Tết về trên rẻo cao Nậm Hàng

GD&TĐ - Mùa xuân đã về, xuân đang gõ cửa từng nhà và mang đến những niềm vui nho nhỏ cho bản làng vùng cao.

Phiên chợ Tết vùng cao
Phiên chợ Tết vùng cao

Những ngày cuối đông, miền rẻo cao Tây Bắc chìm trong cái lạnh tê tái. Sương mù giăng mắc khắp nơi. Chợt nghe đôi câu hát từ radio:“...Thế là mùa xuân lại đến lập lòe hoa chuối đầu non/ Thế là bình minh lại hiền tay em chẳng muốn tung còn”. Mùa xuân đã về, xuân đang gõ cửa từng nhà và mang đến những niềm vui nho nhỏ cho bản làng vùng cao.

Xuân về mang theo những niềm vui...

Tiếng í ới gọi nhau, tiếng nói cười râm ran, tiếng lợn kêu, gà gáy khắp trong thôn, ngoài xóm khiến Lò Thị Ngoai ở Nậm Hàng (Nậm Nhùn, Lai Châu) chợt tỉnh giấc.

Chị vội đánh thức chồng dậy bắt con lợn Mán, gói thêm vài cân khoai, mớ rau cải nương rồi chất lên lưng ngựa. Hai vợ chồng mặc quần áo đẹp rồi gật gù nói với nhau:

“Mình đi chợ huyện rồi mang đến cho cô giáo Oanh để biếu cô một vài thứ ăn Tết nhé”. Ánh đuốc lập lòe rẽ màn đêm, soi rõ con đường nhỏ dẫn lối vợ chồng chị đi.

Thì ra cô Oanh là giáo viên đang dạy con gái vợ chồng chị. Cô là Dương Thị Kim Oanh – Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Nậm Hàng.

Từ miền quê Ninh Bình, cô đã tình nguyện lên vùng đất khó để cắm bản, bám trường, bám lớp và dạy chữ cho học sinh dân tộc nơi đây được hơn 10 năm. Vì thế mà cô đã trở thành người con của quê hương Nậm Hàng.

Cũng nhờ có những giáo viên như cô Oanh mà các con của chị Ngoai, của bản làng Nậm Hàng mới biết đọc, biết viết, biết cộng trừ, nhân, chia. Và cũng nhờ đó mà bà con người Mông, người Dao mới biết được sự học quan trọng như thế nào với cuộc sống của họ.

Chợ huyện ngày cuối năm đông hơn mọi khi. Ai cũng ăn mặc đẹp với váy áo truyền thống của dân tộc, trông thật rực rỡ, hàng hóa chất đầy khắp chợ, lữ khách khắp nơi tìm về khiến chợ càng thêm đông vui.

Chị Ngoai không dấu nổi niềm vui và không khỏi tự hào khi dắt theo con đứa gái là Lò Thị Hồng đi cùng để mua bán, sắm sửa, lo cho ngày Tết. Hồng là con gái đầu của vợ chồng chị.

Năm nay nó học lớp 9. Trước kia, khi nó còn nhỏ việc mua bán của vợ chồng chị thường được giao dịch bằng việc trao đổi hàng hóa. Có khi để được bộ váy mới thì chị phải mất một con lợn hoặc con gà.

Thế nhưng giờ đây có conHồng đi cùng, chị đã tự tin hơn, có gì nó sẽ tính toán giúp mẹ. Chị thấy vui lắm và thầm cảm ơn các cô giáo, thầy giáo nơi đây.

Chị bảo: “Tết này, ta bảo nó dạy chữ cho vợ chồng ta để còn xem ti vi. Ta hiểu rồi, biết chữ sẽ biết tất cả, cái bụng sẽ không còn sợ đói. Ta nhất định sẽ không cho các con nghỉ học ở nhà. Nhất định phải đi học thôi”.

Phía xa xa nơi góc chợ huyện là hai em bé Lý A Sèo và Giàng A Chứ cùng chúng bạn xúng xính trong bộ quần áo mới lẽo đẽo theo sau bố mẹ. Sèo hồn nhiên kể:

“Năm nay cháu và các bạn trong thôn đều được đi học, không có đứa nào phải bỏ học giữa chừng như mấy năm trước. Đi học còn được ăn no, được thầy, cô giáo tặng quà, được biết cái chữ và biết tính toán để đi chợ cùng bố mẹ. Thích lắm chú ạ. Hôm nay mẹ mua quần áo mới để cháu mặc ngày Tết. Tết xong chúng cháu lại mặc đi học, không ở nhà đâu”.

Vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ

Vượt hàng chục cây số đường rừng, chúng tôi tìm đến nhà cô Oanh. Ngôi đã được dọn dẹp gọn gàng và trang hoàng thật đẹp để đón Tết. Một cành đào xinh xinh với vô vàn nụ đang e ấp được để trong phòng khách.

Phía góc vườn là một vài con gà mái hoa mơ đang tỷ mẩn nhặt từng hạt thóc. Xa xa ở phía góc sân là một vài mớ rau cải nương xanh mướt. Cô Oanh cho hay:

“Đó là quà của các phụ huynh tặng gia đình để ăn Tết. Bà con dân bản ở đây thật thà lắm, giữa chúng tôi và họ gần như không có khoảng cách. Tết đến mọi người quây quần giúp đỡ nhau những công việc thường nhật”.

Theo cô Oanh, thật ra người dân ở đây rất hiếu học. Quan trọng là phải biết cách để khơi dậy phẩm chất tốt đẹp này của họ. Vì vậy ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc thì công tác tuyên truyền vận động cũng cần được quan tâm hàng đầu.

Cô Oanh bộc bạch: “Điều mà giáo viên chúng tôi trăn trở và lo lắng nhất là: sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, học sinh mải vui mà quên đến trường. Hay còn có những trường hợp bố mẹ không cho các em tiếp tục đến lớp để ở nhà làm nương, hoặc lấy vợ, lấy chồng.

Do đó để các em không bỏ học, chúng tôi không quản ngại khó khăn, vất vả bám trường, bám lớp, đầu tư nhiều thời gian để nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em, từ đó động viên, khuyến khích các em hăng say học tập và đến lớp đầy đủ”.

Chính vì vậy mà ngày Tết chính là cơ hội để cô Oanh và các giáo viên cắm bản thực hiện điều này. Vào những ngày Tết, cô và các đồng nghiệp thường đến nhà các bậc phụ huynh, ăn vài miếng bánh truyền thống, hút vài hơi rượu cần và gửi cho nhau những lời chúc mừng tốt đẹp đầu năm mới.

Xong rồi khéo léo vận động để họ không cho con em bỏ học sau Tết. “Ngày Tết của những giáo viên cắm bản như chúng tôi là thế, vui xuân mới nhưng vẫn không quên nhiệm vụ. 

Nhờ đó mà những năm gần đây tỷ lệ chuyên cần ở trường tôi đạt trên 95%. Đến sau ngày 15 tháng Giêng thì tỷ lệ này chắc chắn đạt 100%" – Cô Oanh hồ hởi chia sẻ.

Có thể nói, rẻo cao Nậm Hàng còn nhiều gian khó nhưng chứa trong mình biết bao vẻ đẹp đằm thắm. Không khí Tết đến, xuân về đã trộn rộn khắp nơi. 

Chia tay cô Oanh và những con người hồn hậu nơi đây khi bóng chiều đã lảng vảng sườn non, lòng chúng tôi khấp khởi niềm tin: Sự học nơi đây sẽ tiếp tục đua nở như hoa ban, hoa đào mùa xuân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.