Chứa đựng tinh hoa của giáo dục thế giới
Thực tế đã chứng minh: Triết lý tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng tinh hoa của giáo dục thế giới.Đặc biệt, điều tạo nên sự phát triển về chất trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin và cùng với quá trình hoạt động thực tiễn cách mạng sinh động mà Người đã dày công tìm kiếm, phát hiện, để giới thiệu cho đất nước những nét tiến bộ trong nền giáo dục kiểu mới của nhân dân lao động - Nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa mang tính nhân đạo và tính dân chủ cao cả, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện những năng lực sẵn có của con người.
Sinh thời, Bác đã chỉ rõ cho chúng ta thấy mối quan hệ biện chứng giữa giáo dục với cách mạng; giữa giáo dục với sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước. Nội dung cơ bản của giáo dục là phải đào tạo ra những con người xây dựng chủ nghĩa xã hội “vừa hồng vừa chuyên”.
Người từng nhấn mạnh: Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mỗi cô giáo, thầy giáo phải là những chiến sỹ trên mặt trận đó. Nhiệm vụ của nền giáo dục cách mạng là: “Phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân”.
Giáo dục phải tạo ra được những người lao động mới. Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước, hiếu với dân”, có đạo đức trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không sợ hy sinh gian khổ, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn, thật thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị, có tri thức và sức khỏe để trở thành những người chủ tương lai của đất nước, “những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn làm được như vậy: Những người làm công tác giáo dục phải “nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục, coi giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.
Trong công tác quản lý giáo dục thì “phải đi sâu vào việc điều tra nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm. Chủ trương phải cụ thể, thiết thực, đúng đắn; kếthợp chặt chẽ chủ trương chính sách của trung ương với tình hình thực tế và kinh nghiệm quý báu và phong phú của quần chúng, của cán bộ và của địa phương”. Phải coi “giáo dục thiếu nhi là một khoa học”.
Với các cô giáo, thầy giáo, trước hết, phải trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng rèn luyện chuyên môn, phải là tấm gương trong sáng để học sinh noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, phải thương yêu chăm sóc học sinh như con em ruột thịt của mình, phải thật sự yêu nghề, yêu trường, phải không ngừng học hỏi để tiến bộ mãi.
Nhất là trong phương pháp giáo dục “phải chú trọng đủ các mặt; đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Và trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Vẫn còn nguyên giá trị thực tiến
Qua quá trình thực hiện lời căn dặn của Người, chúng ta càng thấy tư tưởng của Bác không chỉ phản ánh truyền thống giáo dục quý báu của dân tộc ta mà còn phản ánh yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài của nền giáo dục nước nhà.
Đó là tư tưởng mang tính cách mạng, tính nhân dân, tính dân tộc, tính thời đại sâu sắc.
Tư tưởng giáo dục của Bác đã chỉ ra những nhiệm vụ giáo dục hết sức cơ bản, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam mới, đó là: Nhà trường phải bảo đảm cho thế hệ trẻ vươn lên làm chủ kho tàng kiến thức văn hóa của nhân loại, trang bị đầy đủ vốn hiểu biết về văn hóa, tri thức khoa học, công nghệ.
Thế hệ trẻ cần phải được giáo dục về lý tưởng và đạo đức xã hội chủ nghĩa - hạt nhân của nhân cách người lao động mới.
Trong điều kiện đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, sự phát triển của kinh tế - xã hội và phát triển khoa học công nghệ trong thời đại kinh tế tri thức đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, đây là cơ sở quan trọng để tiến hành đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng: Gắn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo với quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.
Bởi xét cho cùng, mục đích trực tiếp của giáo dục, đào tạo là tạo ra
nguồn lực lao động và quản lý phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như Bác từng căn dặn: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”; “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”; “Học để tin tưởng” và “Học để hành”. Tư tưởng đó mãi mãi là chân lý của mọi thời đại.