Bản người Dao giữ rừng như báu vật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Ngoài cánh rừng gỗ quý trồng hơn 50 năm, người Dao ở Quảng Ninh còn cùng nhau bảo vệ hàng trăm ha rừng nguyên sinh.

Khu rừng nguyên sinh hơn 300 ha ở xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Ảnh: Bình Minh
Khu rừng nguyên sinh hơn 300 ha ở xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Ảnh: Bình Minh

Rừng gỗ quý có một không hai của đất mỏ

Nhà của anh Triệu Tiến Lộc (37 tuổi, người Dao) nằm trong một xóm nhỏ ở thôn Bằng Anh, xã miền núi Tân Dân, cách trung tâm huyện Hoành Bồ (nay sáp nhập vào TP Hạ Long) khoảng 27 km, nơi có đến 96% là người Dao sinh sống.

Căn nhà nhỏ và 9 ha rừng phía sau là tài sản anh Lộc được thừa hưởng từ cha, ông Triệu Tài Cao - người nổi tiếng với việc quyết giữ rừng như báu vật. Già làng Triệu Tài Cao về với tổ tiên sau cơn bạo bệnh hồi tháng 5/2022. Trước khi mất, ông đã kịp chia rừng cho 5 người con trai với lời dặn dò “nhất quyết không được bán cây lim nào”. Triệu Tiến Lộc là con trai út ở cùng bố, được chia 9 ha rừng.

Trước đây, bà con người Dao sống theo tập tục du canh du cư, các khu rừng bị cạo trọc, mất đi hệ sinh thái. Đến năm 1968, bà con không phát nương nữa và bắt đầu định cư. Lúc bấy giờ, nhiều người cứ vô tư chặt hạ cây rừng, nhưng ông Triệu Tài Cao là người hiếm hoi không chặt cây, mà còn tìm cách tái sinh rừng.

Cũng năm 1968, hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Cao đã nghĩ đến việc trồng rừng ở những khu đất trống thuộc xã Tân Dân, sau đó đi tìm các giống cây gỗ quý như lim, sến, táu về trồng.

Ông Cao vào rừng tìm nhặt hạt rụng để ươm giống. Thời gian đầu, cây cứ lên được gang tay là chết. Ông ươm được bao nhiêu, cây chết bấy nhiêu. Sau đó ông nhận ra, lim là cây mọc tự nhiên, phát triển từ rừng nguyên sinh, rất khó để nhân giống, khó trồng, chậm lớn và trồng thì phải cách xa nhau.

Nhưng khi ấy, người nông dân như ông không học hành gì về lâm nghiệp nên tỉ lệ cây trồng chết khá cao. Không nản chí, ông Cao lại mò mẫm đến các cánh rừng khác để tìm cây lim con về trồng.

Thật khó tin một người không qua bất cứ trường lớp nào về lâm nghiệp lại có thể tìm ra phương pháp bảo tồn nguồn cây gỗ quý này. Người ngoài nhìn vào nói, cây lim lớn rất chậm, trồng như thế đến bao giờ mới được “hái quả”. Mặc kệ thiên hạ gièm pha, ông Cao quyết không trồng những cây ngắn ngày khác, mà chỉ trồng lim và một số loài gỗ lớn.

Những năm 1970 - 1980, gia đình ông trồng và giữ được khoảng 32 ha. Việc quản lý và bảo vệ gặp khó khăn vì chưa có việc giao đất giao rừng cho người dân, gia đình chưa có quyền quản lý nên khu rừng bị khai thác trộm rất nhiều.

Đến năm 1992, Nhà nước giao đất và cấp sổ để bảo vệ rừng. Lúc giao đất, nhiều người không muốn nhận vì cây cối phát hết rồi, chỉ còn những khu rừng trống. Ông Cao là người quý rừng nên nhận hết và tiếp tục trồng các loại cây gỗ lâu năm, trong khi nhiều người trồng keo ngắn ngày.

Cứ thế, cho đến khi rừng lim phủ xanh cả quả đồi rộng, người dân trong vùng mới hiểu ông. Nhưng có những người vẫn nhất quyết không chịu hiểu, đó là những tay lái gỗ. Rừng lim của ông Cao khiến cánh buôn gỗ thèm thuồng đến gạ gẫm xin mua.

Có người còn trả tiền tỷ để mua cả cánh rừng. Có người không mua được bèn buông lời gièm pha rằng ông bị hâm. Nhưng tất cả đều không làm ông lung lay. Ông bảo, rừng lim này là gia tài ông giữ lại cho con cháu.

Anh Triệu Tiến Lộc bên những cây lim hàng chục năm tuổi của gia đình ở thôn Bằng Anh, xã miền núi Tân Dân, TP Hạ Long. Ảnh: Minh Cương

Anh Triệu Tiến Lộc bên những cây lim hàng chục năm tuổi của gia đình ở thôn Bằng Anh, xã miền núi Tân Dân, TP Hạ Long. Ảnh: Minh Cương

Anh Triệu Tiến Lộc cho biết, khu rừng 32 ha mà bố để lại cho 5 anh em hiện có khoảng 600 cây lim 40 - 70 năm tuổi, là giống quý nhất. “Rất nhiều thương lái vào mua gỗ lim, nhưng gia đình không bán. Đời bố tôi không bán đến đời chúng tôi cũng không, vì đó là tâm huyết của bố”, anh Lộc nói.

Bên trong cánh rừng lâu năm có rất nhiều nguồn lợi để thu hoạch như cây tre, cây thuốc nam. Anh Lộc cũng đang triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán lim như khôi tía, trà hoa vàng, ba kích, quế..., đều là những loại cây ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, cũng là nguồn thu thường xuyên của gia đình. Ngoài ra, anh còn kết hợp trồng cây gỗ lâu năm như lim, sến, táu vào những khu đất trống.

“Rừng của gia đình tôi là rừng đầu nguồn, có những cây lớn giữ được đất, giữ được nước nên không lo việc sạt lở. Khi mình giữ được cánh rừng như thế này, khí hậu xung quanh rất trong lành. Mỗi buổi sáng thức dậy cảm thấy rất khỏe mạnh. Đấy chính là lợi ích khi giữ được cánh rừng”, anh Lộc vui vẻ nói.

Rừng lim của gia đình anh Lộc phủ xanh cả quả đồi rộng, tạo ra dưỡng khí trong lành cho khu vực xung quanh và là nơi cư trú của nhiều loài động vật.

Nhờ tâm huyết và cách làm của bố con già làng Triệu Tài Cao, hiện nhiều loại cây bản địa quý hiếm của Hoành Bồ đang được gìn giữ để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

Với hàng trăm cây gỗ lớn, rừng của già làng Triệu Tài Cao là tài sản giá trị mà ông để dành cho con cháu và thế hệ mai sau. Đồng thời, nơi đây cũng trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách khi đến Hoành Bồ.

Khu rừng 32 ha của gia đình anh Triệu Tiến Lộc có khoảng 600 cây lim 40 - 70 năm tuổi. Ảnh: Minh Cương

Khu rừng 32 ha của gia đình anh Triệu Tiến Lộc có khoảng 600 cây lim 40 - 70 năm tuổi. Ảnh: Minh Cương

Cả bản giữ rừng nguyên sinh

Không chỉ riêng gia đình anh Triệu Tiến Lộc bảo vệ, giữ gìn cánh rừng có nhiều cây gỗ lớn do gia đình trồng được hơn 50 năm. Tại khu rừng nguyên sinh rộng hơn 300 ha ở xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên cũng được người dân bản Nà Hắc bảo vệ, giữ gìn từ nhiều đời nay. Việc bảo vệ, giữ gìn những cánh rừng nguyên sinh đã trở thành bản sắc văn hóa của người dân bản Nà Hắc, thôn Đoàn Kết, xã Hà Lâu.

Nà Hắc là bản xa nhất của huyện miền núi Tiên Yên, cũng là bản người Dao duy nhất của xã Hà Lâu nằm giáp khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn với diện tích khoảng 300 ha.

Bản Nà Hắc có 30 nóc nhà nép bên bìa rừng nguyên sinh nằm cách trung tâm xã Hà Lâu hơn 15 km. Từ đường bê tông của khu dân cư, đường vào rừng là đường đất, dài khoảng 4 km và phải lội qua 10 đoạn suối.

Cánh rừng nguyên sinh ở đây có rất nhiều cây gỗ lát cổ thụ mấy người ôm không xuể, cả nhiều loại chim, thú quý. Đây là rừng phòng hộ nên bà con dân bản, bảo nhau giữ gìn, bảo vệ. Không ai được vào đó chặt cây, săn thú mà chỉ nhặt nấm chẹo, quả mây hay lấy các loại lá cây thuốc.

Không chỉ giữ rừng, các hộ trong bản còn có hương ước bảo vệ nguồn lợi tự nhiên từ những con suối chảy quanh bản. Trước đây, khi bản có khách quý thì dân bản mới vào thác Cá Nhảy nằm trong rừng nguyên sinh bắt cá đãi khách. Sau đó, do số lượng cá tự nhiên tại thác Cá Nhảy có chiều hướng giảm sút, việc khai thác cá cũng được chấm dứt nhằm bảo vệ đa dạng sinh học.

Từ năm 2015, với sự đầu tư của Nhà nước, các ngầm tràn được xây dựng nên đường vào thôn Đoàn Kết dễ dàng hơn. Giao thông thuận lợi giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhưng cũng vô tình khiến việc bảo vệ rừng nguyên sinh thêm vất vả. Dân bản cho biết, không ít lần các đối tượng lạ mặt vào bản dọa dẫm, mua chuộc bà con để được vào rừng khai thác gỗ nhưng đều bị dân bản kiên quyết từ chối.

Một hạt giống lim nảy mầm bên dưới tán rừng. Ảnh: Minh Cương

Một hạt giống lim nảy mầm bên dưới tán rừng. Ảnh: Minh Cương

Ông Chìu Chăn Lỷ (56 tuổi) cho biết, đã sống ở đây hơn 40 năm và biết rõ từng gốc cây, tảng đá trong khu rừng. Suốt nhiều năm được sống với rừng và giữ rừng, dù nằm trong nhà, nhưng nghe cũng đoán đúng gần hết tiếng bước chân của người dân trong thôn. Nhiều lần tuy đã ngủ say, nhưng hễ nghe tiếng bước chân lạ là ông biết ngay rồi ra tìm cách hay thông báo để ngăn không cho họ vào rừng.

“Ở đây có cây táu, cây mai có giá trị. Năm ngoái có người vào đây đưa tôi tiền để mua nhưng tôi không lấy. Rồi họ lên rừng định lấy trộm, tôi gọi điện ngay cho xã để làm việc thì họ bỏ chạy”, ông Lỷ nói.

Lãnh đạo UBND xã Hà Lâu cho biết, hàng năm xã và Ban công tác mặt trận thôn tổ chức họp dân xây dựng các quy ước, hương ước trong đó có bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ rừng không cho phép người lạ vào chặt phá hoặc khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép.

Theo ông Hoàng Văn Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên, bên cạnh chốt bảo vệ rừng gồm lực lượng kiểm lâm, công an và cán bộ xã nhưng chính dân bản Nà Hắc mới là những người giữ rừng thực thụ.

“Chúng tôi có 11 cán bộ, công chức, lao động nhưng bảo vệ hàng trăm ha rừng nên việc nắm bắt đôi khi còn hạn chế. Riêng Hà Lâu chúng tôi cử 2 đồng chí ở tại địa bàn để quản lý bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ rừng. Vì vậy, việc ra vào của những người lạ mặt được người dân phát hiện đầu tiên và cũng là nguồn tin quan trọng với chúng tôi”, ông Khánh nói.

Hiện nay, diện tích rừng của Quảng Ninh đạt trên 370.144 ha (trên 122.300 ha rừng tự nhiên và 247.838 ha rừng trồng) đều phát triển tốt, với hệ sinh thái động thực vật phong phú, cây đa tầng tán, đa mục đích; tỷ lệ che phủ đạt 55,6%. Với tỷ lệ che phủ này, Quảng Ninh đang đứng thứ 8 ở vùng Đông Bắc và đứng thứ 12 trên cả nước. Trong gần 30 năm qua, 333.225 ha đã được giao cho 23.000 hộ gia đình và 59 tổ chức, tương đương gần 90% diện tích rừng toàn tỉnh có chủ, là bước tiến quan trọng đảm bảo rừng được bảo vệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.