Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã bật đèn xanh cho dự thảo thỏa thuận hợp tác quân sự với Nicaragua.
Theo văn bản được công bố trên trang web chính thức của chính phủ, Bộ Quốc phòng Nga nhận chỉ đạo ký văn bản sau khi hoàn tất mọi quá trình đàm phán và đạt được thỏa thuận cuối cùng với Nicaragua.
Dự thảo thỏa thuận trước đó đã được thống nhất với Bộ Ngoại giao Nga cũng như với một số cơ quan liên bang khác, bao gồm Văn phòng Tổng Công tố và Ủy ban Điều tra.
Những bước đi nói trên khẳng định tính nghiêm túc trong ý định của Moskva nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Trung Mỹ.
Ngoài ra, Thủ tướng Mishustin đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Ngoại giao Nga tiến hành các cuộc đàm phán nâng cao và thực hiện mọi thay đổi cần thiết đối với văn bản trước khi ký.
Việc ký kết một thỏa thuận với Nicaragua có thể đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ, bởi vì Nicaragua nằm rất gần biên giới Mỹ. Trong bối cảnh này, việc phát triển vũ khí siêu thanh của Nga, đặc biệt là tên lửa Oreshnik có vẻ đặc biệt quan trọng.
Với tầm bắn 5.500 km, tên lửa siêu thanh mới nhất có thể vươn tới Mỹ từ Nicaragua, gây ra mối đe dọa cực lớn cho Washington. Cự ly từ Nicaragua đến Mỹ chỉ khoảng 3.000 km, điều đó có nghĩa là nếu được phóng, tên lửa Oreshnik sẽ tới lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ sau 1.000 giây.
Quan hệ giữa Nga và Nicaragua vẫn thân thiện trong nhiều năm. Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách của Moskva, điều này khiến Washington và các đồng minh của nước này cảnh giác.
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới có thể bao gồm cả hỗ trợ quân sự và tập trận chung, trao đổi kinh nghiệm cũng như tham vấn, điều này sẽ mở rộng đáng kể sự hiện diện của Nga trong khu vực có truyền thống do Mỹ chi phối.
Vấn đề là nếu viễn cảnh trên xảy ra, Washington có thể đưa ra phản ứng cực kỳ cứng rắn, đặc biệt khi người đứng đầu Nhà trắng thời gian sắp tới là ông Donald Trump.
Lý do Mỹ sẽ không chịu ngồi yên là bởi với cự ly triển khai và tốc độ của tên lửa Oreshnik, hệ thống cảnh báo sớm của nước này rất dễ bị vô hiệu hóa và sẽ phải hứng chịu hậu quả lớn nếu bùng phát xung đột toàn diện giữa đôi bên.