Sinh năm 1948 tại thành phố New York, Mỹ, Frank William Abagnale Jr. trải qua tuổi thơ khá êm đềm trước khi bố mẹ ông ly hôn. Gia đình tan vỡ là một trong những nguyên nhân chính khiến cuộc đời của tên lừa đảo khét tiếng nhất xứ cờ hoa thay đổi 180 độ.
Sau đó, Frank chuyển về sống với bố, ngày ngày được tiếp xúc với nhiều đối tác kinh doanh. Trí não nhanh nhạy giúp ông thu thập được rất nhiều kiến thức trong lĩnh vực này. Cũng trong thời điểm đó, Frank thường xuyên giao du với một nhóm thanh niên bất hảo và rất hay bị cảnh sát bắt giam vì tội trộm cắp vặt, khởi nguồn cho chuỗi những chiêu trò lừa lọc sau này của ông.
Nạn nhân chính thức đầu tiên của Frank không ai khác chính là bố ông. Lợi dụng lòng tin của phụ huynh giao cho sử dụng thẻ tín dụng, Frank bắt đầu nghĩ ra việc “cà thẻ” mua phụ tùng xe sau đó bán lại cho nhân viên tiệm xăng với giá rẻ hơn, thành công biến tiền trong thẻ thành tiền mặt. Bố Frank khi nhận được những hóa đơn mua hàng với số tiền nợ lên đến hàng nghìn đô la liền nhận ra mình đã bị con trai lừa một vố ngoạn mục. Sau này khi nhắc lại, Frank vẫn cảm thấy có lỗi khi ông đã lợi dụng niềm tin và tình yêuthương của bố để trục lợi.
Ngoạn mục nhất trong sự nghiệp lừa đảo của Frank chính là việc ông đã thành công cải trang thành phi công của hãng hàng không PanAm trong suốt nhiều năm trời mà không ai nhận ra. Để thỏa mãn ước mơ được “bay chùa” khắp nơi mà không phải bỏ tiền túi, Frank quyết định giả dạng làm phi công vào năm ông tròn 16 tuổi.
Nhờ mối quan hệ của mình, Frank tìm đến được công ty chuyên may đồng phục cho hãng, báo mất đồ bằng số hiệu của một nhân viên và yêu cầu được may lại.
Sau một vài cú điện thoại, Frank nhanh chóng tìm ra công ty 3M chuyên thiết kế thẻ và làm phù hiệu cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có hãng hàng không PanAm. Frank lập tức vào vai một nhân viên đi mua thẻ mới cho công ty rồi liên lạc với công ty 3M. Frank yêu cầu người ta thiết kế một chiếc thẻ với thông tin của ông hệt như mẫu của hãng PanAm với lý do cho cấp trên dễ hình dung về chiếc thẻ công ty trong tương lai. Thế là một chiếc thẻ nhân viên hoàn hảo đã ra đời. Frank mua một chiếc máy bay mô phỏng của hãng PanAm và cẩn thận tháo bỏ logo gắn vào thẻ nhân viên, hoàn thành công đoạn cuối cùng của việc giả mạo thẻ.
Vậy là chỉ cần thêm 2 yếu tố: kiến thức chuyên dụng ngành hàng không và giấy phép của Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA), Frank sẽ có thể trở thành một phi công thực thụ. Thời gian sau đó, Frank túc trực 24/7 tại thư viện để thu thập thông tin về ngành hàng không, phi công và thuật ngữ chuyên ngành. Với tài năng của Frank, không khó để ông giả dạng làm sinh viên sắp tốt nghiệp của trường hàng không để tiếp cận nhân viên cũng như lãnh đạo của PanAm. Nhờ đó mà ông có trong tay lượng thông tin khổng lồ, nắm được các quy tắc, chính sách của PanAm… kể cả loại máy bay hãng thường sử dụng.
Frank không mất quá lâu để làm ra tờ giấy phép FAA giả trông như hàng thật. Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng, Frank dưới cái tên Frank Williams sau chuyến bay đầu tiên đi Miami trót lọt là 2 năm đi máy bay miễn phí với tổng cộng hơn 1 triệu 600 ngàn km, trên 250 chuyến bay của nhiều hãng hàng không, đến 26 quốc gia. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở khách sạn đều do hãng PanAm chi trả.
Thế nhưng, “kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, Frank từng bị nghi ngờ sau khi đáp chuyến bay xuống thành phố Miami và bị áp tải về đồn cảnh sát để hỗ trợ điều tra. Tại đây, ông trình ra được các thể loại giấy tờ chứng tỏ mình thật sự là Frank Williams – phi công của hãng PanAm. May mắn khi đó một vài phi công đi cùng trên chuyến bay có mặt tại sở cảnh sát và lên tiếng xác nhận giúp kẻ lừa đảo thoát chết ngoạn mục. Dù không bị bắt nhưng Frank quyết định tạm ngừng công việc này một thời gian để tránh tai mắt.
Sau đó, Frank tiếp tục sống dưới nhiều thân phận khác nhau như bác sĩ, luật sư, giảng viên đại học, biên kịch phim, thậm chí là nhân viên mật vụ liên bang. Ngoài ra, ông còn có tài làm giả trái phiếu, rút ruột ngân hàng số tiền lên đến 2,5 triệu đô la thời điểm những năm 60.
Hành vi lừa đảo của Frank dù được thực hiện tinh vi và trót lọt tất thảy nhưng vẫn không qua mắt được thanh tra FBI Joseph Shea. Ông dẫn đầu nhóm điều tra lần theo dấu vết của cậu thanh niên “miệng còn hôi sữa” nhưng đã làm đảo điên hàng loạt các ngân hàng lớn.
Nhiều lần tẩu thoát ngay trước mắt cảnh sát nhưng cuối cùng Frank vẫn bị tóm khi đang lẩn trốn tại New York vào năm ông 21 tuổi và nhận mức án 12 năm trong tù, trở thành kẻ lừa đảo khét tiếng bậc nhất nước Mỹ. Do chấp hành tốt nên chỉ sau 5 năm, Frank đã được trả lại tự do.
Cuộc sống của Frank sau khi tại ngoại khá vất vả vì quá khứ đen tối của chính ông. Dù muốn hoàn lương nhưng Frank không thể tìm được công việc bình thường. Nhận thấy chàng thanh niên này có thực lực trong lĩnh vực “lừa đảo”, FBI đã tạo cơ hội để ông trả nợ cho xã hội, bằng cách mời tên tội phạm một thời tham gia thuyết trình tại Học viện FBI để cung cấp kiến thức cho các nhân viên của cơ quan chức năng trong việc truy bắt tội phạm. Frank gắn bó với công việc này trong suốt 35 năm và đồng thời cũng duy trì tình bạn với thanh tra Joseph đến tận lúc khi người này qua đời.
Thời gian sau này, Frank thành lập công ty Abagnale & Associates chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về việc phòng ngừa và phát hiện gian lận trong hoạt động kinh doanh. Chương trình phòng chống gian lận của Frank đã thu hút sự quan tâm của hơn 140.000 công ty và được áp dụng rộng khắp.
Vậy là từ một kẻ lừa đảo thông minh, tinh vi và khét tiếng bậc nhất nước Mỹ, Frank đã thành công hoàn lương, không chỉ vậy lại còn trở thành nhân vật có ích cho xã hội và đóng góp cho cộng đồng. Trong một bài phỏng vấn, Frank từng tâm sự: “Tôi coi quá khứ của tôi là phạm pháp, vô đạo đức. Đó không phải là một quá khứ tôi thấy tự hào. Giờ tôi tự hào vì có thể sống một cuộc sống khác, hỗ trợ chính phủ, khách hàng, hàng ngàn công ty và cá nhân đối phó với tội phạm lừa đảo”.
Cuộc đời thú vị của Frank William Abagnale Jr. đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim thực hiện nên tác phẩm Catch me if you can với sự tham gia diễn xuất của tài tử Leonardo DiCaprio. Bộ phim từng lọt vào danh sách đề cử giải Oscar ở nhiều hạng mục và nhận được không ít lời tán dương từ phía các nhà phê bình phim.