Theo kết quả kiểm đếm từ 99% phiếu bầu, ông Erdogan giành chiến thắng với 52% phiếu trong khi đối thủ Kemal Kilicdaroglu giành 48% phiếu.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ phải tổ chức bầu cử tổng thống vòng 2 vì hai ứng viên đều không được quá bán số phiếu bầu. Với kết quả chiến thắng sít sao, ông Erdogan chính thức bước sang nhiệm kỳ thứ ba lãnh đạo đất nước kéo dài 5 năm.
Gửi lời cảm ơn người dân Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho biết: “Tôi và đảng Công lý và Phát triển không phải người chiến thắng duy nhất mà chiến thắng này thuộc về người dân Thổ Nhĩ Kỳ và nền dân chủ của đất nước. Giờ là lúc gác lại mọi tranh cãi liên quan đến vấn đề bầu cử. Đoàn kết sẽ mang lại sức mạnh để chúng ta thực hiện các mục tiêu quốc gia. Vì thế, chúng tôi kêu gọi các bạn hãy đoàn kết bằng cả trái tim mình”.
Bước sang nhiệm kỳ thứ ba, phía trước chính quyền ông Erdogan còn nhiều khó khăn và thách thức trong lẫn ngoài nước.
Trong nước, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là lạm phát. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Tỷ giá hối đoái của đồng USD và lira Thổ Nhĩ Kỳ đã rớt xuống mức thấp kỷ lục. Chính quyền Tổng thống Ergodan sẽ phải loại bỏ những vấn đề phát sinh từ việc tăng giá do lạm phát và bù đắp những tổn thất về phúc lợi cho người dân.
Một vấn đề khác là Thổ Nhĩ Kỳ phải vật lộn khắc phục khó khăn sau thảm họa động đất hồi tháng 2 vừa qua. Ngân hàng Thế giới ước tính trận động đất gây thiệt hại trực tiếp là 34,2 tỷ USD, tương đương 4% GDP năm 2021 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính chi phí phục hồi và tái thiết hạ tầng cơ sở, đời sống người dân sẽ tăng gấp đôi trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Trong vấn đề đối ngoại, Tổng thống Ergodan từng nhiều lần cáo buộc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không muốn ông tiếp tục lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, vị lãnh đạo bày tỏ mất niềm tin vào phương Tây và có thể tiếp tục khoét sâu vết nứt ngoại giao từ trước đến nay.
Thái độ không mấy lạc quan này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển xuất khẩu, kêu gọi vốn đầu tư của nước ngoài vào Thổ Nhĩ Kỳ để góp phần phục hồi nền kinh tế vốn chịu khủng hoảng sâu rộng.
Ngoài ra, việc ông Ergodan tái đắc cử cũng đặt ra câu hỏi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Dù bày tỏ thiện chí song trong nhiệm kỳ trước đây, ông Ergodan đã nhiều lần khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không “cầu xin” để được công nhận là thành viên đầy đủ của EU.
Như vậy, trong ngắn hạn, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU là khó xảy ra và cơ hội hợp tác thương mại với đối tác lớn nhất của họ là EU cũng sẽ phần nào hạn chế.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng là vấn đề thách thức trong nhiệm kỳ mới của ông Ergodan. Từ trước đến nay, vị Tổng thống này đã thể hiện thái độ cương quyết, cứng rắn trong vấn đề với Syria. Mối căng thẳng giữa hai nước sẽ tiếp tục là vấn đề nóng của khu vực trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Ergodan cũng có kế hoạch tương đối ôn hòa và mong muốn giảm căng thẳng với các nước láng giềng như Ả-rập Xê-út, Ai Cập hay Armenia. Điều này đặt ra hy vọng mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sẽ ngày càng tốt đẹp hơn trong nhiệm kỳ thứ ba này của Tổng thống Ergodan.