'Tết này đã sắm sanh được gì?'

GD&TĐ - Đó là câu cửa miệng mà các bà nội trợ thường hỏi thăm nhau những ngày giáp Tết thời bao cấp trước đây.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có lẽ bây giờ, chẳng ai còn hỏi thăm nhau như thế. Cuộc sống tiện nghi đủ đầy khiến chúng ta không còn quá bận tâm đến việc chuẩn bị cái ăn, cái mặc cho mấy ngày Tết nữa. Theo đó, không khí chờ đón Tết cũng chẳng được mặn mà như trước kia!

Nhìn lũ trẻ mấy hôm nay được nghỉ Tết, mỗi đứa một góc ôm lấy chiếc điện thoại thông minh, tìm niềm vui ảo trên mạng xã hội, tôi lại nhớ về năm tháng trẻ thơ những ngày giáp Tết Nguyên đán với tất cả sự háo hức mong chờ.

Với chúng tôi thời ấy, không khí Tết đã về trước đó gần hai tháng. Lũ trẻ nghịch ngợm rủ nhau đạp xe mười mấy cây số từ nội thành Hà Nội vào làng Bình Đà (tỉnh Hà Tây cũ) để mua thuốc pháo về tự cuốn lấy. Tiếng pháo nổ vang khắp khu phố làm tâm trí chúng tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Tết; việc học tập cũng vì thế mà chểnh mảng, bị cô giáo và phụ huynh nhắc nhở.

Trẻ con ham chơi là vậy, nhưng với người lớn như bố mẹ tôi, thì lại có những suy nghĩ riêng. Tết là qui luật của thời gian, là dịp nghỉ ngơi vui vẻ đầm ấm bên gia đình nên phải luôn chuẩn bị đủ đầy tươm tất để con cái đỡ so sánh, tủi thân; qua đó cũng thấy được sự thiêng liêng của ngày Tết. Biết rằng, Tết đến, có nhiều cái lo hơn, nhưng đổi lại là niềm vui khi nhìn thấy các con hạnh phúc.

Để chuẩn bị đón Tết, bố tranh thủ những ngày phép cuối năm, mua vé tàu về quê thăm anh em họ hàng. Quà cáp mang theo đôi khi chỉ là những bộ quần áo cũ và không thể thiếu quà Tết mà người quê rất thích, đó là bánh kẹo, mứt Tết; hoặc những chai rượu hương mơ, hương cà phê, hương chanh bố mua tại Nhà máy rượu Hà Nội.

Lúc trở ra, họ hàng lại biếu cơ man là gạo nếp, đậu xanh, lạc nhân. Thế là, cái không thể thiếu được ngày Tết là nồi bánh chưng đã cơ bản hoàn thành.

Về phần mẹ, những tháng cuối năm, bà luôn tất bật với nồi cám bã cho lợn, vì đó chính là khoản tiền có món duy nhất để sắm sanh dịp Tết. Bổ sung thêm chút đầu cá, bã rượu, rau xanh vào khẩu phần ăn của hai chú lợn lai kinh tế cho chóng béo, tăng được cân nào thêm tiền cân ấy. Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm giá lợn hơi biến động tăng lên từng ngày.

Trước ngày 23 tháng Chạp, anh em tôi cùng nhau phụ giúp bố dọn dẹp ban thờ, lau chùi nhà cửa, quét mạng nhện... Ngày Chủ nhật, bố đạp xe lên phố Nguyễn Khuyến mua túi vôi ve về quét lại toàn bộ tường nhà cho sạch sẽ. Bố bảo, năm mới ai cũng diện quần áo mới thì nhà cửa cũng phải khoác lên cho nó chiếc áo mới sáng sủa tinh tươm đón Tết. Bức tường cũ đầy những vết ố mốc, long lở, chỉ sau những nhát chổi đót đều tay của bố đã rạo rực một màu xanh dịu mát, làm sáng bừng không gian ngôi nhà nhỏ.

Nhộn nhịp chợ hoa, cây cảnh những ngày cận Tết. Ảnh: ITN.

Nhộn nhịp chợ hoa, cây cảnh những ngày cận Tết. Ảnh: ITN.

Tôi luôn chờ mong đến Tết để được ăn những chiếc bánh “săm-pa” giòn tan, thơm phức mùi vừng rắc trên bánh.

Để có được mẻ bánh đãi khách, mẹ cũng phải tích trữ bột mì, đường kính từ cả tháng trước. Đúng ngày ông Công, ông Táo chầu trời, mẹ xách giỏ trứng gà đi trước, tôi lẽo đẽo mang túi bột mì phía sau đến nhà ông Hạ đầu phố để thuê nướng bánh. Người thợ làm bánh công khai nhào bột, đập trứng, vào khuôn trước sự chứng kiến của khách hàng rồi mới đưa bánh vào khay cho vào lò nướng.

Bánh sau khi nướng xong, mang về được cha cho vào túi ni lon buộc kín cho khỏi ỉu. Nhưng chưa đến Tết mà túi bánh đã hao đi non một nửa vì thi thoảng, anh em tôi lại tháo túi ra nhón trộm ăn vài chiếc.

Những ngày giáp Tết, thời gian như trôi nhanh hơn, đường phố hối hả người qua lại. Từ sáng sớm, đã nghe thấy tiếng tàu điện leng keng chạy qua phố Bạch Mai, trên tàu đông nghịt quang gánh, thúng mẹt của những bà tiểu thương mang hoa tươi từ làng hoa Nhật Tân, hay rau củ được trồng từ bên kia cầu Long Biên xuống chợ Mơ bán Tết.

Quầy bách hóa tổng hợp đầu ô Cầu Dền chưa mở cửa mà đã có rất đông người xếp hàng chờ sẵn.

Trước khi đi làm, mẹ giao nhiệm vụ cho tôi rửa sạch mấy bó lá dong hong khô ráo nước để chiều về bố gói bánh chưng. Gạo nếp, đậu xanh mẹ đã chuẩn bị từ sớm. Những miếng thịt ba chỉ cũng đã được thái từng miếng to đùng, tẩm ướp, rắc hạt tiêu thơm phức. Chiếc chiếu hoa được trải giữa sân, cả nhà quây quần mỗi người một việc phụ giúp bố. Những chiếc bánh chưng vuông vức, dưới bàn tay khéo léo của bố lần lượt hoàn thành, có cả những chiếc bánh nhỏ xíu bố gói dành riêng cho tôi.

Vừa gói, bố vừa chỉ cho anh em tôi cách thức làm sao để gói một chiếc bánh chưng cho đẹp, nhưng quan trọng là phải chặt tay để khi luộc khỏi bị tràn nhân bánh ra ngoài.

Giờ mong chờ nhất đã đến, những chiếc bánh chưng được xếp kín vào vỏ chiếc thùng phuy tận dụng. Bố đổ nước đầy thùng. Mẹ bê ra một bó củi, toàn những thanh to chắc nịch. Lửa được nhóm lên, chỉ một loáng, những thanh củi được đốt cháy thành than hồng rực; những thanh củi mới thêm vào kêu tí tách, mùi khói lan tỏa khiến mắt tôi cay xè.

Bên ấm trà mạn đặc quánh, mấy người hàng xóm sang chơi ngồi quây quanh nồi bánh chưng, câu chuyện rôm rả đến tận đêm khuya. Trời gần sáng, mẹ ghé cạnh bếp củi một nồi nhôm to bên trong là những bó lá mùi già. Ngày mai, cả nhà sẽ tắm táp bằng nước mùi già nóng hổi, thơm tho để rũ bỏ năm cũ, đón chào năm mới.

Sáng 30 Tết, mùi thơm nức mũi lan tỏa khắp không gian ngôi nhà nhỏ. Bố tranh thủ ra chợ hoa từ sớm để chọn những bông hoa mới hái còn tươi sương. Vẫn là những bông hoa đồng tiền, lay-ơn, vi-ô-lét tạo thành một bó hoa đầy màu sắc cắm vào lọ, để trên bàn nước phòng khách.

Anh em chúng tôi bắt đầu lục tủ tìm những bộ quần áo đẹp nhất diện Tết. Bố mẹ thường nói: Ngày thường có thể mặc gì, ăn gì cũng được, nhưng ngày Tết, nhất định phải đủ đầy, tươm tất. Chúng tôi hiểu, để có được một cái Tết ấm no cho anh em chúng tôi, bố mẹ đã phải cố gắng rất nhiều.

Chiều mùng 1 Tết, những người hàng xóm đầu tiên sang chúc Tết. Mở đầu câu chuyện đầu năm, thể nào cũng hỏi thăm nhau những câu đại loại: “Năm nay, nhà bác ăn Tết to không? Nhà gói được bao nhiêu chiếc bánh chưng?”. Đó là những câu hỏi rất chân thực thể hiện tình làng nghĩa xóm, quan tâm đến đời sống của nhau. Câu trả lời chính là thước đo thành quả của một năm lao động để Tết đến, Xuân về được no ấm, đủ đầy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.