Tây Nam bộ quyết tâm giành kết quả thi cao

Tây Nam bộ quyết tâm giành kết quả thi cao

(GD&TĐ) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cận kề, hiện nay các trường THPT đang chạy nước rút để ôn luyện cho HS. Đã có nhiều giải pháp được các trường thực hiện ngay từ đầu năm học như tổ chức phụ đạo HS yếu kém, GV soạn chương trình nâng kém, ôn thi dành riêng cho các đối tượng HS… 

Dù mỗi trường có đặc thù riêng, trình độ HS cũng không đồng đều nhưng tất cả thầy trò đều quyết tâm đạt kết quả tốt trong kỳ thi năm nay.            

Cả ngành cùng vào cuộc 

Đến Trường THPT Nguyễn Minh Quang, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), đây là trường có chất lượng đầu vào bậc THPT còn thấp, số lượng HS yếu chiếm 8,1% nên trường hết sức chú ý ôn luyện cho đối tượng HS này. Thầy Trần Quốc Tuấn, Hiệu phó nhà trường cho biết, trường bố trí ôn thi 51 tiết/tuần với 6 buổi sáng và 3,5 buổi chiều, còn lại 2,5 buổi trống để các em ôn bài và nghỉ ngơi. Song song với công tác ôn thi chung của toàn trường thì đối tượng HS yếu kém được nhà trường đặc biệt quan tâm. “HS yếu kém, trường tổ chức phụ đạo thêm 10 tiết/tuần để các em lấy lại kiến thức căn bản và thầy cô dành thời gian để tập trung vào những kiến thức các em bị hỏng, giúp HS tự tin hơn. Bên cạnh đó nhà trường chỉ đạo GV phân loại HS và có đề cương ôn thi phù hợp cho mỗi đối tượng HS khá, giỏi và HS yếu kém... Năm trước trường có 100% HS đỗ tốt nghiệp, năm nay thầy trò quyết tâm giữ vững thành tích đó”, thầy Tuấn cho biết thêm.

Ngoài các giải pháp để nâng cao hiệu quả ôn thi tốt nghiệp, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Minh Quang còn trực tiếp “ra tay” truy bài, kiểm tra bài tập của HS. Ban giám hiệu sẽ kết hợp với GV chủ nhiệm truy bài đầu giờ đối với các em HS yếu, kém. Đây là cách làm góp phần nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT của trường trong những năm qua. Tuy việc Ban giám hiệu trực tiếp truy bài ít nhiều sẽ gây áp lực cho HS nhưng là giải pháp khá hữu hiệu, nhất là đối với các em HS lười học. Từ những lần truy bài vào đầu giờ, thầy cô nắm bắt được tâm lý của HS, biết được nguyên nhân không thuộc bài để có cách hỗ trợ các em kịp thời… “Thầy cô trong Ban giám hiệu cùng GV bộ môn thường xuyên kiểm tra bài vở nên các bạn học tập rất nghiêm túc, đặc biệt là các bạn lười học, các bạn cá biệt. Mỗi lần kiểm tra thầy cô sẽ động viên, nhắc nhở và chỉ ra những phần còn hạn chế, những phần cần phải học bài thêm, từ đây em và các bạn có định hướng học bài, ôn bài rất hiệu quả…”, em Trần Thị Thúy Kiều, HS lớp 12 cho biết. 

Ngoài các biện pháp nhắc nhở, động viên, năm nay Sở GD&ĐT Đồng Tháp còn tổ chức kiểm tra đột xuất một số điểm trường trong tỉnh. Theo đó lãnh đạo Sở đã đến trực tiếp lớp học của HS khối 12, theo dõi cách dạy của GV, việc học tập, tiếp thu bài của HS, sau đó trực tiếp phản ánh với Ban giám hiệu trường để có sự điều chỉnh. Sau đợt kiểm tra, các điểm trường đã sớm chấn chỉnh lại công tác giảng dạy đối với HS khối 12 về nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT…                   

Tập trung lo cho HS yếu   

Dù sắp đến kỳ thi tốt nghiệp, vất vả và áp lực nhưng thầy cô giáo ở mỗi trường đều dành hết tâm sức cho học trò của mình. Ngoài chuyện phụ đạo, nâng kém, động viên HS thì nhiều GV sẵn sàng bỏ công sức ra dò bài cho từng em. Bên cạnh đó ở Vĩnh Long có nhiều trường còn tổ chức cho HS khá, giỏi hỗ trợ, giúp đỡ HS yếu kém. Giải pháp “đôi bạn cùng tiến” này đã mang lại hiệu quả kép, những HS giỏi qua việc giúp đỡ, hỗ trợ bạn sẽ củng cố thêm kiến thức, nhớ bài tốt hơn còn HS yếu kém sẽ được bạn bè trao đổi bài học một cách thân tình, gần gũi... TS Trương Thị Bé Hai, GĐ Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết thêm, việc vận động các em HS khá giỏi hỗ trợ, giúp đỡ HS yếu như thế sẽ giúp các em nắm được kiến thức cơ bản của kỳ thi và điều này cũng nhằm thực hiện mục tiêu kép là tốt nghiệp THPT và chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi vào ĐH, CĐ…     

Ngoài việc được thầy cô tận tình giảng dạy, hướng dẫn ôn tập, HS lớp 12 cũng tranh thủ thời gian để cùng nhau học tổ, học nhóm, thay phiên dò bài cho nhau. Không chỉ các em HS giỏi, khá chơi với nhau mà nhiều em HS yếu kém cũng được các bạn tận tình giúp đỡ, ôn bài và tham gia vào cùng nhóm. Em Trần Bảo Ngọc, HS Trường cấp 2, 3 Phú Thịnh, Tam Bình (Vĩnh Long) chia sẻ: “Trường tổ chức ôn tập cho HS theo từng chủ đề, hướng dẫn HS ôn tập theo nhóm tại trường, trong 15 phút đầu giờ. Bên cạnh đó, thầy cô chủ nhiệm cũng tập trung ôn tập cho nhóm HS có học lực trung bình yếu, hướng dẫn và kiểm tra lịch ôn tập ở nhà của HS. Em cùng các bạn cũng thành lập nhóm có 8 bạn, trong đó có 2 bạn là HS giỏi, 4 bạn khá và 2 bạn học lực trung bình, yếu. Sau giờ học nhóm sẽ tổ chức giải bài tập, học bài và cùng nhau dò bài nên rất vui, học bài mau thuộc và nhớ lâu…”.      

Trường THPT Đoàn Văn Tố, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, do nằm ở cù lao nên HS đi học xa, vất vả, nhiều em phải đến trường bằng đò dọc hoặc đò ngang. Trường có 208 HS lớp 12 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để nâng cao chất lượng HS khối lớp 12, trường đã sớm thực hiện giải pháp tăng cường phân loại HS. Theo đó GV chủ nhiệm sẽ quản lý, phân loại HS theo đơn vị lớp và theo từng môn học để có kế hoạch giảng dạy phù hợp và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó trường cũng thường xuyên tổ chức họp mặt phụ huynh HS để nhắc nhở gia đình quan tâm, chăm sóc và tạo điều kiện con em học tập, ôn thi... 

Thầy Mai Văn Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay chất lượng GD của trường được nâng lên đáng kể, toàn trường tỷ lệ HS giỏi chiếm gần 10%. Đối tượng được quan tâm nhất là HS yếu kém, từ giữa học kỳ 2 trường đã tổ chức phụ đạo cho các em. HS yếu kém còn được tăng cường học vào buổi chiều để bổ sung kiến thức, mỗi môn thêm 2 tiết và tiến hành liên tục… Chúng tôi không chỉ giúp học trò yên tâm ôn thi mà còn giúp các em ấm lòng. Năm nay trường tổ chức hỗ trợ cơm trưa cho 42 em HS nhà nghèo, nhà ở xa trường, đặc biệt là trường hỗ trợ cơm trưa trong suốt năm học cho tới ngày thi tốt nghiệp…”.  

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.