế tri thức và mạng lưới hàng hóa. Người dân Ấn Độ sẽ là nhóm tài năng toàn cầu đông đảo nhất”.

Song song với lợi thế trên, Ấn Độ phải đảm bảo đủ việc làm cho người dân. Hiện nay, Ấn Độ còn thiếu một khu vực sản xuất lớn vừa thu hút vừa tạo việc làm cho lực lượng lao động ngày càng phát triển. Nếu không giải quyết được bài toán trên, tình trạng thất nghiệp sẽ là vấn đề “hóc búa” của quốc gia tỷ dân.

Thực tế hiện nay, dù chưa trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ đang gia tăng bất chấp quốc gia này tập trung mở rộng các lĩnh vực sản xuất để tạo thêm việc làm. Tính đến tháng 11/2022, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức cao nhất là 8% trong bối cảnh lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cần đảm bảo điều kiện giáo dục, đào tạo kỹ năng cho lớp lao động trẻ. Theo đánh giá của nhiều học giả, thanh niên Ấn Độ còn thiếu các kỹ năng theo yêu cầu của các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Phần lớn lao động Ấn Độ vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc khu vực phi chính thức còn trong lĩnh vực sản xuất là khan hiếm.

Do khu vực sản xuất còn hạn chế, Ấn Độ cũng khó trở thành nước xuất khẩu hàng hóa sản xuất lớn, bất chấp lực lượng lao động dồi dào. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, nhiều quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản đã nắm bắt cơ hội để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất từ quần áo đến điện tử và đưa thị trường sản xuất ra quốc tế. Còn Ấn Độ chưa thể làm được điều này do tập trung vào khả năng tự lực hơn là phát triển thương mại.

Chưa dừng lại ở đó, khi dân số bùng nổ, Ấn Độ phải tìm cách giải quyết các khó khăn liên quan đến vấn đề xã hội kèm theo. Đơn cử, Chính phủ Ấn Độ cần phải đảm bảo thức ăn, nước uống và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cho lượng lớn dân số ở mọi lứa tuổi.

Ngoài ra, tình trạng đông dân số, nhất là trong lực lượng lao động, sẽ kéo theo các tệ nạn xã hội, bạo lực, tảo hôn... Các nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa số lượng lớn nam thanh niên thất nghiệp hoặc thiếu việc làm với các vấn đề bạo lực phụ nữ hay rối loạn xã hội.

Ngoài ra, khi thất nghiệp, người lao động dư thừa phải xoay xở tìm việc làm, thường là việc làm phi chính thức nên cần sự kiểm soát chặt chẽ, gắt gao từ phía chính phủ để đảm bảo an toàn, an ninh và trật tự xã hội.

Nhìn chung, việc đưa nền kinh tế phát triển tương xứng với quy mô dân số nhưng đảm bảo chính trị, an ninh, xã hội là thách thức không hề nhỏ đối với Ấn Độ. Nếu quốc gia này không thể khai thác lực lượng lao động trẻ bằng giáo dục và đào tạo, “lợi tức nhân khẩu học” có thể biến thành “thảm hoạ nhân khẩu học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ