Tay cặp sách, tay ôm em và ước mơ của cô bé xứ Nghệ

GD&TĐ - Từ đầu năm học 2020 - 2021, ngày nào người dân xã Thanh An (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cũng thấy Nguyễn Thị Hiền (13 tuổi) bế theo em gái hơn 1 tuổi đi học. Người phụ nữ bán hàng cạnh cổng trường thương tình, giữ hộ đứa bé cho Hiền vào lớp. Nhưng trốn em được 1 – 2 tiết, Hiền lại phải xin thầy cô ra ngoài vì em khóc ngằn ngặt đòi chị.

Vừa là chị, vừa là mẹ, một tay Hiền chăm bẵm em gái từ nhỏ.
Vừa là chị, vừa là mẹ, một tay Hiền chăm bẵm em gái từ nhỏ.

Sinh ra không biết mặt cha. Mẹ thường xuyên bỏ nhà đi biền biệt. Hai chị em tự nuôi nhau, làm bạn với chó mèo trong căn nhà nhỏ chênh vênh bên sườn đồi. Ước mơ của Hiền là có đủ gạo ăn, có sữa cho em uống và được học tiếp lên cấp 3.

Vai đeo cặp, tay bế em 14 tháng tuổi

Vai đeo cặp sách, hai tay ôm chặt em gái mới 14 tháng tuổi, Nguyễn Thị Hiền (lớp 8, Trường THCS Thanh An) bế em cuốc bộ đến trường. Đường từ nhà đến trường gần 5km qua một quãng đồng và mấy con dốc. Các bạn cũng quen với việc Hiền phải mang theo em đi học, nên thường đợi Hiền đi qua nhà rồi thay nhau chở cả 2 chị em. 

Đến trường, Hiền gửi bé cho bà Nguyễn Thị Bình – người bán bánh mỳ cạnh cổng trường, rồi nhân lúc em mải chơi “lẻn trốn” vào lớp.

Quán của bà Bình thực chất cũng chỉ là cái lều tạm dựng tạm bằng mấy cột gỗ và vải bạt quây xung quanh, nhưng lại là nơi rộng lòng cưu mang 2 chị em Hiền. Bà nhớ lại gần 2 tháng trước, trời nắng gay gắt, Hiền lưng đeo cặp, mồ hôi bết tóc, hai tay ôm em gái gần 1 tuổi xin vào quán ngồi nhờ. Em bé trên tay Hiền mặt đỏ ửng vì nắng nóng.

Hiền xin cốc nước cho em uống nhưng đứa trẻ vẫn khóc. Bà đưa cho hộp sữa thì bé uống ngon lành rồi ngủ. “Có lẽ đứa bé đói quá. Còn Hiền vừa quạt cho em, vừa thấp thỏm nhìn vô trường. Tôi nói để em cho bà trông mà vào lớp học, con bé hơi băn khoăn một chút rồi cũng trao em cho tôi”, bà Bình kể.

Nhưng đứa bé thức giấc, không thấy chị đâu khóc nức nở. Bà phải nhờ người vào trong trường gọi Hiền ra. Cứ thế, suốt gần 2 tháng nay, Hiền chưa có buổi học nào trọn vẹn. Lúc em chơi ngoan thì Hiền học được 2 – 3 tiết. Còn khi em khóc, Hiền lại phải bỏ dở tiết học để bế em.

“Hoàn cảnh nhà Hiền khó khăn, éo le lắm, cả xã này ai cũng biết. Hôm nay, Hiền được đoàn hảo tâm tặng cho sữa và quần áo, nó mừng lắm, đạp xe chạy quanh xóm tìm mẹ để khoe nhưng không thấy. Mẹ con bé cứ bỏ nhà đi suốt, mấy ngày liền mới về khi trời đã tối. Chẳng biết hai đứa trẻ phải tự nuôi nhau đến lúc nào nữa”, bà Bình ngậm ngùi. 

Ước mơ của Hiền là sau này em lớn, thi đỗ và được vào học cấp 3.
Ước mơ của Hiền là sau này em lớn, thi đỗ và được vào học cấp 3.

“Mẹ đừng bỏ, con sẽ nuôi em”

Ngôi nhà cấp 4 nằm nép bên sườn đồi, Hiền ngồi ngoài ngõ vá lại chiếc lưới bắt cá. “Em bắt chước mọi người ra mương nước thả lưới bắt cá về làm thức ăn cho 2 chị em. Nhưng mấy hôm nay không có con cá nào, chỉ toàn ốc thôi.

Nhà mới được cho gạo, nhưng em cũng không có tiền mua thịt cá về nấu cơm”, Hiền nói. Năm nay lên lớp 8, nhưng cô bé như học sinh tiểu học, người gầy nhom, đen nhẻm. Đang dở việc, nghe tiếng khóc, Hiền vội chạy trong bế em lên nựng: “Sóc à, chị đây rồi, em dậy không thấy chị nên khóc phải không”. Dáng đi tất bật, làm nhanh, nói nhanh.

Có lẽ bởi mọi việc trong nhà đều một mình em sớm lo liệu. Đi học về thì tắm rửa, cho em ăn. Trong lúc em ngủ thì dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho mình. Tranh thủ lúc em chơi với chó, mèo thì chị học bài. Vừa làm chị, vừa làm mẹ, vừa làm trụ cột của gia đình đầy sóng gió, éo le.

Mẹ của Hiền là chị Nguyễn Thị Tuyến (SN 1977) đi cắt cỏ, làm thuê kiếm sống. Nhưng theo người dân trong làng, chị Tuyến không khôn ngoan như người bình thường, đi biền biệt mà chẳng mấy khi đưa được tiền về nuôi con.

Trước kia, chị Tuyến từng vào miền Nam làm ăn, lúc trở về bồng theo đứa nhỏ. Thương con gái dại dột, bà Phan Thị Năm (mẹ chị Tuyến) lúc đó 74 tuổi bươn chải nuôi cả con lẫn cháu. Khi Hiền được 11 tuổi thì chị Tuyến không chịu ở với mẹ nữa, bà Năm lại nhờ người dựng một gian nhà tạm trên đồi để cho con gái dọn ra ở riêng. 

Ra ngoài ở một thời gian thì chị Tuyến lại mang bầu. Chẳng biết bố đứa bé là ai, người đàn bà này kiên quyết: “Đẻ ra là đem cho người khác. Khổ lắm. Không nuôi”. Hiền sợ quá, xin mẹ “đừng đem em cho người ta, mẹ không nuôi thì để cho con nuôi em”.

Vậy là từ khi đứa nhỏ sinh ra, Hiền một tay chăm bẵm, tự đặt tên cho em là Ngọc, còn Sóc là tên gọi ở nhà. Còn mẹ của em lại thường xuyên bỏ nhà đi hơn trước, ít thì 2 - 3 hôm về nhà một lần, nhưng cũng có lần đi suốt cả tuần. 

Thương 2 đứa trẻ, bà Nguyễn Thị Huê – hàng xóm, vẫn thường gọi cả 2 chị em sang ăn cơm. “Năm ngoái, bà ngoại còn khỏe, Hiền vẫn bồng em sang nhờ bà trông. Nhưng gần đây bà già yếu đổ bệnh, nên con bé chỉ biết tự mình xoay xở. Tôi cứ gọi sang chơi rồi bảo ở lại ăn cơm cho cháu đỡ ngại. Chứ bình thường, trong nhà nó chẳng có gì ăn”, bà Huê nói.

Tranh thủ lúc em chơi ngoan, Hiền ngồi làm bài tập.
Tranh thủ lúc em chơi ngoan, Hiền ngồi làm bài tập.

Ước mơ của Hiền

Không biết mặt cha, mẹ đi về thất thường, chỉ có Hiền, em gái 14 tháng tuổi và 2 con chó, 1 con mèo ở cùng nhau. Đây cũng là ngôi nhà tình nghĩa do bà con, xóm giềng mỗi người ủng hộ một ít, dựng cho 3 mẹ con có chỗ che nắng, che mưa.

Nhưng hoàn thành chưa lâu, thì cơn bão số 5 vừa qua đã hất tung mái tôn bay lên núi. Cũng may hôm đó, thấy trời mưa gió nên Hiền ôm em nhau sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Một lần nữa, dân làng lại chung tay lợp lại mái nhà cho 3 mẹ con.

Giếng nước trước nhà cũng được tu sửa, nạo vét để gia đình có nước sinh hoạt. Trước đó, em phải đi xách nước từ dưới ruộng lên để tắm rửa cho em gái. “Nhưng tiền thuê người ta làm nhà vẫn chưa có để trả, nhà em vẫn đang nợ”, Hiền lo lắng nói.

Trong nhà trống hoác, đồ đạc chỉ có 1 cái bàn, 1 chiếc ghế nhựa, 1 tấm gỗ để làm chỗ ngủ. Chăn đệm, quần áo của cả 2 chị em mặc đều là những người tốt bụng đem đến cho. Đến tận bây giờ, nhà Hiền vẫn chưa có điện. Buổi tối, Hiền chốt cửa rồi ôm em nằm trong nhà, bật đèn pin sáng suốt đêm cho đỡ sợ. Tranh thủ lúc em chơi, thì chị cố gắng làm cho hết bài tập. 

Chẳng rõ mẹ đi đâu, làm gì, ở chỗ nào nhưng Hiền cũng không biết bỏ em cho ai để đi tìm. Mà biết tìm thế nào? Những lần mẹ quay về nhà, thì Hiền lại sợ mẹ đột nhiên nổi giận, đánh mắng vô cớ. Em gái mới hơn 1 tuổi tìm hơi ấm mẹ, làm nũng khóc suốt đêm. Hiền cũng không ngủ được. “Hôm nào mẹ không ở nhà, em ngủ thẳng giấc, thì chị mới ngủ được”, Hiền nói.

Hỏi Hiền có bao giờ giận mẹ không, em lắc đầu: “Không, vì mẹ bị bệnh mà. Nhưng nhiều lúc em cũng nghĩ sao mình lại khổ như vậy, sao mình không được sinh ra trong gia đình có đầy đủ bố mẹ, có nhà cửa to đẹp, và muốn khóc. Nhưng nhìn em Sóc, nhìn chó mèo chơi đùa, em lại thấy vui rồi quên đi. Hai con chó nhà em hiền lắm, rất “vui tính”, thường chơi với em Sóc, không bao giờ cắn em”, cô bé kể.

Mới đây, Hiền được cho một chiếc xe đạp mini cũ. Vậy là cô bé lót một chiếc áo cũ trong giỏ xe, bỏ em vào. Chị đi đâu, chở em theo đó. “Em chỉ mong nhà có đủ gạo ăn, có sữa cho em uống, khi em lớn lên thì mình thi đỗ vào cấp 3 và được đi học tiếp”, Hiền nói về ước mơ của mình. Ngay cả ước mơ, cũng chất chứa đầy lo toan, gánh nặng cuộc sống của cô bé mới học lớp 8. 

Thầy Nguyễn Sỹ Chung – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh An (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết: Hoàn cảnh em Nguyễn Thị Hiền đặc biệt khó khăn, vì vậy nhà trường tạo điều kiện, miễn giảm các khoản học phí, học thêm cho em. Ngoài ra các chương trình hỗ trợ, học bổng đều ưu tiên cho em học sinh này. Hơn 1 tháng nay, do mẹ Hiền thường xuyên bỏ nhà đi vắng, nên em phải bế em theo đến trường, ảnh hưởng đến việc học. Trước đó, chúng tôi cũng liên hệ với trường mầm non về việc gửi em gái của Hiền. Tuy nhiên, do cháu bé mới 14 tháng nên phía mầm non chưa thể nhận vào nuôi dạy”.
Ông Nguyễn Cảnh Nam – Chủ tịch UBND xã Thanh An xác nhận, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến là hộ nghèo lâu năm. Chị Tuyến tính tình không được nhanh nhẹn, khôn ngoan và hiện đang hưởng chế độ hỗ trợ mẹ đơn thân nuôi con nhỏ. Hoàn cảnh gia đình éo le nên các con của chị Tuyến, đặc biệt là cháu Nguyễn Thị Hiền vô cùng vất vả, thiệt thòi. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, ưu tiên dành các chế độ hỗ trợ cho ba mẹ con. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ