Thả cá thể vích về với biển

GD&TĐ - Ngày 30/10, BQL khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cho thả một cá thể vích trọng lượng 5kg về lại môi trường tự nhiên.

Con vích do vợ chồng chị Phượng cứu đã được thả về với biển.
Con vích do vợ chồng chị Phượng cứu đã được thả về với biển.

Trước đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (xã Triệu An, H.Triệu Phong) đánh bắt thủy sản ở phía Nam Cửa Việt đã phát hiện cá thể vích biển trên dạt vào bờ. Vợ chồng chị Phương cứu hộ và báo tin cho lực lượng chức năng tiếp nhận, chăm sóc.

Vích được coi như là “báu vật” đại dương, nằm trong Sách đỏ, cấm mua bán, vận chuyển trái phép. Loài rùa biển này phân bố khá rộng, hầu hết các vùng biển nhiệt đới, khí hậu ấm áp đều có sự xuất hiện của vích biển. Vích biển cũng được tìm thấy ở dọc theo bờ biển ở nước ta, trải dài từ Nam Định cho đến Kiên Giang và các đảo ngoài khơi.

Năm 2008, loài rùa biển này đã được Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đưa vào danh sách đỏ các loài bị đe dọa của IUCN, phụ lục I của công ước CITES, Công ước của Mỹ về bảo tồn rùa biển.

Đồng thời, các hoạt động tuyên truyền, ngăn chặn việc săn bắt vích biển và trứng của chúng cũng được diễn ra ở nhiều nơi. Việc này đã và đang thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ con vích biển và các loài động vật hoang dã.

Các biện pháp như xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, đưa rùa biển cái vào các trại giống để đẻ trứng cũng giúp tỉ lệ nở ra con non cao hơn và hạn chế mối đe dọa trong tự nhiên.

Mặc dù có phạm vi phân bố rộng, nhưng trong nhiều năm qua số lượng vích biển đang giảm đi nhanh chóng. Ngoài các mối đe dọa nêu trên thì kẻ thù lớn nhất của vích biển chính là con người. Do có giá trị cao nên người dân địa phương ở nhiều nơi vẫn thường xuyên đào bới tổ của con vích biển để lấy trứng.

Thậm chí, ở nhiều khu vực còn coi việc buôn bán trứng vích biển là hợp pháp nên tình trạng này diễn ra ngày càng khó kiểm soát. Tỷ lệ trứng vích biển có thể nở thành con cũng khá thấp cũng là một lý do khiến cho số lượng loài này bị giảm nhanh. Theo thống kê, chỉ có 0,2% trong số 11,5 triệu trứng nở thành công thành vích biển non.

Với các cá thể vích biển trưởng thành, chúng thường bị con người bắt để giết để làm thực phẩm, da, mai. Ngoài ra, vích biển cũng bị chết thường xuyên do va chạm với tàu thuyền và bị mắc lưới ngư dân. Bảo tồn các loài động vật hoang dã đang là vấn đề cấp thiết. Chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, nâng cao nhận thức của người dân là những việc cần thiết nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ