Tên lửa Kinzhal đánh sập hầm sĩ quan NATO

GD&TĐ -Tờ Pronews của Hy Lạp vừa tiết lộ thông tin mới về cuộc tấn công của Nga bằng tên lửa Kinzhal vào mục tiêu quân sự tại Ukraine hồi tháng 3/2023.

Tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Dẫn nguồn tin từ tình báo quân sự Mỹ, tờ Pronews cho biết, trong đợt tấn công với quy mô lớn hồi tháng 3/2023 bằng hàng chục tên lửa các loại khác nhau, trong đó có 6 quả Kinzhal, Nga đã phá hủy nhiều mục tiêu quân sự của Ukraine và gây thiệt hại lớn cho sĩ quan NATO.

"Tên lửa siêu thanh Kinzhal đã bắn trúng và đánh sập hệ thống hầm ngầm của Ukraine được xây dựng ở độ sâu khoảng 120m và là nơi trú ẩn của 300 quân nhân, trong đó có nhiều sĩ quan NATO (đã nghỉ hưu).

Hầu hết những quân nhân này đều là công dân Ba Lan, Anh và Mỹ. Đến nay, một số người đã được tìm thấy nhưng phần lớn họ vẫn bị chôn vùi sâu dưới lòng đất", tờ Pronews cho biết.

Nguồn tin này cho biết thêm, tính đến nay, đây là cuộc tấn công quy mô lớn nhất của Nga nhằm vào lực lượng quân sự phương Tây tại Ukraine. Mặc dù vậy, các quốc gia phương Tây vẫn chưa có phản ứng chính thức nào với vụ tấn công này.

Cuộc tấn công được Nga tuyên bố là đòn đáp trả vụ một nhóm người Ukraine hôm 2/3 đã bắn vào một chiếc ô tô chở trẻ em và bắt một số người làm con tin ở làng Lyubechane, vùng Bryansk. Hậu quả của vụ tấn công là 2 người thiệt mạng, một học sinh bị thương.

Giới chuyên gia nhận định sự xuất hiện của loạt tên lửa Kinzhal trong đòn không kích là thông điệp cảnh báo mới nhất với phương Tây về kho vũ khí dẫn đường của Moskva, cho thấy Nga đang sở hữu siêu tên lửa có thể gây thiệt hại lớn mà Mỹ và phương Tây chưa thể đối phó.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Nhờ quỹ đạo bay phức tạp và tốc độ rất cao, vũ khí siêu vượt âm có khả năng sát thương cao hơn và gần như không thể bị đánh chặn bằng các lá chắn phòng thủ hiện nay.

Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa Kinzhal hồi tháng 3/2022, khi tấn công một kho vũ khí lớn ở tỉnh Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó cho rằng Kinzhal là "vũ khí có tác động lớn nhưng không tạo ra nhiều khác biệt, ngoại trừ việc gần như không thể bị đánh chặn".

"Moskva đã biên chế ít nhất ba loại vũ khí siêu vượt âm và đang sở hữu nhiều loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, nhưng sử dụng tên lửa Kinzhal trong thực chiến là động thái tăng áp lực với Mỹ trong bối cảnh nước này bị Nga bỏ xa trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm", chuyên gia Robyn Dixon của tờ Washington Post nói.

Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng tên lửa siêu vượt âm được các cường quốc coi là "vũ khí ưu tiên hàng đầu" nhờ khả năng xuyên thủng mọi lá chắn hiện nay.

"Loại vũ khí này có ích cho nhiều nhiệm vụ như vô hiệu hóa lưới phòng không đối phương và tấn công mục tiêu giá trị cao, nhưng cũng rất tốn chi phí phát triển. Chúng không phải viên đạn bạc có thể giải quyết mọi vấn đề trên chiến trường, nhưng vẫn sở hữu nhiều tính năng đặc biệt trong chiến đấu", ông nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên không quân Ukraine Yurri Ignat nói rằng Nga đã phóng khoảng 20 tên lửa Kinzhal trong hơn một năm chiến sự, nhận định Moskva sở hữu khoảng 50 quả đạn trong kho dự trữ. "Chúng tôi có thể phát hiện tên lửa Kinzhal đang lao đến, nhưng chúng có tốc độ rất cao và Ukraine không có phương án nào để đánh chặn", ông nói.

Đòn tấn công sử dụng tới 6 quả đạn Kinzhal cho thấy Moskva sẵn sàng triển khai loại vũ khí mà đối phương hoàn toàn bất lực, dù nó có giá rất đắt và số lượng hạn chế. Nó cũng để lại thông điệp rằng quân đội Nga sẵn sàng dùng Kinzhal để tiếp tục nhắm vào bất kỳ mục tiêu giá trị cao nào tại Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ