Trò chuyện với các thầy, cô giáo, mới cảm nhận được những suy tư của họ trong những ngày Tết đến Xuân về. Họ cần sự sẻ chia, những lời động viên thăm hỏi ân tình của các cấp lãnh đạo hơn là những túi quà. Thế mới biết, đôi khi chỉ với một chữ “Tình” cũng đủ để giáo viên cắm bản có thêm nghị lực tiếp tục “Gieo chữ - Giữ đất” nơi vùng khó.
Như một sự sẻ chia, thấu hiểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến tận nhà một số gia đình giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi, động viên trong những ngày cận Tết. Tình cảm chân thành, ấm áp của Bộ trưởng đã tiếp thêm động lực để các thầy cô giáo tiếp tục “bám trường, bám lớp”.
Cách đây ít ngày, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Tết sum vầy cho giáo viên đang công tác ở vùng sâu vùng xa, nơi biên cương của Tổ quốc. Đây là năm thứ tư Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Tết sớm cho giáo viên nhằm tri ân các nhà giáo ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục nơi vùng khó. Trong Chương trình Tết sum vầy, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã trao tặng quà, sách vở, chăn ấm, sữa… trị giá trên 1 tỷ đồng cho giáo viên và học sinh. Cùng với đó, Công đoàn ngành Giáo dục các địa phương cũng có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho giáo viên chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là không để giáo viên nào không có Tết. Do vậy, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu giám đốc đại học, học viện, viện; hiệu trưởng trường đại học; hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm; trung cấp sư phạm; giám đốc Sở GD&ĐT thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức thăm hỏi, chúc Tết các đồng chí lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhà giáo lão thành, nhà giáo là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với các nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác tại các vùng biên giới, miền núi, hải đảo của Tổ quốc, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ trong năm 2018.
Có thể nói, những việc làm thiết thực của ngành Giáo dục đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần đối với các thầy cô giáo - những người vẫn luôn lặng lẽ, âm thầm miệt mài “gieo chữ”.
Khó có thể kể hết bằng lời về những gì mà ngành Giáo dục đã và đang làm cho đội ngũ giáo viên. Nhưng những việc làm, hành động cụ thể và thiết thực của ngành Giáo dục đã “thay lời muốn nói” đến với thầy cô giáo trong những ngày Tết đến Xuân về.
Song để các thầy cô giáo có một cái Tết đầm ấm, vui tươi và vẹn tròn hơn nữa, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Những món quà nhỏ của địa phương trong ngày Tết sẽ là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với giáo viên.