Tết ông Công - ông Táo: Ca ngợi tình người, mong ước ấm no

GD&TĐ - Ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công - ông Táo, cũng là thời điểm nhắc nhở mỗi người về một năm mới sắp đến.

Tranh dân gian diễn tả về gia đình Táo quân.
Tranh dân gian diễn tả về gia đình Táo quân.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người chỉ biết lễ “tiễn” mà quên đi lễ “đón”. Thêm vào đó là sai lầm trong cách hiểu thông điệp cũng như cách thức cúng tế cổ truyền gây lãng phí và phản cảm.

Khát vọng người xưa

Dưới góc độ nghiên cứu lịch sử văn hóa, GS Lê Văn Lan cho biết, nguồn gốc việc cúng tiễn ông Công - ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp là ngày lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Đây cũng là ngày đánh dấu thời điểm bắt đầu vào Tết.

“Ngày trước, các cụ gọi ngày này là “tiễn Táo quân về trời”. Khoảng chục năm nay, người dân gọi là Tết ông Công - ông Táo. Tập tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, cung cấp sự sống cho con người bằng việc sưởi ấm, đun chín thức ăn. Đó cũng là hình tượng trong cõi tâm linh về ông vua Bếp.

Sau này, dựa trên các sự tích liên quan đến bếp lửa, dân gian mới sáng tạo ra câu chuyện “hai ông, một bà” nhưng vẫn có ý nghĩa mong muốn một cuộc sống no đủ, bếp gia đình lúc nào cũng đỏ lửa”, GS Lê Văn Lan cho hay.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền khẳng định, phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc Việt từ xưa không phải là hủ tục mê tín mà bắt nguồn từ tín ngưỡng văn hóa dân gian. Tín ngưỡng này có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công - Thổ Địa - Thổ Kỳ của đạo Lão bên Trung Quốc.

Khi du nhập vào Việt Nam, theo thời gian đã được ông cha ta “Việt hóa” thành sự tích “hai ông một bà” – tức thần Đất - thần Nhà – thần Bếp. Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ban thờ trang nghiêm, sắp mâm cỗ, mua vàng mã, cá chép, hương hoa... để tiễn ông Công – ông Táo về chầu trời.

Cũng theo vị chuyên gia này, sự tích ông Công - ông Táo với mối quan hệ “hai ông một bà” phát xuất từ văn hóa cổ, khi loài người đang ở chế độ quần hôn chuyển sang chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Việt Nam là đất nước văn minh lúa nước nên đất không chỉ là nơi trồng cấy, mà còn là vị thần tối thượng. Điều đó phần nào lý giải thêm câu chuyện về thần Đất. Trong bếp của các gia đình người Việt xưa thường có 3 ông đầu rau, tức là 3 hòn đất nặn dùng để kê nồi đun bếp.

Vào thời điểm 23 tháng Chạp, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc và phải đắp 3 ông đầu rau mới thay 3 ông đầu rau cũ. Sau đó, người dân tổ chức cúng để 3 ông đầu rau bay lên trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều được – mất, may – rủi của gia chủ trong một năm qua.

Hiểu đúng để làm đúng

Theo văn hóa và cách ứng xử của biến động xã hội từng thời kỳ lịch sử, mà người dân sáng tạo thêm những câu chuyện khác liên quan đến nguồn gốc của ngày lễ ông Công - ông Táo. Tuy nhiên, dù ở hình thức nào thì ngày lễ này cũng chung một thông điệp là ngợi ca tình nghĩa con người và mong ước cuộc sống ấm no.

Theo giải thích của GS Lê Văn Lan: Ông Công - ông Táo lên trời báo cáo thỉnh thị Ngọc Hoàng trong 7 ngày (từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp). Những năm lịch âm không có ngày 30 thì phải làm lễ đón ông Công - ông Táo về vào ngày 29 tháng Chạp.

Tuy nhiên, nhiều gia đình chỉ tổ chức lễ “tiễn” chứ không biết đến ngày “đón” ông Công – ông Táo về nhà. Thậm chí nếu có, thì lễ “đón” lại rất sơ sài, thiếu trang trong và thành tâm.

Như mọi lễ cúng khác trong năm, lễ cúng ông Công - ông Táo thường cũng đủ vàng mã, hương hoa, lễ chay hoặc mặn. Lễ vật cúng thường có 3 mũ Táo quân (2 mũ đàn ông và một mũ đàn bà), 3 bộ quần áo (2 bộ đàn ông, 1 bộ đàn bà) và 3 đôi hia hài. Ngoài ra, gia chủ có thể chuẩn bị thêm một số tiền giấy, vàng thoi và cá chép giấy nếu không cúng cá chép sống.

Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công - cai quản đất đai trong nhà nên được cúng trên bàn thờ chính. Ông Táo là vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp.

Tuy nhiên, theo giải thích của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Tất cả các vị thần đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Chức năng của bếp là nơi đun nấu, không phải nơi để cúng lễ. Mâm cỗ cúng ngày 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong ngôi nhà.

Ngày nay, theo quan niệm mới cũng là ảnh hưởng của thói “phú quý sinh lễ nghĩa” mà nhiều người hiểu sai dẫn tới sự phô trương, rình rang thái quá. Không chỉ sắm cho ông Công - ông Táo nhà lầu xe hơi, máy bay, mà còn xì gà với thuốc thơm. Thậm chí, cá chép vàng được thay thế bằng những loài cá hiếm và đắt tiền như cá đỏ, cá koi hoặc cá rồng…

Trong khuôn khổ văn hóa Việt được tổ chức thường niên vào ngày 4/2 tại số 76 Yên Phụ (Tây Hồ - Hà Nội), GS Sử học Lê Văn Lan - gương mặt quen thuộc với công chúng quan tâm đến văn hóa – lịch sử Việt Nam sẽ lý giải nguồn gốc và các nghi lễ ngày Tết. Công chúng sẽ cùng tham gia hoạt động “gửi” ông Công - ông Táo các bộ quần áo mới làm bằng giấy, thả cá của riêng mình vào hồ Tây để “gửi đi bản tấu của gia đình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.