Tết của giáo viên ngoài công lập

GD&TĐ - Dịp Tết Nguyên đán, Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành GD Nghệ An đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống cán bộ giáo viên (GV) miền núi cao, các trường ngoài công lập. Hơn ai hết, các GV vô cùng vất vả, khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm bám trụ với trường, với HS, bảo đảm nền nếp dạy học… để sống với nghề.

Công đoàn GD Nghệ An tặng quà cho GV khó khăn tại Trường THPT DL Nguyễn Huệ (TP Vinh)
Công đoàn GD Nghệ An tặng quà cho GV khó khăn tại Trường THPT DL Nguyễn Huệ (TP Vinh)

“Cố gắng vì được sống với nghề giáo”

Trường THPT dân lập Nguyễn Huệ (TP Vinh, Nghệ An) năm học 2018 - 2019 chỉ có 3 lớp với tổng số 72 HS. Số lớp ít nên số tiết của 15 GV nhà trường cũng chỉ từ 3 - 6 tiết/người/tuần. Trong khi đó, tiền lương được tính theo số tiết thực dạy là 45 nghìn đồng/tiết. Thầy Võ Ngọc Lân - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: Các GV đều đã gắn bó với trường hơn chục năm qua, thế nhưng mức lương hiện tại của mỗi người chỉ vừa đủ đóng bảo hiểm xã hội. Có những GV như cô Hạnh (GV GD công dân), cô Hương (GV Sinh học)… mỗi tuần chỉ dạy 1 – 3 tiết, phải bù thêm tiền của mình mới đủ nộp bảo hiểm. Vì thế, các thầy cô của trường đều phải dạy hợp đồng với các trung tâm, trường học khác để kiếm thêm thu nhập.

Hơn 10 năm gắn bó với Trường THPT dân lập Nguyễn Huệ, đến nay, lương của cô Lê Thị Thu Hạnh (GV GD công dân) chỉ có 540 nghìn đồng/tháng. Đó là nếu cô dạy đủ 3 tiết/tuần, còn không thì thấp hơn. Hiện nay, cô đang hợp đồng dạy với một trường cao đẳng trên địa bàn với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng, chứ nếu chỉ dựa vào lương ở trường thì không thể đủ đảm bảo cuộc sống ở thành phố Vinh. Dù khó khăn là thế, nhưng cô vẫn gắn bó với trường, với HS. “Tôi và các GV ở trường động viên nhau ít ra mình cũng được đi dạy, đứng lớp, đang được sống với nghề. Nghĩ vậy và tiếp tục cố gắng nuôi nghề giáo”, cô Hạnh tâm sự.

Cũng tương tự như Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THPT dân lập Nguyễn Trãi (TP Vinh) cũng chỉ có 3 lớp với 58 HS. Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Các thầy cô giáo dạy tại trường, nhưng nguồn thu nhập chính lại dựa vào hợp đồng dạy học với các trung tâm GD thường xuyên, trường nghề, trường dân lập khác trên địa bàn.

Trường THPT Đinh Bạt Tụy (huyện Hưng Nguyên) nằm trên địa bàn nông thôn, nhu cầu HS và người dân cao nên việc tuyển sinh duy trì khá ổn định. Hiện trường có 9 lớp với 379 HS. Dù vậy, với mức lương 32 nghìn đồng/tiết thì thu nhập của GV cao nhất là từ 1,8 - 2 triệu đồng, còn đại đa số là từ 900 nghìn đồng - 1 triệu đồng/người/tháng. Nhưng GV trường dân lập ở vùng nông thôn khó tìm việc làm thêm hơn thành phố. Nhiều GV ở nhà làm đủ nghề từ làm ruộng, chăn nuôi, bán hàng kiếm thêm thu nhập. Nhiều thầy cô có hoàn cảnh rất khó khăn như cô Nguyễn Thị Hương (chủ tịch Công đoàn Trường THPT Đinh Bạt Tụy phải nuôi con một mình, thường xuyên ốm đau, nằm viện.

Chia sẻ động viên cán bộ, GV Trường THPT DL Nguyễn Trãi (TP Vinh)
  • Chia sẻ động viên cán bộ, GV Trường THPT DL Nguyễn Trãi (TP Vinh)

Đảm bảo quyền lợi và vị thế GV ngoài công lập

Theo thầy Võ Ngọc Lân - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Vinh, Nghệ An), điều đáng trân trọng nhất là các thầy cô đã gắn bó lâu năm với trường và quyết tâm nỗ lực trong giai đoạn hết sức khó khăn này. Trường lớp ít, nhưng quan trọng nhất là củng cố nền nếp HS, nền nếp nhà trường. “Là hiệu trưởng, thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của GV, tôi cũng bố trí thời khóa biểu, tạo điều kiện cho anh em có thời gian để làm thêm, dạy thêm bên ngoài, cải thiện cuộc sống. Còn các GV vẫn luôn coi trường là nhà, là nơi để đóng góp cống hiến trong nghề nghiệp”, thầy Lân nói.

Thầy Võ Ngọc Lân cũng mong muốn ngành GD tỉnh nhà tiếp tục quan tâm đến các trường ngoài công lập, quan trọng nhất là làm cho vị thế của GV ở đây được nâng lên, bình đẳng với trường công, để họ yên tâm công tác và gắn bó với ngành GD.

Tại Trường THPT Đinh Bạt Tụy (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), để động viên cán bộ, nhà giáo trong suốt 1 năm thi đua dạy học, nhà trường cũng trích từ nguồn phúc lợi để tặng quà tết cho 32 GV, mỗi người 1 triệu đồng. Thầy Lê Tất Đạo – Hiệu trưởng nhà trường đề xuất các cấp ngành tạo điều kiện để cho các trường ngoài công lập có điều kiện tuyển sinh như: Giảm số HS/lớp của trường công, làm tốt và hiệu quả công tác phân luồng HS sau THCS…

Trường PT Hermenn Gmeiner (Vinh, Nghệ An) tuyển sinh tốt và ổn định trong nhiểu năm qua. Thầy Huỳnh - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Thu hút được HS là vấn đề sống còn của các trường dân lập. Quan trọng nhất là xây dựng, nâng cao chất lượng dạy - học, để HS và phụ huynh yên tâm, không lo ngại khi so sánh với trường công. Trường hoạt động tốt thì đời sống GV cũng được bảo đảm. Hiện mức lương trường trả cho cán bộ, GV là 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ với các trường ngoài công lập, nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến gần, Công đoàn ngành GD Nghệ An đã trực tiếp đến thăm và trao quà cho các GV có hoàn cảnh khó khăn; động viên động viên cán bộ, GV vượt qua khó khăn, bám trụ với trường, với HS, duy trì tốt dạy và học. Chủ tịch Công đoàn GD Nghệ An – Đặng Văn Hải - cũng cho biết: Công đoàn ngành sẽ tiếp tục có những tham mưu đối với các cấp có trách nhiệm để hỗ trợ đời sống thầy cô giáo ngoài công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong tuyển sinh. Xu thế tương lai, các trường ngoài công lập sẽ có vai trò lớn trong giảm áp lực cho trường công và đáp ứng nhu cầu học tập của HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.