Té nước theo mưa

GD&TĐ - Suốt nửa tháng qua, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) kêu ca rất nhiều về việc giá vé tàu khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại đã tăng một cách bất thường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Suốt nửa tháng qua, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) kêu ca rất nhiều về việc giá vé tàu khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại đã tăng một cách bất thường, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hai vạn dân trên hòn đảo này.

Theo đó, giá vé tàu cao tốc tuyến đường biển này tăng 35 nghìn đồng/vé, mức tăng chưa từng có từ trước đến nay. Cụ thể, vé từ Sa Kỳ đi Lý Sơn là 213 nghìn đồng, còn từ Lý Sơn đi Sa Kỳ là 195 nghìn đồng.

Mức giá này đã tăng gấp đôi so với năm 2017. Sở dĩ có sự chênh nhau dù cùng một hành trình là vì tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn có thêm 18 nghìn đồng phí dịch vụ cảng còn tuyến Lý Sơn - Sa Kỳ thì không chịu khoản phí này.

Trở lại với việc tăng giá vé nói trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - Đặng Tấn Thành nói rằng, huyện đã có công văn gửi Sở GTVT Quảng Ngãi đề nghị giảm giá, nếu vẫn giữ nguyên thì cần giải thích rõ ràng, cụ thể với người dân chứ lâu nay, mỗi lần tàu tăng giá vé, Sở GTVT hay giải thích rất chung chung.

Sở dĩ người dân phàn nàn với việc tăng giá vé là vì, tuyến đường thủy Lý Sơn - Sa Kỳ gần như là “độc đạo”, phương tiện duy nhất là đi tàu cao tốc, người dân không có sự lựa chọn nào khác.

Đối với khách du lịch, lâu lâu ra đảo tham quan một chuyến, tăng 70 nghìn đồng cho vé khứ hồi thì chẳng đáng là bao, song với nhiều người dân Lý Sơn, ngày nào cũng đi - về như thế giữa đảo và đất liền thì mất thêm chừng đấy tiền cho hai chuyến đi và về là điều không dễ chấp nhận, nhưng vẫn phải bấm bụng mà chi.

Mỗi ngày có 20 chuyến tàu đi và về giữa Lý Sơn và Sa Kỳ. Đó là nói ngày bình thường, còn những ngày lễ, tết mà thời tiết thuận lợi thì số chuyến có thể tăng thêm mới tải hết khách cần đi lại.

Mỗi tàu là 150 khách, chủ tàu thu về 30 triệu đồng/chuyến, số tiền không hề nhỏ. Cơ quan chức năng cần làm rõ con số này để biết khoản lời lãi và đưa ra khung giá cho hợp lý.

Xăng dầu tăng thì giá vé tăng là điều dĩ nhiên, nhưng tăng đột ngột, rất khác với những lần trước chỉ tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/vé thì là chuyện bất thường rồi.

Giải thích cho sự “bất thường” này, một quan chức lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ngãi nói rằng, Sở đã tham vấn ý kiến của 4 doanh nghiệp vận tải tuyến đường thủy này trước khi ký đồng ý việc tăng giá kia.

Ơ hay, doanh nghiệp vận tải nào mà chẳng kêu lỗ khi xăng dầu tăng nên họ phải đưa ra mức giá có lợi cho họ nhất, sao lại đi hỏi họ mà lại không đi hỏi thêm hành khách? Cơ quan quản lý là dựa vào đề xuất từ hai phía - doanh nghiệp và hành khách - để cân nhắc sao cho hợp lý chứ sao lại chỉ nghe doanh nghiệp không thôi?

Người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp khi xăng dầu tăng giá, nhưng doanh nghiệp cũng cần chia khó với họ chứ không nên té nước theo mưa, lợi dụng lúc xăng dầu tăng giá thì mình đẩy giá vé lên, bất chấp khó khăn của họ.

Sở dĩ phải nói điều đó là vì, hành khách chỉ thấy giá vé tăng cùng với giá xăng dầu chứ chưa bao giờ họ thấy giá vé giảm khi giá xăng dầu giảm cả. Điều bất hợp lý này mà cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa bao giờ “nhìn ra”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.