(GD&TĐ) - Người Việt Nam có tập quán đón Tết truyền thống “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Điều đó cho thấy đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc, cho dù mỹ tục ấy không hẳn ai cũng giữ được và ít nhiều đã phai nhạt theo hoàn cảnh. Nhưng trong tâm thức người Việt, cho dù thế nào đi nữa, nhớ về người thầy trong những ngày vui Tết là truyền thống không bao giờ mất.
1. Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ đến nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, người đã vượt lên hoàn cảnh, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh làm thầy. Năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký đã bị liệt hai tay. Lên 7 tuổi, thấy bạn bè đi học, Ký đã không ngại khó khổ, tập viết bằng chân. Cứ thế, từng ngày, từng ngày, Nguyễn Ngọc Ký phấn đấu rèn luyện, trưởng thành, hơn thế nữa còn làm được nghề dạy học. Năm nay đã là năm thứ 37 ông làm thầy, cho dù về nghỉ hưu, nhưng ông vẫn sống như một người thầy. Những ai từng được học qua lớp của thầy Ký sẽ mãi mãi không thể nào quên hình ảnh của ông, tấm gương của ông. Không đứng trên bục giảng nhưng ông vẫn làm thơ, viết văn, vẫn cộng tác tư vấn tâm lý học đường cho bạn trẻ qua tổng đài 1088. Đã thế, ông còn thực hiện trên 1.200 buổi giao lưu với học sinh, sinh viên. Những ngày Tết đến với ông là những ngày vui, vì cho dù không đi đâu được xa, nhưng xung quanh ông có rất nhiều học trò, trong đó có cả những học trò tóc đã mang màu sương gió thời gian. Trong một bài thơ, ông viết:
Xuân không đến từ trời
Xuân không sinh từ đất
Những phút giây lòng ta vui nhất
Xuân ùa về ríu rít chồi tơ
“Chồi tơ”là sức sống mới mà cũng là lũ học trò vô cùng thân thiết với ông.
Nói về câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, ông chia sẻ, câu này người xưa đúc rút có ý nhắc nhở các thế hệ học trò rằng Tết là những ngày vui nhất trong năm, những ai đã đi qua tuổi học trò đừng bao giờ quên công lao của thầy cô. Ông nói thêm, ngoài câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” còn có một phiên bản khác là “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết chú, mùng 3 Tết thầy”. Nghĩa là mùng 1, mùng 2 thì dành những tình cảm thân thương nhất cho những người thân yêu ruột thịt, mùng 3 Tết thì dành tình cảm cho thầy, cô giáo. “Nói vậy không có nghĩa là thầy đứng vị trí thứ ba một cách rất định lượng, mà chỉ có ý rằng trong dịp Tết, đừng quên công lao của thầy. Nếu có điều kiện thì hãy đến thăm viếng, chúc Tết thầy. Đó là hạnh phúc của thầy mà cũng là niềm vui của trò”, ông nói. Ông kể, suốt cuộc đời gắn bó với nghề làm thầy của mình, ông đã trải qua nhiều việc rất đáng nhớ. Theo tập tục, ngày xưa, dịp Tết, hầu hết học trò đều mang gạo, bánh chưng- những gì quý giá nhất đến biếu thầy. Đó là tấm lòng, tình cảm rất vô tư. Còn ngày nay, cơ chế thị trường đã len lỏi vào mọi góc độ của cuộc sống, nhưng đối với tình nghĩa thầy-trò thì hầu như vẫn vẹn nguyên. “Có những học trò lâu ngày gặp lại tôi, ôm tôi, òa khóc vì xúc động. Đó là những giây phút rất hạnh phúc”, ông bồi hồi nhớ lại. Nhưng dù thế, thầy Ký vẫn lấy làm buồn vì trong số học trò đến thăm vẫn còn có người đến với mục đích lấy lòng thầy. “Thậm chí có những học trò mang theo những món quà rất lớn nhưng rồi sau đó mất hút. Đó cũng là một vấn đề trong cuộc sống hiện đại mà khi ngẫm lại cũng hơi buồn. Nhưng mà thôi, cuộc sống là thế, bên cạnh những mặt tốt cũng có những mặt trái mà ta phải chấp nhận.
Nữ ca sĩ Hồng Nhung và thầy chủ nhiệm của chị thời THPT |
Một đời làm thầy, có chừng mươi học trò nhớ đến mình là đã hạnh phúc lắm rồi!”, ông nói. Về điều này, cũng trong một bài thơ, thầy Ký viết:
Điều duy nhất tháng ngày tôi mơ đến ở các em
Không phải là những cánh thư lưu luyến
Cũng không phải là ở những cuộc viếng thăm
Mà chính ở tấm lòng rộng lớn mênh mông
Hay nói cách khác là ở những chiến công
Thực sự thì học trò đến với thầy cô trong dịp Tết không chỉ để tỏ lòng kính trọng thầy cô, mà cũng là niềm vui được đến với những người dạy dỗ mình nên người trong những ngày vui chung của dân tộc. Cũng không quá máy móc rằng cứ phải mùng 3 Tết thì phải đến nhà thầy cô, mà có thể đến bất cứ ngày nào trong dịp nghỉ Tết. Đến với thầy, cô bằng tấm lòng biết ơn chân thành chứ không nhất thiết phải đến như một cái lệ buộc phải đến; càng không cần phải “mâm xôi thủ lợn” Tết thầy; cũng càng không cần phong bao phong bì- mà quan trọng là niềm vui thầy- trò ngày Tết. Đến với thầy, cô dịp Tết là đạo lý chứ không phải là sự bắt buộc, càng không thể là dịp để “lấy lòng” thầy cô để mong được ưu ái hơn.
Quay lại câu chuyện của thầy Nguyễn Ngọc Ký, ông cho biết, dịp Tết vẫn thường đến thăm một số người thầy tiêu biểu trong đời, mà một trong những người thầy ấy là Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai. Ông tâm sự, “Tôi sắp xếp đến thăm thầy từ trước Tết vì trong những ngày Tết e rằng có việc nọ, việc kia. Trong năm, khi có những vui buồn gì, tôi cũng đến thăm thầy như một dịp để chia sẻ”. Nói về thế hệ trẻ, thầy Ký cho rằng, các em cứ thành đạt, trở thành những công dân hữu ích, cứ chinh phục những đỉnh cao tài năng- đó đã là món quà vô giá các em tặng thầy. Hôm nay, các em mong muốn làm giàu cho bản thân là chính đáng nhưng đừng quên chữ hiếu, đừng quên cộng đồng, đất nước; cần hài hòa giữa những mong muốn, suy nghĩ thực tế cho bản thân với những lý tưởng sống cao đẹp vì cộng đồng- ông chia sẻ.
2. Xung quanh chuyện “Tết thầy”, trước biến động của cuộc sống, đôi khi mỹ tục ấy trở thành hủ tục, do bị lợi dụng, làm cho méo mó, chuyển sang một ý nghĩa khác. GS Phạm Tất Dong từng nói rằng, ông rất không hài lòng khi mà “ngày nay, cả làng đi Tết thầy”, ngày Tết như đến thầy để trả công. Hiện tượng này, nó như phản ứng dây chuyền, người này Tết thì người kia cũng phải Tết. Không ai là dám không đi tết thầy ngày Tết. Cái dở bây giờ là thế, nó như một công việc phải làm, bố mẹ không đi Tết thầy lại áy náy, thầy sẽ nghĩ sai. Từ chuyện này ông cho rằng, ngày nay học trò nào có điều kiện thì nên đi Tết thầy. Bên cạnh đó, các thầy giáo cũng không nên nhận quà của học sinh nhất là học sinh nghèo.
Nhà tâm lý Đinh Đoàn cũng đưa ra nhận xét, không ít bậc phụ huynh ngày Tết đến thăm thầy với mục đích nhờ vả, để thầy cô chú ý đến con mình. Không nên biến một cách hành xử mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp Tết thầy thành chuyện thương mại hóa.
Trong một lần trò chuyện, PGS Văn Như Cương kể rằng, ngày xưa khi ông còn bé, có người mang con gà đến biếu cha ông (cũng là nhà giáo). “Tôi thấy thầy tôi trả lại. Cậu học trò đó nói rằng: "Thưa thầy, gà này là nhà con nuôi được”. Thầy tôi rất cảm động với tấm lòng của cậu học trò đó. Còn ngày nay, truyền thống này vẫn duy trì nhưng trong thời buổi “Phú quý sinh lễ nghĩa” thì nhiều người hay kèm theo món quà đắt giá hơn”. Đồng thời ông cho rằng, nay nhiều người nói đến chúc Tết thầy cô giáo với ý thương mại hóa quá, nhưng thực ra thì cũng ít thôi. “Tôi thấy chưa đến mức để nói là thương mại hóa. Thường đa số học trò đến chúc Tết thầy bằng cả tấm lòng. Trong cả năm, họ không biết thể hiện tình cảm của mình như thế nào với thầy nên nhân dịp ngày Tết đến thăm thầy, chúc Tết thầy đó là điều tốt đẹp”, ông nói.
Tương tự, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ngày Tết học trò đến thăm thầy không có gì lạ, thể hiện tình cảm quý mến thầy, cô. “Tôi cho rằng, số đông học trò vẫn chân thành thể hiện tấm lòng của mình đúng mức. Còn một số phụ huynh học sinh lợi dụng ngày Tết để biếu xén thầy thì cả hai bên đều phải cảnh giác. Thực ra cũng chỉ vài ba em đi cùng cha mẹ đến chúc Tết thầy cô. Dư luận không nên lên án các thầy, như thế ảnh hưởng đến tình cảm thầy và trò”, ông phân tích.
3. Tết đang về, từ câu chuyện “Tết thầy” phải chăng chúng ta cũng nên dành chút ít thời gian nghĩ về việc không phải thầy cô giáo nào cũng có tiền thưởng góp vào cái Tết cổ truyền. Nhiều thầy cô giáo dạy học xa nhà, tận vùng cao, vùng sâu, vùng xa, quanh năm com cóp được một ít tiền, thì vé tàu xe, quà cáp cho người thân, tiền lì xì cho các em các cháu... cũng đã là chuyện rất khó. Nhưng vượt lên khó khăn vất vả, vượt lên thiếu thốn vật chất, các thầy cô giáo vẫn hết lòng vì học sinh thân yêu. Nói như thầy Trần Duy Hùng, Trường THCS Sơn Ba huyện vùng núi Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi, thì chuyện thưởng Tết "ngỡ chừng rất xa vời", nhưng "học sinh đều đặn đến lớp, không bỏ học dở chừng xem như là phần thưởng Tết lớn lao đối với chúng tôi rồi". Năm nay cũng như các năm trước, cảm động trước tấm lòng nhân ái của thầy, cô giáo, trước kỳ nghỉ Tết bà con người Cor, H’re, CaDong... lại gửi biếu thầy cô bó rau, ít măng rừng hay ký cá niêng bắt được ở suối.
Điều đó không phải là ngọn gió ấm đang về cùng mùa Xuân đất trời đó sao?
Gia Linh