'Tết năm cùng' của người Dao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Tết năm cùng' là một trong ba cái Tết quan trọng trong một năm của cộng đồng người Dao quần chẹt ở xứ Thanh.

Mâm cơm trong ngày Tết năm cùng của người Dao phải được bày trong lá chuối.
Mâm cơm trong ngày Tết năm cùng của người Dao phải được bày trong lá chuối.

“Tết năm cùng” được người Dao tổ chức vào đầu tháng Chạp kéo dài đến Tết Nguyên đán.

Tết trọng của năm

Có dịp về Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc - nơi có đồng bào Dao quần chẹt sinh sống những ngày cuối năm, bạn sẽ cảm nhận được không khí Tết đang đến rất gần. Nơi đây, từ đầu tháng Chạp, người Dao đã bắt đầu ăn Tết năm cùng - một trong ba cái Tết quan trọng nhất trong năm của đồng bào.

Một năm, đồng bào Dao có ba Tết lớn là Tết Thanh minh, Tết Rằm tháng Bảy và Tết năm cùng. Trong đó quan trọng có ý nghĩa nhất vẫn là Tết năm cùng. Thời điểm những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, người Dao sẽ tổ chức Tết để báo cáo và tạ ơn đối với ông bà tổ tiên về kết quả một năm lao động. Đồng thời, cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ, giúp đỡ cho gia đình, gia tộc và bản làng bước sang năm mới làm ăn thuận lợi.

Để chuẩn bị cho Tết năm cùng, ngay từ trước đó vài tháng, đồng bào Dao ở Thanh Hóa đã chọn giống lợn, giống gà tốt, chăm thả và vỗ béo để có nguồn thực phẩm dồi dào, sau đó là chuẩn bị gạo nếp dẻo thơm và nguyên liệu làm bánh…

Từ bao đời nay, người Dao có một quy định chặt chẽ, Tết năm cùng được tổ chức trước ở nhà trưởng họ, sau đó mới đến các gia đình khác và kéo dài đến Tết Nguyên đán. Mỗi gia đình tổ chức Tết năm cùng sẽ chuẩn bị từ 10 đến 20, thậm chí 30 mâm cỗ.

Trong dịp này, các gia đình tề tựu đến nhà trưởng họ, ai có gì góp nấy, nhà góp gà, nhà góp gạo nếp, chai rượu... không bắt buộc. Mọi nhà đều tự giác góp lương thực, thực phẩm để cùng trưởng họ làm một cái Tết thật vui, báo hiếu ông bà, tổ tiên, dòng họ.

Khác với các dân tộc khác, người Dao không có Tết ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, đồng bào chỉ đón ông Táo vào đêm Giao thừa, đến ngày mùng Ba Tết lại tiễn ông Táo đi và vào Rằm lại đón về.

Lễ vật trong Tết năm cùng là những sản vật, thành quả lao động sau một năm sản xuất do đồng bào làm ra. Tuy nhiên, trong mâm cơm cúng không thể thiếu ba thứ là thịt lợn, gà và bánh giầy. Lợn phải mổ nguyên con, thủ lợn được dùng để làm lễ cúng, phần còn lại được chế biến thành các món ăn.

Để có bánh giầy dẻo thơm, trắng ngần, bà con sau khi thu hoạch đã chọn ra những bông nếp to, hạt mẩy để riêng ra từng lọn. Đến Tết, những người phụ nữ khéo tay được phân công xay, giã, dần, sàng, đồ xôi quạt cho nguội bớt, tiếp đó chọn những trai khỏe mạnh, dẻo dai nhất bản đảm nhiệm việc giã bánh.

Bánh giã nhuyễn được ông trưởng họ vắt ra thành từng chiếc, bên trên rắc muối vừng đặt lên trên lá chuối, sắp thành mâm và dâng lên tiên tổ. Mẻ bánh đầu tiên không ai được nếm hay thử vì đây là mẻ bánh dành để cúng tổ tiên.

Trong mâm cơm cúng Tết năm cùng không thể thiếu bánh giầy.

Trong mâm cơm cúng Tết năm cùng không thể thiếu bánh giầy.

Bánh giầy được làm từ xôi được giã nhuyễn.

Bánh giầy được làm từ xôi được giã nhuyễn.

Phụ nữ đảm nhiệm việc nấu nướng.

Phụ nữ đảm nhiệm việc nấu nướng.

Lễ cúng phải đủ ba thầy mo

Trong Tết năm cùng của đồng bào Dao xứ Thanh thì nghi lễ cúng là phần quan trọng nhất vì phải có ba thầy cúng thông thạo tiếng Dao cổ hành lễ. Trong tín ngưỡng thờ cúng, đồng bào Dao chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo.

Ba mâm lễ lần lượt được bày biện thành kính để cúng hương hỏa tổ tiên (những bậc cao niên trong gia đình), cúng Bàn vương (thủy tổ của người Dao) và cúng quần chúng gia tiên (những người nhỏ hơn trong gia đình như vợ, con...).

Đàn lễ là một miếng ván dài và phẳng, trên đặt bát hương, lễ vật gồm có: Thủ lợn, 4 chân giò để sống, tim gan và một miếng thịt chín. Các loại thịt, lòng, gan được thái nhỏ, trộn đều và dồn vào miếng lá chuối lớn gọi là cỗ lá.

Lễ vật còn có một con gà trống luộc chín, 12 chiếc bánh giầy tượng trưng cho 12 tháng trong năm, 1 chén nước, 5 chén rượu, trầu cau.

Lễ vật đầy thịt cũng là mong ước cho một năm mới đủ đầy và sung túc của người dân. Thay cho tiền vàng mã, người Dao cắt những tờ giấy màu vàng, bạc thành từng thỏi và “triện” dấu lên đó.

Phía dưới đàn thờ còn có những xấp giấy bản gấp thành từng thỏi và để phẳng đặt trên chiếc mâm gỗ hoặc đan bằng mây tre dâng lễ cho những linh hồn khác. Khi việc chuẩn bị đã hoàn tất, ông trưởng họ lên hương, rót nước, rưới trên bàn thờ tổ rồi mời các thầy cúng có uy tín trong làng, trong vùng làm lễ.

Trong lễ cúng tổ tiên, người Dao không dùng hương để đốt mà dùng một thứ vỏ cây mỏng rất thơm đựng trong cái chén nhỏ. Mỗi lần đốt vỏ cây lại phải dùng một viên than hồng để đốt cùng, cho đến khi nào cái chén đầy than và vỏ hương mới thôi.

Tết năm cùng của người Dao bắt buộc phải có 3 mâm cúng.

Tết năm cùng của người Dao bắt buộc phải có 3 mâm cúng.

Sau khi cử soát các lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng có chức sắc nhất đứng trước bàn thờ cầm gậy thánh - cây gậy với một đầu bịt sắt nhọn, đầu kia chạm trổ với những họa tiết hoa văn, kèm 1 cành lá cây tươi.

Theo quan niệm, cây gậy thể hiện quyền uy của thầy cúng, còn cành lá xanh là để cho những điều run rủi, không có lợi cho gia chủ và toàn gia tộc trú ngụ và sau đó đem ra cửa để những gì không may mắn đi ra khỏi nhà.

Thầy cúng đại diện cho gia chủ cẩn cáo thành quả của một năm lao động và xin gia tiên phù hộ cho một năm mới đến đạt được nhiều thành công hơn năm trước.

Sau khi thầy cúng lễ xong, cành lá được mang ra cắm trước cửa thì lần lượt các thầy cúng khác kế tiếp nhau vào làm lễ. Khi công việc tế lễ hoàn tất, thầy cúng xin ông bà, tổ tiên cho con cháu thụ lộc thì lễ vật được hạ xuống để mọi người cùng hưởng.

Mâm cơm Tết năm cùng cũng rất đặc biệt. Thầy cúng và các vị chức sắc trong làng được bố trí ngồi cao nhất và được phép ăn trước, sau đó lần lượt đến khách mời của bố mẹ, con cái và anh, em nội ngoại.

Theo tục của người Dao thì tất cả thức ăn đều phải để trên lá chuối tươi. Trong bữa ăn, người Dao thường mời nhau chén rượu, chúc nhau những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. ...

Đồng bào Dao quần chẹt luôn trân trọng bảo lưu và phát huy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình trong tín ngưỡng và lễ hội. Bà con quan niệm, gia đình nào có nhiều khách thăm nhà, ăn Tết năm cùng sẽ càng may mắn trong năm mới, vì thế trong những ngày Tết năm cùng, cộng đồng người Dao luôn sống trong không khí tràn đầy hân hoan, phấn khởi...

Ông Vũ Duyên Hồng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hóa) cho biết, hiện nay người Dao trên địa bàn huyện chiếm 2,7% dân số. “Ăn Tết năm cùng là một trong những phong tục tập quán của người Dao từ bao đời nay. Họ ăn Tết này to nhất trong năm, to hơn Tết Nguyên đán.

Quan niệm của người Dao, lễ cúng Tết năm cùng sẽ xua đi những đen đủi của năm cũ, hướng tới những điều tốt đẹp cho năm mới. Vào dịp Tết năm cùng, các nhà trong thôn sẽ lần lượt tổ chức ăn uống và mời người thân, họ hàng đến chung vui.

Tết năm cùng cũng là dịp để anh em, người thân làm ăn xa về tụ họp, làm lễ cúng tổ tiên, báo cáo những kết quả đạt được trong năm và cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi, gia đình khỏe mạnh”, ông Vũ Duyên Hồng nói.

“Đồng bào Dao ở Thanh Hóa có hai nhóm chính là Dao tiền, cư trú ở vùng núi cao, tập trung chủ yếu ở 3 chòm: Suối Tút, Con Dao (Quang Chiểu), Pù Quăn (Pù Nhi) của huyện Mường Lát và Dao quần chẹt, sinh sống chủ yếu ở một số làng: Hạ Sơn, Tân Thành, Phùng Sơn của huyện Ngọc Lặc; Bình Yên, Bình Sơn, Ngọc Sơn, Thạch An... thuộc huyện Cẩm Thủy.

Dân số khoảng hơn 7.000 người với các dòng họ lớn như họ Triệu, họ Phan, Phùng, Bàn, Dương, Tặng... Người Dao dùng chữ Nho để ghi chép, phát âm theo tiếng Dao.

Phương thức sản xuất vừa làm nương rẫy trên những đồi đất dốc, vừa làm ruộng với các sản phẩm như lúa, ngô, sắn, đậu, các loại củ quả.

Nhà ở nửa sàn, nửa đất. Nghề thủ công khá phát triển như thêu dệt thổ cẩm, rèn, làm giấy bản, bạc trang sức, cao chàm, đan lát”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ