Giá xăng dầu liên tục tăng cao: Doanh nghiệp vận tải tìm phương án cầm cự

GD&TĐ - Giá xăng hiện đã vượt 30.000 đồng/lít - cao nhất trong gần 10 năm qua.

Hành khách chờ ra xe xuất bến tại Bến xe miền Đông.
Hành khách chờ ra xe xuất bến tại Bến xe miền Đông.

Sự tăng giá phi mã của giá xăng khiến không ít đơn vị vận tải hành khách đang phải hoạt động cầm chừng vì không có lời bởi lượng khách sau dịch Covid-19 chưa tăng lại.

Doanh nghiệp vận tải cầm cự hoạt động

Trong kỳ điều chỉnh mới nhất, giá mỗi lít xăng E5RON92 đã chạm mốc 29.639 đồng, xăng RON95-III cao nhất là 30.653 đồng, giá các loại dầu cũng tăng mạnh. Việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu tiếp tục leo thang, trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục gây áp lực khủng khiếp đối với doanh nghiệp vận tải.

Anh Phạm Thanh Duyên, chủ nhà xe Duyên Hà (chạy tuyến TPHCM – Đắk Nông), cho biết, dù đang sở hữu 5 đầu xe khách nhưng hiện giờ anh chỉ cho chạy 4 đầu xe, xe còn lại anh cho nằm tại bến để giảm bớt chi phí khi lượng khách vẫn chưa thể phục hồi như trước dịch. Theo anh Duyên, hiện nay, một chuyến xe xuất bến từ TPHCM – Đắk Nông có chi phí là 7 triệu, trong đó tiền dầu chiếm hết gần 5 triệu.

“Nếu chạy trên 7 triệu thì chúng tôi mới mong có dư, có ngày đủ và có ngày hoàn toàn âm, có ngày về âm cả 1,5 - 2 triệu cũng có. Hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh hơn 30 năm qua, chưa có thời điểm nào mà tôi cảm thấy điêu đứng như hiện nay. Chỉ mong giá xăng dầu có thể ổn định hơn như lúc trước để doanh nghiệp vận tải hành khách sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này” - anh Duyên nói.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty Minh Thành Phát - hãng xe Sao Việt, tỉnh Đồng Nai - cho biết: Chưa bao giờ xăng dầu tăng cao đến vậy, giá dầu lên trên 30.000 đồng/lít gây áp lực rất lớn cho hoạt động kinh doanh.

Sau dịch bệnh, hoạt động vận chuyển khách vẫn chưa trở lại bình thường, mặc dù cơ quan quản lý đã cho phép điều chỉnh giá lên, nhưng vẫn rất khó khăn cho doanh nghiệp. Công ty hiện duy trì 60% công suất đối với tuyến ngoại tỉnh, riêng tuyến nội tỉnh hãng đang cố gắng duy trì hoạt động ở 80% công suất.

“Trong điều kiện này, doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí tối đa và duy trì để giữ khách, bảo đảm luồng tuyến” - ông Bằng nói.

Lĩnh vực vận tải hàng hóa dự kiến cũng sẽ phải tăng chi phí vận chuyển để bù vào chi phí nhiên liệu. Ông Nguyễn Xuân Đạt - Giám đốc Công ty CP Vận tải và Thương mại Vạn Xuân - cho biết: Giá cước vận tải đã được nhiều công ty thông báo tăng 10% từ sau Tết đến nay.

“Cụ thể, giá cước xe chở một container từ cảng Cát Lái (TPHCM) về Khu công nghiệp Tam Phước (Long Thành, Đồng Nai) từ 2,8 - 2,9 triệu đồng/container nay tăng lên 3,2 triệu đồng. Với mức giá xăng vừa điều chỉnh, các chi phí về tài xế, chi phí đi đường chắc chắn sẽ lại phải tăng. Vì nếu không tăng sẽ không thể cân đối lại thu chi” - ông Đạt nói.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, vì thế không loại trừ khả năng khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước và khách hàng vẫn là người gánh chịu mọi chi phí gia tăng trên. 

Cần có giải pháp kìm hãm giá xăng

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM - nhìn nhận: Hoạt động vận tải hành khách vừa mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân bắt đầu tăng nhưng doanh nghiệp vận tải hành khách “đứng dậy” đã tiếp tục phải oằn lưng chịu trận khi giá xăng dầu tăng giá nhiều đợt.

“Với mức tăng vừa qua chỉ số giá xăng đã tăng lên đến mức cao nhất trong vòng chục năm qua, đây là một “đòn giáng” khá nặng vào khối vận tải hành khách” - ông Tính nói.

Giá xăng tăng mạnh, trong khi lưu lượng vận tải và di chuyển của hành khách sau lễ 30/4 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh khiến doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Lâm Hải - Trưởng phòng Kế hoạch vận tải Công ty TNHH MTV Bến xe miền Đông - cho biết: Hiện nay, lượng khách đến bến chỉ đạt bình quân 52% là khoảng 10.000 - 10.500 khách/ngày, trước dịch là 20.000 - 21.000 khách/ngày.

“Trong cơ cấu giá thành vận tải thì nhiên liệu chiếm từ 25 - 30%, với mức giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh tăng so với thời gian vừa qua đã gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải rất nhiều, trong khi đó lượng khách ở thời điểm này chỉ còn khoảng 52% so với trước dịch nên nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng giá vé để bù chi.

Ở đợt giá xăng dầu tăng mạnh từ đầu tháng 3 đến nay, bến xe đã nhận đề nghị của gần 70 doanh nghiệp gửi kê khai, điều chỉnh giá vé mới” - ông Hải nói.

Đánh giá về tác động của đợt tăng giá xăng dầu mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết: Quy luật kinh doanh cho thấy, cước vận tải tăng cao và kéo dài sẽ tác động lên giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội ở mức cao tương ứng.

“Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội. Vì vậy, phía cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung để có giải pháp ứng phó linh hoạt khi giá dầu thế giới tăng cao để có giải pháp kìm hãm lạm phát” - ông Thịnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.